Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Hỗ trợ nghệ thuật " vượt bão" covid 19

Cùng với khẳng định, lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật cần có những tác phẩm mới làm phong phú đời sống tinh thần người dân, là quan điểm cần có “ gói cứu trợ” cho nghệ thuật biểu diễn thoát khỏi khó khăn do ảnh hưởng của dịch covid 19 là những kết luận có được từ bổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao & Du lịch ( Bộ VHTT&DL) với 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ về tình hình thực hiện nhiệm vụ, những vấn đề khó khăn, tồn đọng, cấp bách cần giải quyết trong hoạt động nghệ thuật, giúp nghệ thuật "vượt bão" covid 19.

111
Cảnh trong vở " Hồ Thiên nga"

Cần những tác phẩm nghệ thuật mới

Theo Bộ VHTT&DL, hiện 12 đơn vị nghệ thuật của Bộ đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật do tác động tiêu cực của dịch covid 19. Nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật trực thuộc Bộ, buộc phải hoãn, hủy xuất diễn, thay đổi lịch trình hoạt động nghệ thuật đã được xây dựng trước đó, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, nhiệt huyết của diễn viên, nhân viên trong đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Tại buổi làm việc, nhiều giải pháp tình thế đã được đưa ra nhằm gỡ khó cho từng đơn vị nghệ thuật. Tuy nhiên, về tổng thể cần một đề án dài hơi, thậm chí một chiến lược bài bản  vượt khó cho nghệ thuật biểu diễn

Hiện Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã đặt ra yêu cầu, từ năm 2022, Cục NTBD phải xây dựng cho được kế hoạch đưa các đơn vị nghệ thuật đi biểu diễn ở địa phương, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của từng vùng, miền khác nhau. Chuẩn bị đề án đề Lãnh đạo Bộ làm việc với các địa phương triển khai thực hiện việc đưa nghệ thuật về địa phương, về các điểm du lịch quốc gia theo cơ chế đặt hàng, hỗ trợ. Đồng thời cần có cơ chế ưu tiên cho sự phối hợp giữa các nhà hát, và cùng với đó là phải khẩn trương nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý và mô hình hoạt động của các đơn vị nghệ thuật để tạo điều kiện cho khối NTBD phát triển ngày một vững chắc.

Điệp khúc tạm dừng, cấm diễn nhằm tuân thủ quy định phòng, chống covid 19 đã trở đi trở lại trong đời sống nghệ thuật từ đầu năm 2020 và kéo dài cho tới thời điểm hiện tại đã tác động tiêu cực đến công chúng yêu nghệ thuật. Thói quen ra rạp, chờ đón những vở diễn mới đã, đang dần bị rơi vào quên lãng, khiến cho nhiều đơn vị nghệ thuật đã khó lại càng thêm khó. Đơn cử như Nhà hát Tuổi Trẻ, đơn vị đã hoàn thành hai vở “Bầy chim thiên nga”; “Cuộc chiến virus” và chuẩn bị những điều kiện vật chất cần thiết cho chuyến lưu diễn nhiều ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh dịp 1/6, đã buộc phải dừng lại do dịch covid 19 bùng phát lần thứ 4.  Cũng có chung cảnh ngộ với Nhà hát Tuổi trẻ, đoàn xiếc đương đại của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng phải hủy, thậm chí dừng vô thời hạn các  show diễn tại nhiều địa phương trong cả nước, khiến cho áp lực về kinh tế (do không có nguồn thu để trả lương cho diễn viên, nhân viên) duy trì hoạt động đơn vị nghệ thuật vô cùng lớn.

Từ những khó khăn của đơn vị mình, NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, vì liên tục phải hủy các xuất diễn do ảnh hưởng của dịch covid 19, nên nguồn thu của liên đoàn gặp rất nhiều khó khăn. Đơn vị đã phải đi vay để trả lương cho nhân viên, diễn viên hợp đồng. Vì vậy,  để duy trì hoạt động, Liên đoàn đã buộc phải đề nghị diễn viên ngoài hợp đồng nghỉ việc, tự luyện tập tại nhà, nhằm giảm áp lực kinh tế cho đơn vị.

Không có xuất diễn, không có nguồn thu là khó khăn mà hầu hết 12 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ đang phải đối mặt. Nhưng đây mới chỉ là những khó khăn tạm thời và vẫn chưa phải là khó khăn duy nhất, theo NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, lực lượng kế cận mới là vấn đề mà các đơn vị nghệ thuật nói riêng, Bộ VHTT&DL nói chung, hay ở cấp độ cao hơn là Nhà nước cần quan tâm và có hướng đãi ngộ thỏa đáng. Lấy ví dụ từ đặc thù của nhà hát Nhạc vũ kịch là nghệ thuật hát kịch, múa ballet. NSUT Trần Ly Ly cũng cho biết, để trở thành một nghệ sĩ thì phải học nghề từ rất nhỏ và phải mất từ 12-16 năm mới có thể có được xuất diễn “ cứng” trên sân khấu. Nhưng khi ra trường, đầu quân về các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ chỉ  được hưởng mức lương trung cấp, rất thấp và không đủ tiền để chi trả cho các hoạt động sống thiết yếu. Trong khi nếu họ tham gia các show diễn, hạy đầu quân cho các đoàn nghệ thuật tư nhân, thì mức lương và thù lao diễn lại rất cao thậm chí gấp hàng chục lần so với các đơn vị công lập. Chính vì vậy, nhiều năm nay, ngành ballet không tuyển được diễn viên, những ngành khó hơn càng không có người theo học. Sức hút từ xã hội hóa nghệ thuật đã khiến cho nhiều ngành nghề bị thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng và cũng có nhiều lĩnh vực thừa nhân lực, tạo nên sự mất cân đối giữa trong không ít lĩnh vực nghệ thuật khác nhau. 

Để gỡ khó cho các đơn vị nghệ thuật, những giải pháp cho nghệ thuật vượt qua đại dịch đã được đặt ra, như: kết nối tour du lịch với chương trình biểu diễn nghệ thuật; đầu tư có trọng điểm cho các vở diễn, chương trình nghệ thuật, đưa các chương trình biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật đến các địa phương, đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, vùng xa, phục vụ nhân dân...  Tuy nhiên, để những giải pháp trên có thể tạo đà cho nghệ thuật biểu diễn vượt qua mùa covid, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần phải có nhiều tác phẩm mới, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân trước mắt là trong mùa covid 19.

Một gói “ cứu trợ” tại sao không?

Thực tế đã và đang cho thấy, dịch bệnh Covid 19 ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế- xã hội của cả nước, trong đó có các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTT&DL. Trong khi chờ gói cứu trợ của Chính phủ, nhiều đơn vị nghệ thuật đã có những động thái mới để duy trì hoạt động của mình, trong đó có  ứng dụng công nghệ số, phối hợp với các đơn vị truyền hình sản xuất các chương trình nghệ thuật phục vụ công chúng dưới hình thức trực tuyến. Đi đầu là Nhà hát Kịch Việt Nam, với 2 ê kíp làm truyền thông và xây dựng kênh của nhà hát trên Youtube, Tiktok. Nhà hát cũng xây dựng kế hoạch phát triển về nội dung giải trí, nội dung hoạt động và nghệ thuật, xây dựng hình ảnh cho nhà hát trên nền tảng trực tuyến để nâng tầm ảnh hưởng của nhà hát.

Hiện việc sử  dụng nền tảng trực tuyến được xem là kênh quan trọng để đưa nghệ thuật tiếp cận mạnh hơn, nhanh hơn với công chúng trong mùa dịch. Trước đó ý tưởng xây dựng Nhà hát online đã được Bộ VHTT&DL lên kế hoạch ngay từ đầu những ngày dịch covid 19 xâm nhập vào Việt Nam ( tháng 4 năm 2020), nhưng những nỗ lực để có được Nhà hát online đúng nghĩa vẫn chưa thể trở thành hiện thực do những điều kiện cần và đủ để hình thành Nhà hát vẫn còn vướng cơ chế,  kinh phí và một phần không kém quan trọng đó là thời lượng số hóa tác phẩm nghệ thuật, làm sao để thu hút khán giả vào nhà hát online để thưởng thức tác phẩm mà không ảnh hưởng đến lượng khán giả đến rạp ( khi dịch covid 19 bị đẩy lùi). Nhưng, mặc dù là vậy, dự án đã và đang được lãnh đạo Bộ khẳng định là hướng đi tất yếu của tương lai. Được biết, theo hướng dự kiến, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các đơn vị xây dựng một kênh truyền thông về nghệ thuật biểu diễn và có thể hợp tác làm "Nhà hát truyền hình" để các đơn vị giới thiệu những chương trình hay, tiết mục đặc sắc của mình. Theo NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn Bộ VHTT&DL, cho biết: “Nếu tổ chức biểu diễn sẽ  vi phạm quy định về số lượng người trong sự kiện. Vì thế, chúng tôi khởi động kế hoạch đưa chương trình nghệ thuật lên mạng  để kết nối công chúng. Tạm thời sẽ có gói kích cầu của nhà nước hỗ  hỗ trợ và chúng tôi đã trình dự án” .  Theo dự án, các chương trình và các tiết mục đã có nhưng diễn không được thì nhà nước hỗ trợ các đơn vị đưa lên mạng, vì diễn trên mạng không thu tiền, không giải quyết được bài toán kinh tế cho các đơn vị nghệ thuật, nên đây chính là giải pháp phù hợp để hoạt động nghệ thuật không bị đứt mạch vì covid 19.

Tính đến thời điểm hiện tại, số hóa tác phẩm nghệ thuật đã và đang trở thành lựa chọn sống còn của nhiều đơn vị nghệ thuật, nhà hát và của hầu hết các chuyên ngành nghệ thuật hiện nay. Trước lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, hội họa, thư viện, âm nhạc… là những lĩnh vực đã sớm khởi động dự án số hóa những tác phẩm, tư liệu, sản phẩm âm nhạc hiện có để phục vụ công chúng trên nền tảng trực tuyến. Bộ VHTT&DL cũng đã có những Quyết định về việc ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam". Với mục tiêu phấn đấu 100% thư viện ưu tiên đầu tư phát triển thư viện số, thực hiện liên thông; hiện đại hóa thư viện công cộng cấp tỉnh, thư viện đại học và thư viện chuyên ngành ở Trung ương. Đảm bảo 100% website có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến; xây dựng tài nguyên thông tin dùng chung, tài nguyên thông tin mở cho các thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, thư viện đại học và các cơ sở giáo dục khác…Số hóa 70% tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan  trọng thu thập và quản lý,.. Và thực tế, những thành công đầu tiên của dự án số hóa nói trên đã được ghi nhận thông qua sự đón nhận hào hứng của công chúng yêu nghệ thuật, thể hiện qua lượt truy cập lên đến hàng trăm thậm chí hàng nghìn lượt mỗi ngày

Thành công của hội họa, của hệ thống thư viện quốc gia… chính là  gợi ý để 12 đơn vị nghệ thuật biểu diễn trực thuộc Bộ, xây dựng kế hoạch số hóa những đứa con tinh thần của mình. Việc còn lại lúc này chính là chọn ra một số tác phẩm, một số đơn đặt hàng để ngoài việc đi lưu diễn các địa phương khi dịch bệnh được khống chế thì việc số hóa để đưa sản phẩm lên nền tảng trực tuyến cũng được xem là việc làm cấp bách không kém để duy trì hoạt động của các đơn vị nghệ thuật trước khi dự án hỗ trợ được thực hiện.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Theo Văn nghệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây