Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Hội Nhà văn Việt Nam có Chủ tịch, Phó Chủ tịch mới

Diễn ra từ ngày 23/11 nhưng đến ngày 25, báo chí mới được tác nghiệp chính thức tại phiên cuối cùng của Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch Hội, nhà văn Nguyễn Bình Phương được bầu làm Phó Chủ tịch Hội; nhà thơ Trần Đăng Khoa tiếp tục giữ cương vị Phó Chủ tịch. Ban chấp hành mới gồm 11 thành viên.
111
Ban Chấp hành mới của Hội Nhà văn ra mắt.

Tối ngày 24/11, phần mong đợi nhất của những người không đi dự đại hội - kết quả bầu Ban chấp hành mới đã có. Đứng đầu danh sách, nhà văn Nguyễn Bình Phương chiếm 88% số phiếu, tiếp sau đó là nhà văn Nguyễn Quang Thiều – 85%, nhà thơ Trần Đăng Khoa - 79%; nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ – 73%; nhà thơ Lương Ngọc An –71%...

19g cùng ngày, Ban chấp hành bầu ra Chủ tịch Hội Nhà văn nhiệm kì mới – nhà văn Nguyễn Quang Thiều, cùng đó là hai Phó Chủ tịch Nguyễn Bình Phương và Trần Đăng Khoa. Đây là kết quả không gây quá nhiều bất ngờ, nhưng so với kì vọng về một Ban chấp hành mới gồm những người viết trẻ thì có lẽ hơi khác với những ý kiến bày tỏ xung quanh đại hội. Việc bầu cử được cho là khá tập trung khi Đoàn Chủ tịch đã cố gắng chốt số lượng dự bầu để phiếu không quá loãng.

111
Bàn giao hai thế hệ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Một chặng đường 5 năm
Báo cáo tại Đại hội, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Trong 5 năm qua về tư duy văn học, đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác tiếp tục được đổi mới, đem đến một diện mạo văn học đa dạng phong phú, chấp nhận và khuyến khích nhiều cá tính sáng tạo, nhiều tìm tòi thể nghiệm cái mới. Đời sống văn học đã trở nên năng động hơn, thích ứng với yêu cầu của tình hình mới. Vấn đề đạo đức xã hội đã được nhiều tác phẩm lên tiếng cảnh báo từ lâu, nay tiếp tục đi sâu vào nhiều ngõ ngách, cảnh báo về những vực thẳm dưới tác động tinh vi và dữ dằn từ tác động của kinh tế thị trường. Tự do sáng tác được tôn trọng, xu hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp trong mọi hoạt động đang thu hút nghị lực và tâm huyết của đông đảo nhà văn hiện nay. Đây chính là nơi thể hiện rõ nhất bản lĩnh, nhân cách và trách nhiệm của nhà văn với đất nước.

Ông cũng thẳng thắn nhận định rằng, mặc dầu đã có rất nhiều đổi mới về tư duy văn học, về đề tài, chủ đề và phương pháp sáng tác, nhưng cho đến nay nền văn học của chúng ta vẫn chưa xây dựng được những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, có sức khái quát về hai cuộc chiến tranh vĩ đại và công cuộc đới mới còn ít tác phẩm đủ sức gây thành các hiện tượng văn học. Tình trạng trung bình, tản mạn còn khá phố biến, tính chuyên nghiệp chưa cao. Bên cạnh đó việc tiếp thu các trào lưu nghệ thuật của nước ngoài được mở rộng nhưng chưa có sự chọn lọc, nghiền ngẫm sâu sắc. Trong lí luận phê bình văn học còn biểu hiện máy móc khi vận dụng các quan điểm nghệ thuật của nước ngoài vào thực tiễn đời sống văn học trong nước. Trong hoạt động nghiệp vụ, một số cơ quan báo chí xuất bản của Hội công tác biên tập chưa theo kịp yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả sản phẩm. Công tác xã hội hóa trong hoạt động của Hội còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu còn dựa vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước…

111
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Một dịp hội ngộ
Diễn ra 5 năm một lần, đại hội của Hội Nhà văn Việt Nam không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu mà còn là nơi bày tỏ những ý kiến đóng góp xác đáng giúp cho hoạt động Hội hiệu quả, lan tỏa hơn nữa.

Nhà thơ Anh Ngọc đề xuất bỏ thủ tục tác giả tự làm hồ sơ ứng cử với các giải thưởng lớn như Giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh. Theo ông, Hội cần có một hội đồng chọn lọc tác giả, tác phẩm, hoàn thiện hồ sơ cho họ. Khi cần thông tin, tác giả có thể tư vấn thêm. Đến trước những lần xét giải, Hội sẽ lấy ý kiến của tác giả và gửi hồ sơ đến hội đồng. Bởi ông cho rằng các nhà văn có cái 'tôi' lớn, họ rất ít khi tự mình đề cử, từ đó dẫn đến việc nhiều người xứng đáng bỏ lỡ giải thưởng.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ mong muốn ban lãnh đạo mới sát sao tới đời sống, tác phẩm của các nhà văn, thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, để tránh những trường hợp như việc bán 189 tác phẩm cho một trang sách điện tử với giá 50 triệu đồng một năm như hồi 2016.

Phát biểu tại Đại hội, ông Võ Văn Thưởng - Uỷ viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói, văn học nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. "Mỗi trang viết của nhà văn Việt Nam không chỉ mang hơi thở, nhịp đập của dân tộc mình mà còn ấm áp hơi thở con người", ông nói. Kẻ thù trong những năm chiến tranh có thể nhìn nhận rõ, nhưng kẻ thù của ngày hôm nay thì ẩn mặt, các nhà văn là những người cần làm rõ những kẻ thù khiến đất nước tụt hậu, những nguy cơ đe doạ sự phát triển và tồn vong của dân tộc. 

Hội Nhà văn Việt Nam thành lập năm 1957, trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tập trung hoạt động trong bốn lĩnh vực: văn xuôi, thơ, phê bình, và dịch thuật. Chủ tịch Hội đầu tiên là nhà văn Nguyễn Công Hoan (1957 - 1963). Nhà thơ Hữu Thỉnh đảm nhận chức vụ này bốn khóa, từ năm 2000 đến nay. Tại Đại hội lần thứ X, nhà thơ Hữu Thỉnh xin rút khỏi danh sách bầu cử Ban chấp hành nhiệm kì mới, vì tuổi đã cao, mặc dù ông vẫn được đề cử với số phiếu cao nhất.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói rằng, đây là trách nhiệm vinh quang nhưng cũng nặng nề của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá mới. "Việc đặt cược niềm tin vào một thế hệ mới của nhà văn Việt Nam của Đảng, Chính phủ. Và sự đặt cược này" nhất định sẽ thành công", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. 

BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM KHÓA X (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
+ Chủ tịch: Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU.
+ 2 Phó Chủ tịch: Nhà thơ Trần Đăng Khoa; nhà văn Nguyễn Bình Phương.
+ Ban Thường vụ gồm: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều; nhà thơ Trần Đăng Khoa; nhà văn Nguyễn Bình Phương; nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.
+ Trưởng Ban Kiểm tra: Nhà văn Khuất Quang Thụy.
+ 6 ủy viên BCH gồm:
1.Nhà thơ Lương Ngọc An.
2.Nhà văn Vũ Hồng.
3.Nhà thơ Trần Hữu Việt.
4.Nhà thơ Trần Hùng.
5.Nhà thơ Phan Hoàng.
6.Nhà văn Bích Ngân.

Một số hình ảnh xung quanh Đại hội lần thứ X Hội Nhà văn Việt Nam:

111
Nhà thơ Hữu Thỉnh tặng hoa cho tân Chủ tịch Hội.
111
100% hội viên thống nhất thông qua biên bản Đại hội.
111
Đại hội là dịp gặp gỡ, giao lưu của các nhà văn từ mọi miền Tổ quốc.
111
Tranh thủ lưu số điện thoại và trao đổi những khoảnh khắc đẹp.


Theo VNQĐ


 

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây