Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Đỉnh cao sáng tạo là vô cùng

Cả một đời cần mẫn sáng tạo, đổi mới, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã có nhiều đóng góp cho thơ ca nước nhà. Ông đã vinh dự nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi lần thứ hai.
111
Phóng viên (PV): Thưa nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, mỗi người đều có một vùng đất để sáng tác. Vùng gió Lào cát trắng khắc nghiệt Quảng Bình có ý nghĩa thế nào với sự nghiệp thơ ca của ông?

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (HVT): Ấy là vùng quê đặc biệt, nằm giữa những núi cát khổng lồ chạy ra sát biển và phá Hạc Hải (vũng nước lợ quanh năm). Một miền quê thanh bình, xanh tươi trù phú bốn mùa. Xa xa đằng tây, tiếp nối dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nơi đó có ngọn Đầu Mâu vút lên như mũi bút. Những người già trong làng kể lại, chiều chiều, mũi bút ấy chấm xuống nghiên mực Hạc Hải để viết lên trời mây những dòng chữ khó hiểu. Nhưng vùng đất ấy lại hứng trọn mùa gió Lào khắc nghiệt, sinh ra những cơn bão cát dữ dội. Đi trên cát trắng, nhiều lúc ta phải trùm kín mắt để tránh cát châm vào mặt.

Tôi lại yêu và tự hào sự khắc khổ ấy, như yêu gương mặt mẹ tôi lam lũ quanh năm. Tôi làm thơ và viết phê bình cũng bắt đầu từ đó. Từ những ngón chân níu vào cát bỏng và lấm bùn lầy.

PV: Ông hóa thân vào nhiều ngôi thứ, khắc họa những chân dung, tâm tư, trăn trở, tự vấn, băn khoăn với đời… Theo ông, đó có phải là cái “cao nhất”, cái “khó” trong sáng tạo?

HVT: Tất nhiên rồi anh ạ. Làm thơ phải biết hóa thân, nhập nhiều vai. Trong một cuộc tọa đàm, tiến sĩ Hà Thanh Vân đã nhận xét điều đó. Anh, tôi, em, nàng, ta, chúng ta, bạn, hắn, nó, chúng nó… Các danh xưng đều có ngụ ý, làm bài thơ phong phú, đa dạng, thể hiện nhiều tâm trạng cho từng đối tượng sáng tạo. Đó không phải là thủ thuật mà là biết khai thác triệt để tâm lý sáng tạo cao hơn. Nếu cứ lặp đi, lặp lại một hai nhân vật, người đọc sẽ chán ngấy. Hiểu đúng hai chữ “sáng tạo” không dễ, nó vừa khoa học, nhưng vừa mang tính thẩm mỹ. Cái đẹp không như khoa học. Nếu anh là nhà thơ, anh không thể lặp lại người khác đã đành, không lặp lại mình mới khó. Đỉnh cao sự sáng tạo là vô cùng.

PV: Ông từng nói, hầu như tất cả những sản phẩm sáng tạo của ông đều xuất phát từ một chuyện buồn, một niềm cô đơn, vật vã. Xin ông có thể nói rõ hơn về điều này. Tại sao vui tột đỉnh, hoặc trong hân hoan vui vẻ, lại chẳng mấy khi sinh ra những áng thơ hay?

HVT: Tùy theo tâm trạng của từng người. Niềm vui, hân hoan cũng tạo ra vẻ đẹp chứ sao? Nhưng thử hỏi nếu không biết nỗi buồn, không chìm trong nước mắt, sao thấu hiểu giá trị niềm vui. Nhưng suốt đời chìm trong niềm vui, chắc chắn anh sẽ không hiểu sự khổ đau. Người xưa đã nói, ý nghĩ của kẻ sống trong cung điện khác với ý nghĩ kẻ sống trong túp lều tranh. Cô đơn, buồn đau là bệ phóng của sự sáng tạo, vì thế nó hơn niềm vui là điều chắc chắn. Tôi từng phát biểu trong một cuộc phỏng vấn khác “cô đơn thuộc phạm trù cái đẹp”. 

PV: Sáng tác và đổi mới liên tục, có lúc nào ông thấy bế tắc trước thơ?

HVT: Chừng mực nào đó, ta tạm ví như dòng nước đang chảy, nếu anh biết khơi mở những chướng ngại, mạch chảy sẽ thông thoáng. Làm thơ cũng vậy, bạn luôn xem đó là đam mê, thường xuyên quan sát, tìm tòi. Tôi nghĩ sẽ không gặp bế tắc, ngược lại anh xem thường, không coi đó là thiêng liêng, tư duy và cảm xúc của anh sẽ chai lỳ, già nua. Bởi thế ta thường thấy nhiều người trẻ cầm bút mà thơ thì già nua và nhiều người già lại có giọng rất trẻ. 

PV: Ông vừa vinh dự được nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi. Điều đó có ý nghĩa gì đối với ông?

HVT: Tôi vui vì được giải thì ít, nhưng cái tôi yêu thích về cơ chế của giải thưởng thì nhiều. Đây là giải thưởng dân sự mà các nhà văn, nghệ sĩ lập ra, do nhà văn Nguyễn Đình Chính làm giám đốc điều hành để nhìn nhận thật hết giá trị sản phẩm văn nghệ nước nhà, tránh không bỏ sót. Nhà nước ta đã xem các giải thưởng đó như một điều tất yếu trong hoạt động văn học nghệ thuật. Chúng ta đã biết Nguyễn Đình Thi là nhà văn hóa lớn. Ông là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhạc sĩ, họa sĩ kiệt xuất thời ông sống. Những tác phẩm như bài thơ “Đất nước”, bài hát “Người Hà Nội”, “Diệt phát xít”, tiểu thuyết “Vỡ bờ”, vở kịch “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Con nai đen”… đã đưa tên tuổi ông lên đỉnh cao tài năng. Vậy thì tại sao không lấy tên tuổi và vị thế của ông làm giải cơ chứ. Thành ra, dù vui ít hay vui nhiều, thì đây là vinh dự lớn trong cuộc đời cầm bút của tôi.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phú Tây (thực hiện) 
Nguồn Thoinay
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây