Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Hơn bảy mươi năm đường văn Tô Hoài*

Lực lưỡng và liên tục trong sự nghiệp viết, cho đến tuổi 90, rồi ngoài 90… Vậy là trên đường văn hơn bảy mươi năm, bắt đầu từ Con dế mèn – năm 1940, Tô Hoài đã cuốn theo cùng mình dăm sáu thế hệ bạn đọc. Khác với một số người chỉ có thể lôi cuốn một hoặc vài thế hệ.

Theo tôi hiểu, thuộc số người viết nhiều, viết dồi dào trước 1945 có Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Trương... Họ hình như cũng chỉ có một thế hệ người đọc, dẫu là một thế hệ đọc rất mê. Lối viết sung mãn, dồi dào ấy dường như bây giờ trong lớp trẻ cũng đã có. Nhưng xem ra họ có khác Tô Hoài.111

Tôi tự nhận là thuộc thế hệ người đọc bị Tô Hoài làm cho mê mẩn ở tuổi nhi đồng bởi Dế Mèn phiêu lưu kýDế Mèn... đọc đi rồi đọc lại. Mê không kém trinh thám, kiếm hiệp. Nhưng kiếm hiệp, trinh thám là thứ phải thay đổi luôn, rồi quên đi, chứ không phải là thứ để đọc lại. Để trong trí mà làm gì! Còn Dế Mèn thì cứ nguyên vẹn ở đó nơi bộ nhớ, cho đến suốt đời.

Ở tuổi trưởng thành, do nghề nghiệp, tôi buộc phải đọc nghiêm túc về ông, cùng nhiều người khác. Đọc để phân tích, đánh giá theo một khuôn mẫu nào đó mà mình tin là đúng và có ích. Từ Mường GiơnVợ chồng A Phủ trở đi - kể có đến mấy chục cuốn về nhiều chủ đề gắn với sự đổi đời trong cách mạng của các dân tộc vùng cao; của vùng Bưởi - ngoại ô, quê ông; là “người ven thành”, hoặc “những ngõ phố, người đường phố”; của “quê người” rồi “quê nhà”; của một lớp chiến sĩ cách mạng tập trung ở vùng cao như Kim Đồng, Vừ A Dính, Hoàng Văn Thụ; của một quá khứ từ gần đến xa, và rất xa, như Mười năm, rồi Đảo hoang, Nhà Chử... Ấn tượng về sức viết của Tô Hoài thật mênh mông, đồ sộ. Thấy ông liên tục giữ nhiều chức sắc của các hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ Hà Nội; đi lại nhiều nơi; có rất nhiều chuyến công cán nước ngoài; lại còn tham gia công tác khu phố... không hiểu ông lấy đâu ra thời gian để viết? Không hiểu ông có như Balzac mong có hai tay, hai cái đầu, hai lọ mực để cùng lúc mà viết, mà đạt chỉ tiêu hai ngàn trang mỗi năm. Số trang của Tô Hoài hẳn khó đạt đến mức ấy. Nhưng ông thọ hơn Balzac (Balzac chỉ thọ đến tuổi năm mươi mốt), và với con số còn vượt trên một trăm sáu mươi đầu sách, Tô Hoài đâu dễ quá thua xa tác giả của trên chín mươi cuốn thuộc bộ Tấn trò đời. Chỉ nghĩ riêng về mặt số lượng, khi so với các danh nhân thế giới - những người sinh sống trong nền sản xuất lớn tư bản chủ nghĩa, quả có lúc ta hơi tự ti do cách hiểu ta là người viết trong một nền sản xuất nhỏ! Nhưng đến cuối thế kỷ XX, qua Tô Hoài và một vài cây bút khác, có người còn rất trẻ thì mới thấy, khi việc viết đã thành nghề, một cách tự nguyện hoặc bắt buộc, khi con người đã lão luyện trong nghề, hoặc dám đam mê chết sống với nghề, thì nhà văn ở nơi đâu cũng vậy.

Cái điều tôi cho là mừng ở Tô Hoài là càng về cuối đời ông viết càng lên tay. Hình như ở cái quãng giữa rất đồ sộ của ông, những năm 1960, 1970 rồi đầu 1980, cũng như nhiều người, sự tìm kiếm của ông là nhằm vào một mục tiêu chung, một tiếng nói chung mà xem ra ông cũng không muốn nhô lên làm người lĩnh xướng, hoặc trong đội ngũ những người lĩnh xướng. Ông chỉ muốn làm một nhân chứng trung thực, một người ghi chép cần mẫn, một “thư ký của thời đại”, như cách nói quen thuộc một thời ở ta. Nội việc đó, chỉ bản thân việc đó đã là giá trị. Giá trị đó ai muốn hiểu thế nào thì tùy. Còn tôi thì tôi nhớ có lần ông đã viết về cái điều đã có lần ông nói với tôi, đại ý: nhiệm vụ của thế hệ chúng ta là hãy phấn đấu ghi chép cho thật cần mẫn, cho thật nhiều, cho thật đủ những gì mình biết, mình trải. Còn việc vươn lên các đỉnh cao, hướng tới những kiệt tác, thì cũng cần xem xem, vì văn chương Quốc ngữ của ta tuổi đời còn rất ngắn so với nhiều nền văn xuôi trên thế giới.

Sự bền bỉ không chút nản mỏi, khả năng giữ cho mình có được cái mới và vượt lên mình của chính bản thân Tô Hoài thật đáng nể trọng. Ngoài 60, rồi ngoài 70, rồi 80 vẫn thế! Vẫn chẳng có gì là sút đi trong sức viết. Phần tôi, đọc Tô Hoài, tôi luôn luôn thấy có cái để chờ đợi. Sau một danh mục không ít truyện và tiểu thuyết gồm những Truyện Tây BắcMười nămMiền TâyTuổi trẻ Hoàng Văn Thụ cho đến Họ Giàng ở Phìn Sa... với một cảm giác quen quen, tôi lại được đọc Tự truyện, đọc Những gương mặt, rồi đọc Cát bụi chân ai, rồi Chiều chiều với trọn vẹn sự hứng thú. Đó là các cuốn sách thuộc trong số không nhiều cuốn của một vài tác giả hiện đại mà tôi luôn luôn có nhu cầu đọc đi đọc lại. Đọc lại để mà hưởng cái thú chiêm nghiệm một ý tưởng, một triết lý sống hoặc để nghe một giọng điệu riêng, một cách nói riêng. Ở đây là Tô Hoài, một Tô Hoài không lẫn với ai. Một Tô Hoài hết mình. Hóm hỉnh và thông minh. Nhẹ nhõm mà có sức nặng. Cứ như đùa mà thật nghiêm chỉnh. Nhũn nhặn, khiêm nhường mà thật dũng cảm, chẳng biết sợ là gì. Chẳng phải chỉ tuổi tác mới cho ông sự dũng cảm ấy. Biết bao người có tuổi mà vẫn rất quen sợ, quen nhìn trước ngó sau. Còn Tô Hoài, ông mở rộng tầm mắt cho tất cả sự thật ùa vào, kể cả những sự thật tưởng chỉ có thể “đào sâu chôn chặt”. Cố nhiên không là sự thật vô vị, sự thật “tự nhiên chủ nghĩa”. Sự thật đó Tô Hoài cần trang trải như một món nợ đời, nợ lòng; ông không đành và chúng ta càng không muốn “sống để dạ chết mang theo”. Sự thật đó cần cho chúng ta, càng cần cho hậu thế!

Tôi yêu mến và kính trọng nhiều nhà văn hiện đại, nhưng ở một số người, niềm yêu mến và sự kính trọng đó có lúc đứt nối, có lúc nhuốm chút phân vân. Nhưng riêng Tô Hoài, ông thuộc số ít người mà sự yêu mến và kính trọng nhìn chung là liền mạch suốt hai phần ba thế kỷ qua, kể từ khi tôi còn là đứa trẻ chưa đến tuổi lên mười…

_____

* 27/9/1920–2014.

Tác giả: Phong Lê
Nguồn Văn nghệ số 39/2020

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây