Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Hoàng Nhuận Cầm - Những nỗi niềm đau đáu việc dân việc nước

Tôi chỉ được gặp và trò chuyện cùng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có một lần. Dạo ấy là vào tháng 5 năm 2017, khi anh nhận lời về Đài Hưng Yên giao lưu trong chương trình “Khách mời Văn nghệ sĩ”. Do công việc bận, tôi điện mời và anh nhận lời. Hôm đó khoảng hơn 10 giờ, đang dự chương trình giao lưu với Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Hường, lái xe của Đài Hưng Yên điện anh sắp về, tôi rời trường quay và ra sảnh chờ đón anh. Gặp anh lần đầu tiên, tôi bất ngờ và có chút  thất vọng vì thấy anh có vẻ  gầy yếu và mệt mỏi, lại có vẻ  khắc khổ già nua, anh lại say xe nữa, tôi lo là với sức khỏe như vậy, liệu chiều nay anh có lên hình được không? Tôi đỡ anh lên phòng tại tầng 2, sau vài câu xã giao và trao đổi công việc, anh nói: “Cho mình nằm nghỉ một lát”. Tôi mời anh vào nằm giường trong, nhưng anh bảo anh nằm ngay trên ghế đi văng cho tiện. Tôi để anh nằm nghỉ, và gần 11 rưỡi tôi quay lại mời anh đi ăn cơm cùng nghệ sĩ Thúy Hường, nhưng anh bảo anh mệt không ăn được. Trợ lí của chương trình là Phương Thảo đi mua cháo cho anh. Tôi xin phép anh đi tiếp khách. Khoảng 1 giờ chiều tôi quay lại, thấy anh rít thuốc lào rất chi là sảng khoái, anh xin lỗi làm khói mù mịt căn phòng. Trong cách nói chuyện anh có vẻ khiêm nhường, e dè mà chăm chú nghe người đối diện. 
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời: Cầm lại đi lại đi, thôi chào nhé - Ảnh 1.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm - Ảnh tư liệu


Thế rồi, gần 2 giờ chúng tôi lên trường quay để nghe nhà thơ chia sẻ: Anh nói chuyện thơ, chuyện làm phim, chuyện anh làm Bác sĩ Hoa súng... chuyện nào cũng rôm rả say sưa, Anh rớm nước mắt khi kể chuyện về những sinh viên cùng thời xông pha tại mặt trận Quảng Trị với anh như Nguyễn Văn Thạc, Vũ Đình Văn... Hôm đó, chương trình bố trí hai diễn viên Thu Trang và Thu Phương cùng cây sáo Đăng Sơn của đoàn chèo Hưng Yên trình bày bài thơ “Chiếc lá đầu tiên” và “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng tới”...


Hôm đó, anh dành gần 3 tiếng để nói về thơ cùng những chủ đề phim anh làm. Khán giả trong trường quay mê mải nghe anh kể chuyện, nghe anh đọc thơ... Khác hẳn với dáng vẻ ốm yếu mỏi mệt lúc ban đầu, anh càng nói càng sang sảng hùng biện, càng bất tuyệt say sưa. Có lẽ nếu không vì thời lượng của chương trình thì không biết đến bao giờ mới có thể ngắt được mạch tâm sự của anh. Sau này tôi trách bản thân mình quá câu nệ vào kịch bản nên chỉ để câu chuyện của anh diễn ra trong vòng 3 giờ đồng hồ mà không để cho anh nói nhiều hơn nữa. Cuối chương trình, Anh chuẩn bị một số tập thơ để tặng cho khán giả và học sinh trường Năng khiếu tỉnh Hưng Yên. Khán giả tranh nhau chụp ảnh cùng với anh.

Vậy mà giờ đây, anh đã bất ngờ rời xa cõi trần. Một số khán giả nói với tôi nhờ Đài Hưng Yên mời anh Cầm về nên khán giả mới có dịp tiếp xúc với một nhà thơ tài năng, một nhà biên kịch xuất sắc, một diễn viên tài ba.

Nhưng trong tôi, còn có một Hoàng Nhuận Cầm luôn đau đáu với việc dân việc nước. Việc này được thể hiện khi 4 năm qua anh cùng ê kíp của Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện chương trình “Khách đến chơi nhà” do anh dẫn chương trình. Chương trình với thời lượng 30 phút được phát vào 7 giờ 30 phút sáng chủ nhật hàng tuần trên VOV2. Anh đã cùng với khách mời bàn luận về tất cả các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội. Xin kể tên một số chương trình đã phát sóng gần đây như: “Chung cư hay chung...cực”; “Vui lên một tý, đời rất dễ sống”; “Giấy khen đại trà, hóa ra giấy vụn”; “Cuộc sống thành phố - Nỗi khổ ai hay?”;“ Phụ nữ hiện đại, bếp núc chẳng ngại”...

Và qua chương trình, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cùng ê kíp còn mạnh dạn phê bình các tiêu cực trong quản lí xã hội như các chương trình “Lợi ích nhóm, tóm quan tham”; “ Lời hứa suông, buông theo gió”; “Hoành tráng, hoành tráng - Càng nghèo đói”; “Chính sách trên trời rối bời dưới đất”; “ Nịnh sếp...”... Đó là các chương trình thể hiện nỗi niềm đau đáu việc dân việc nước của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm mà nhiều khi thơ không nói rõ ràng được. Ví dụ chương trình “Hoành tráng, hoành tráng - Càng nghèo đói”, Hoàng Nhuận Cầm đã bàn đến những lễ lạt đông người, những công trình quảng trường, cổng chào lãng phí nhiều tỷ, những lễ hội thừa mứa hoa tươi cùng thức ăn đồ tặng để phê phán thói lãng phí đang diễn ra hàng ngày ở các điạ phương... Bây giờ vắng anh, ai có thể thay anh mổ xẻ những căn bệnh trầm kha của xã hội để cảnh báo cho cộng đồng...

Cùng với những thành công trong thi ca, thành công trong phim kịch thì những thành công trong vai trò một nhà văn - nhà báo khi bàn về muôn màu của cuộc sống với những vấn nạn của xã hội từ một văn phong  tinh tế và không kém phần hài hước dí dỏm... tất cả làm chúng ta thêm nhớ Hoàng Nhuận Cầm hơn: Anh luôn đau đáu việc dân việc nước.
                                

 
Công Đán
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây