Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Hà Nội trong mắt ai

NHỮNG QUY HOẠCH BỊ BIẾN DẠNG

Xin được mượn tên bộ phim tài liệu nổi tiếng của đạo diễn Trần Văn Thủy để đặt tên cho bài viết ngắn ngủi này bởi bộ phim cứ ám ảnh mãi trong tôi, và cũng bởi trong tôi càng ngày càng hằn lên một ý nghĩ: liệu cái vẻ đẹp ấy, cái nét hào hoa thanh lịch của Hà Nội đã tồn tại hàng nghìn năm một mai này còn nữa không? Bởi ngay hôm nay, Hà Nội đang đổi thay đến chóng mặt, tuy có to hơn, hiện đại hơn, nhưng  diện mạo của một thủ đô thanh lịch đang ngày một mất đi. Chẳng cần chờ đến mai sau mà từ mấy chục năm nay, diện mạo Hà Nội đang xấu đi một cách đáng lo ngại...

Về hào hoa, thanh lịch làm nên cốt cách người Tràng An đã hun đúc từ ngàn năm chẳng dễ gì mất đi trong một vài thế hệ được, dù đang thời hội nhập và phát triển tạo ra những mảng sáng tối đan xen, nhưng đã là văn hiến thì rồi sẽ trường tồn...

Nhưng về diện mạo của thủ đô là điều làm cho tôi suy nghĩ, nhiều lúc thấy bức xúc... Bức xúc bởi trải qua bao đời cha ông xây dựng, chống chọi với thiên tai và cả ngàn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, trăm năm đô hộ của thực dân phương Tây không xóa nổi bản sắc của Thăng Long - Hà Nội. Trái lại, thủ đô yêu dấu của chúng ta chỉ chọn những cái hay, cái phù hợp của họ làm cho diên mạo ngày một đẹp hơn.

Vậy mà có vài chục năm gần đây, cảnh quan, diện mạo Hà Nội thay đổi đến kinh hoàng. Đừng bảo tôi cực đoan, bởi tôi cũng biết những cái được, cái hay có được trong mấy chục năm qua, Hà Nội phát triển rất nhanh, từ đường xá, nhà cửa, các công trình vươn lên, khác hẳn thời chiến tranh, đời ta nghèo/ phố chật nhà tranh ấy. Và hơn nơi nào khác, Hà Nội là thủ đô, là trung tâm chính trị của cả nước luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách để xây một thủ đô văn minh, hiện đại, xứng với tầm cao mới của thời đại.

Đã từ lâu, tôi vẫn nghe quen quen những cụm từ quy hoạch, tầm nhìn ngắn hạn, dài hạn... mà tại sao Hà Nội vẫn phát triển theo chiều hướng xô bồ, băm nát hết diện mạo một thành phố xanh, thành phố hòa bình vốn là những từ rất đáng tự hào một thời. Chẳng nhẽ các quy hoạch sai. Ngàn lần không! Bởi tôi hiểu để có một quy hoạch tổng thể hay chi tiết, quy hoạch tầm mười năm hay nửa thế kỷ đều được xây dựng rất công phu, trách nhiệm của bao nhiêu chuyên gia, của bao tập thể và cá nhân có kiến thức, lại được tham khảo, tư vấn...

Cái đáng trách ở đây, theo tôi là cái tâm của những người liên quan đến sự biến dạng của Hà Nội. Quy hoạch một đàng, làm một nẻo. Cũng không phải họ không biết triển khai theo quy hoạch, mà luôn có xu hướng điều chỉnh quy hoạch. Điều chỉnh không phải để hợp lý hơn mà chỉ để vụ lợi cho những người thực hiện.

Ấy vậy nên nhiều khu chung cư mới chèn thêm nhiều nhà ngoài tăng thêm nhiều tầng ngoài quy hoạch, lấn hết đất làm vườn hoa, cây xanh và những công trình dân sinh. Có thế mới thu lợi nhuận tối đa cho cái lòng tham của không ít người trong bộ máy công quyền, nhất là các chủ dự án, chủ doanh nghiệp. Họ phải bắt tay nhau, chia chắc, mặc quy hoạch với những nỗi khổ của cư dân.

NỖI ĐAU LINH ĐÀM!

Minh chứng khu đô thị kiểu mẫu bị “xé nát” tại Hà Nội là khu đô thị Linh Đàm, được khởi công năm 1997 với quy mô trên 200ha, giải pháp quy hoạch và kiến trúc của khu đô thị là có khoảng 50% mặt nước với hệ thống công viên có mật độ cây xanh rất cao (13m2/người). Tuy nhiên, những thay đổi về mục đích sử dụng đất và sự thiếu đầu tư hạ tầng, dịch vụ và tiện ích, đã “băm nát” khu đô thị Linh Đàm. Từ một khu đô thị kiểu mẫu, Linh Đàm giờ đây méo mó, biến dạng.

Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), “cha đẻ” đồ án quy hoạch khu đô thị Linh Đàm từng thốt lên: “Tôi rất buồn trước thực trạng hiện nay của khu đô thị Linh Đàm”. Theo ông, khu đô thị có thể tồn tại hàng trăm năm, thế mà Linh Đàm mới chỉ hơn 20 năm đã trải qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch và hình hài trở nên biến dạng, méo mó. Nguyên nhân của thực trạng này không phải là lỗi của nhà quy hoạch mà nằm ở 2 khâu là tổ chức quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Thực trạng này đang diễn ra phổ biến trong hệ thống hơn 800 đô thị lớn nhỏ, từ loại III trở lên trên cả nước. Luật pháp không cấm việc điều chỉnh quy hoạch. Nhưng việc điều chỉnh cần tuân thủ chặt chẽ 2 nguyên tắc là đúng thẩm quyền và đúng trình tự. Đặc biệt, việc điều chỉnh phải đi kèm với hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội.

Tương tự, tại một số dự án như: Khu đô thị Cầu Giấy, Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn, Khu đô thị Ciputra (Khu đô thị Nam Thăng Long) - là số ít những khu đô thị đẹp, đắt đỏ và sang chảnh nhất nhì Hà Nội cũng từng bị người dân kiến nghị khẩn cấp về điều chỉnh quy hoạch kiến trúc một số lô đất thương mại, sân, vườn và đường nội bộ nay chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng.

Thật buồn cho thủ đô lại lắm sâu mọt trong lĩnh vực này đến thế. Tôi cũng không hiểu sao, một vài cá nhân có thể ký roẹt điều chỉnh lại quy hoạch dù trước đó đã bao công phu xây dựng. Cũng không ít kẻ phải trả giá vì những hành động “tàn phá” thủ đô. Lòng tham lấn át, lợi nhuận, đồng tiền che hết tầm nhìn, làm ố bẩn lương tâm nên mới thế.

Đó là chưa nói những khu đất vàng, là trụ sở của các cơ quan, xí nghiệp, trung tâm thương mại... Chủ trương chuyển dời ra ngoài trung tâm để giảm bớt mật độ dân số là đúng, nhưng nhiều khu lại trở thành miếng mồi béo bở cho những nhóm lợi ích, cá nhân trục lợi, chuyển mục đích sử dụng, lại tiếp tục “chuyển đổi mục đích”, xây chung cư, khu đô thị cao cấp, vừa phá vỡ cảnh quan, vừa làm cho mật độ dân cư trong nội đô tăng lên chóng mặt. Cái đó ai chẳng thấy, chỉ có những người liên quan không thấy, để cho kẻ vụ lợi dắt con voi chui lọt lỗ kim.

CÓ NHỮNG CÁI SAI KHÔNG BAO GIỜ SỬA ĐƯỢC

Hà Nội của chúng ta được mẹ thiên nhiên ưu đãi cho hệ thống sông hồ không đâu bằng. Thế mà mấy thập kỷ qua, chẳng hiểu sao người ta cứ dọa lấp hồ làm dự án, may mà công luận nhiều lần lên án, nên về cơ bản hồ ao vẫn còn, dẫu có nhỏ lại ít nhiều. Nhưng hệ thống kênh rạch đang ngày một mất đi để làm đường xá. Những con kênh ở thủ đô mấy chục năm gần đây thành hệ thống tiêu bẩn nước thải của thành phố, thành thử dân tình sống gần luôn bị tra tấn mùi xú uế của nó, rất bức xúc. Ấy nên khi nó bị lấp đi, hay thành cống ngầm để làm đường thì đa số dân cư vỗ tay vì không bị mùi nước thải tra tấn, lại hưởng lợi nhà có đường phố. Những chủ đầu tư thì khỏi bàn, chắc họ sướng phát điên khi lấp kênh rạch để làm đường thật tiện lợi, vừa không bị đền bù, giải tỏa giải phóng mặt bằng. Nhưng thử hỏi, một mai ngày thành phố đã hoàn toàn bê tông hóa thì có còn thành lịch và nên thơ nữa. Sửa sai ư? Đào lại sông ngòi ư? Đâu dễ. Có những cái sai không bao giờ sửa được nữa... Những người chủ trương cho lấp sông lạch để làm đường liệu có nghĩ đến hậu quả của nó không?

Tôi có dịp đi một số nước, thấy người ta chẳng bao giờ lấp sông hồ mà họ phải đầu tư, đào những con sông, những cái hồ nhân tạo rất đẹp. Nói đâu xa, ngay trong khu vực, tại Malaysia, Putrajaya là thành phố được quy hoạch nhân tạo thành lập năm 1995, cách Kuala Lumpur khoảng 30 km về phía nam, thành trung tâm hành chính mới của liên bang Malaysia. Nhiều tòa nhà chính phủ và văn phòng đã dời về đây để tránh vấn đề giao thông và môi trường đông đúc tại Kuala Lumpur.

Putrajaya rất thông thoáng và môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Có hơn 40% diện tích của thành phố này được dành cho cây xanh. Điều làm cho tôi bất ngờ là người ta đào hẳn sông to và dài, có 9 cây cầu cực kỳ ấn tượng. Hơn thế nữa, họ còn đào hồ rộng 650 ha, được ví như trái tim của  thành phố.

Ấy thế mà ta lại lấp đi những con kênh đáng yêu...

Có những dự án, bây giờ là công trình nhưng ngày sau sẽ là món nợ mà sai lầm đó không thể sửa chữa được. Như đường sắt Cát Linh- Hà Đông - một công trình điển hình về cái xấu, nhất là thiết kế xấu không còn lời để chê, như con rắn chết vắt qua thành phố, lời một nhà văn nổi tiếng từng bức xúc trên công luận.

Con đường sắt trên cao ấy, tôi không rõ nó sẽ có hiệu quả thế nào trong việc giải quyết ách tác giao thông, hiệu quả về kinh tế nhưng điều chắc chắn rằng, dân tình oán thán những ai liên quan đến việc cho ra đời con đường  tai tiếng đó. Và tôi cũng chắc chắn rằng, một mai, khi Hà Nội thân yêu của chúng ta đi vào quỹ đạo, đẹp và văn minh hơn, thì một vị lãnh đạo nào đó có đủ dũng khí ra quyết định đập bỏ nó cho đẹp Hà Nội, thì dù đau vì mất quá nhiều tiền của công sức, nhưng sẽ được dân tình vỗ tay, ủng hộ  bởi Hà Nội sẽ  đẹp hơn, đáng yêu hơn.

Thế mới biết, có những dự án, hôm là công trình hôm nay, mai sau sẽ là di sản, nhưng cũng có những công trình hôm nay, ngày mai trở thành bãi rác, thành biểu tượng của cái xấu, và những ai làm ra  nó thành tội đồ của thủ đô, của lịch sử.

Yêu Hà Nội quá nên có mấy dòng đầy tâm trạng, tôi cũng chỉ mong một Hà Nội tươi xanh, đẹp đẽ, thanh lịch và văn minh, hiện đại trong mắt chan chứa tự hào, hãnh diện của con cháu chúng ta; trong mắt con mắt thân thiện, thán phục của bạn bè quốc tế...

15/6/2021


Tác giả: Nhà văn Thái Chí Thanh
Nguồn Văn nghệ số 32/2021

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây