Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Gương sáng vĩ nhân

Dũng khí và Tình người của dân tộc ta nảy sinh phát triển từ ngàn năm chống ách thống trị của phong kiến phương Bắc và trăm năm của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Nhiều thời, nhiều lần, dân ta đã nổi dậy chống cự, nhiều cuộc khởi nghĩa oanh liệt, nhưng thắng lợi, mà cũng có lần thất bại (như khởi nghĩa Yên Bái, binh biến Đô Lương…).
111
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nhà báo L’Unita của Đảng Cộng sản Italia, ngày 12/5/1959. Ảnh: Tư liệu

Nguyên nhân vì các thời ấy, thiếu một tổ chức mạnh, một tài nhân trực tiếp đưa đường; chưa có một chiến lược và chiến thuật linh động, sắc sảo để động viên mọi lực lượng trong nước và sử hưởng ứng, đồng tình của bạn bè bốn phương.

Phải tới thời từ làng Sen quê Nghệ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung ra đời, lớn lên thành nhà giáo Nguyễn Tất Thành, đọc lịch sử dân tộc hiểu được nỗi thống khổ, nghèo nàn của dân quê và dân cả nước, rút ra những kinh nghiệm đấu tranh mà quyết định xa nhà ra đi, qua xứ bạn để biết người, biết ta mà chọn con đường đổi đời (cách mạng) cho cả dân tộc. Nhờ tinh thông chữ Hán, lại học trường Tây, sang tới Pháp, qua nhiều sách của Nga đã dịch ra tiếng Pháp, biết thắng lợi của cuộc cách mạng dân quyền Pháp, nhất là cách mạng Tháng Mười Nga, để mang tên Nguyễn Ái Quốc viết báo tìm bạn đồng hành. Đọc học thuyết Mác-Lênin, Người sang Nga… để tới năm 1941, lên đường về nước, gây dựng cơ sở phong trào. Được coi như là đại diện cho phương Đông, qua Trung Quốc bị chính quyền phản động nước này vu cớ, bắt tù đày qua bao nhà lao suốt một năm ròng. Người đã khẳng khái tố cáo sự bất công tàn bạo, tin tưởng lạc quan để giành lại tự do cho bản thân, để rồi gặp các đồng chí tại hải ngoại, thống nhất tổ chức Đảng, mang danh Hồ Chí Minh về rừng Việt Bắc gây cơ sở yêu nước thành căn cứ địa chống thực dân Pháp và phát xít Nhật, cho đến ngày cùng đội quân Giải phóng tiến về Hà Nội, giành được chính quyền vào mùa Thu Tháng Tám 1945, nước ta bừng sáng trên bản đồ thế giới, dân ta mở mày, mở mặt với bạn bè năm châu.

Cuộc đời và sự nghiệp lớn của Bác Hồ đã có bao nhà nghiên cứu trong và ngoài nước viết sâu sắc, đầy đủ hơn trang ghi vắn tắt kể trên. Bởi vậy, bài tùy bút này, tôi chỉ nhấn mạnh về ba bài học lớn từ tấm gương sáng chói của Người để lại:

1- TÀI NĂNG VẬN DỤNG HỌC THUYẾT MÁC-LÊNIN

Có lẽ sau tổn thất của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), khác với Đảng Cộng sản Liên Xô, Người đã sớm biết thống nhất các tổ chức cách mạng, khoan thành Liên bang Đông Dương, mà gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, ngoài việc giữ Công Nông Binh là lực lượng chủ chốt của Cách mạng, lôi cuốn các tầng lớp yêu nước khác, mà thành lập Mặt trận Việt Minh. Dân ta, có người hiểu “Việt là Vietnam – Minh là tên Bác”, nhưng các đồng chí ở Trung ương đã hiểu ý sâu của Bác là Việt Nam độc lập Đồng minh. Quả là thời đó, Tổ quốc ta còn “một cổ hai tròng” của Pháp và phát xít Nhật, phải ủng hộ phe đồng minh châu Âu chống trục phát xít, chấm dứt chiến tranh thế giới, như Nga cùng đồng minh đã cắm cờ lên nhà Quốc hội Đức, buộc Hitlle tự sát… như ta đã hiểu thêm bên này, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện không chỉ vì hai quả bom nguyên tử của Mỹ mà còn vì Hồng quân Nga đã tiến sát biên giới và các nước châu Á, như Việt Nam đã đáp trả chúng nhiều đòn.

Rõ ràng tổ chức Việt Minh, tiếp theo là Liên Việt và chế độ Dân chủ Cộng hòa thời ấy, đã đoàn kết toàn dân, thêm bạn bớt thù, mở rộng căn cứ địa và đuổi khéo 2 vạn quân “Tàu Tưởng”, để rảnh tay đối phó với Pháp lấy cớ giải giáp Nhật, để thực hiện tham vọng trở lại Đông Dương!

Tài năng sách lược cách mạng cùa Bác tiếp đó biểu hiện trong nhận thức trường kỳ. Quả thật, việc quyết định tạm rời Thủ đô trở lại rừng, dựa vào thế núi lòng dân, từ hậu phương ra tiền tuyến, vừa kháng chiến vừa dựng nước, đã biến thành thế mạnh, mở ra nhiều chiến dịch để đến chiến thắng Điện Biên Phủ… và sách lược trường kỳ, sáng tỏ tầm nhìn xa, để động viên sức người, sức của với ý chí xẻ dọc Trường Sơn, mở đường dưới biển, với tài trí ngoại giao của Bác và Đảng trong cuộc chiến lần hai, đã buộc kẻ thù đế quốc mạnh gấp mấy kẻ thù thực dân bảo hộ, tránh được sự tiêu diệt, nên Mỹ phải cút, ngụy phải nhào, Tổ quốc ta hai miền thống nhất.

Phải chăng, tài vận dụng học thuyết Mác-Lê vào cách mạng Việt Nam ở chỗ minh định mục tiêu khẩu hiểu chiến thuật từng thời mà vẫn thực sự giữ vững lý tưởng mục đích cuối cùng của cách mạng. Thử xem, thời mới giành được chính quyền, dưới chế độ Dân chủ cộng hòa, mục tiêu theo Bác hướng về Độc lập, tự do, hạnh phúc. Độc lập thì hơn hai cuộc chiến, dân ta đã giành được Tự do thì bản thân Bác đã tranh đấu nêu gương sáng cho mọi người, còn sau ngày Bác đi xa, Đảng, Chính phủ, Nhà nước ta đang kế tục Người, vẫn hướng tới Xã hội chủ nghĩa, chính là nội dung của từ Hạnh phúc trong cuộc sống mà Dân đang mong ước. Lại xem, từ ngữ, khẩu hiệu cho một tổ chức, có thể thay đổi, miễn không đi chệch mục đích cuối cùng, Việt Minh – Liên Việt gì cũng tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sau chiến tranh, cần sức dựng nước để ra công khai. Bác dám gọi là Đảng Lao động (1961). Nhưng đến thời còn Đế quốc, còn các kiểu chiến tranh, còn sự bất công của loài người, thì trở lại tên Đảng Cộng sản, Đảng Tiền phong để đấu tranh là cần thiết cho cả cộng đồng.

2- BÀI HỌC VỀ ĐẠO ĐỨC, TÁC PHONG, LỐI SỐNG:

Tấm gương lớn thứ hai của Bác để lại, không chỉ cán bộ các cấp và thường dân, mà cả hai muốn sống tốt, sống đẹp, sống có ích cho đời cũng từng noi theo, và biết ơn ca ngoại vì đó là đạo đức làm người.

Biểu hiện cụ thể của Bác, ta có thể kể đầu dòng từ lời nói, cử chỉ, việc làm:

- Giành được chính quyền cho dân tồi, không ở trong “dinh còn hôi mùi Toàn quyền”, chọn căn phòng nhỏ người phục vụ, cho đến sau này, quen kiểu nhà sàn ở chiến khu.

- Chủ tịch nước mặc áo vá, là hạnh phúc cho dân”.

- Cách mạng phân công việc gì cứ gắng làm tròn, như các kim trên chiếc đồng hồ chạy lung tung lên thì còn gì là bộ máy… (Cũng như nay ta lo chạy chức, chạy quyền, chạy danh thì làm gì có vinh dự).

- Công tác gì, hoạt động gì cũng có khi lầm, khi sai, sai thì phải biết cách sửa, Bác từng khóc trước Quốc hội về sai sót cải cách ruộng đất. (Biết sai mà đổ vấy cho người khác, chạy tội là hèn).

- Không chịu tạc tượng: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi giữa lối mòn”1 .

- Bác từng để nguyên đĩa thịt gà/ ăn trọn một quả cà xứ Nghệ2 .

- Năm Nhà xuất bản Văn học chọn in tập “Hồ Chí Minh – thơ”, đồng chí Trường Chinh bảo tôi: “Nên nhớ, hồi đầu cách mạng, ai đó viết bài ca ngợi Bác, có câu “Tiếng Người vang chuyển động mấy kinh thành” thì có thể, nhưng “Chân người bước khiến giật mình vũ trụ” thì không đúng! Bác nghe cũng khó chịu, ta không nên chọn bài ấy”. Và tất nhiên, Bác cũng chẳng “coi rẻ thân như cỏ nội hoa hèn”… làm người ai chẳng có khi tiếc, hoặc ham, nhưng với Bác chỉ “Tiếc là không được phục vụ nhân dân hơn”, và chỉ có một ham muốn tột bậc là dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành… (Di chúc).

3- LẠC QUAN CÁCH MẠNG, LAN TỎA NIỀM VUI CHUNG:

Sự đời, cuộc sống và cả thiên nhiên còn trong quy luật biến chuyển bất thường, cách mạng còn trên đường dài, những cặp từ đối xứng như đúng – sai, tốt – xấu, thắng – bại, vui – buồn còn luôn hiển hiện. Ngoại trừ thiên nhiên vô định, trừ những kẻ độc ác, bất lương, ích kỷ hại dân gây chết chóc oán thù, ai biết làm người, dẫu đời riêng có chịu thiệt thòi, có gặp rủi ro, mất mát, nhưng nhờ nhận thức và có nghị lực, coi đói là thử thách mình, để tạo ra niềm tin, yêu đời, để rồi vui vẻ mà sống tiếp.

Chính cuộc đời và sự nghiệp cho ta thêm bài học này.

- Sang Nga, đọc tác phẩm của Lê nin, ngồi một mình trong phòng mà tôi đã reo lên: “Hỡi đồng bào đang bị đọa đày đau khổ… con đường giải phóng là đây”… để rồi viết nên Bản án chế độ thực dân Pháp.

Một năm ròng bị tù đày đau khổ, xiềng xích thay dây trói mà nghe như “nhạc ngựa leng reng, “Giải lên tàu”, ngồi trên đống than còn hơn “những ngày cuốc bộ”; Trong tù bệnh nặng càng cay đắng/ Đứng khóc mà ta vẫn hát tràn!. Mọi lời tố cáo địch, nghị lực vượt khổ đã tạo cho Bác niềm tin “Hết mưa là nắng hửng lên thôi”… khi thấy Đất trời một thoáng thu màn ướt/ Đất nước huy hoàng trải gấm phơi.

Lại nữa, thời đạn bom hai cuộc chiến, “60 tuổi còn đang xuân chán… để rồi năm chiến đấu nào cũng có thư mừng Tết cho đến Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Miêu tả Thúy Kiều, khi trao được duyên cho cô em chờ tái hồi Kim Trọng, thì “chị dù thịt nát xương mòn/ mỉm cười chín suối hãy còn thơm lây” để thi hào Nguyễn Du tin tưởng mà khép lại truyện thơ, kỳ vọng “mua vui cũng được một vài trống canh”. Với một vĩ nhân anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như Hồ Chí Minh, suốt đời chỉ vì dân mà đến 2-9-1969, còn tỉnh giấc để nhắc: Cho dân vui với ngày Độc lập sao đến giờ chưa đốt pháo bông?” Thiết nghĩ, càng nên báo cáo cùng Người, những gương lạc quan cách mạng của Bác mà tuổi trẻ reo hò chiến thắng, dân ta mừng ngày một đổi đời, bạn bè ta đã chia vui. Nghề văn ngày càng dí dỏm… và xét cho cùng: Bé sinh ra cốt để cười, nên già càng thanh thản bước”.

Viết ở tuổi 92

--------------

1. Thơ Việt Phương. 2. Thơ Tố Hữu.

Tác giả: Tùy bút của Hoàng Minh Châu
Nguồn Văn nghệ số 21/2022
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây