Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Người ở lại Rào Trăng

Những đợt mưa dai dẳng, những trận lũ kinh hoàng, dồn dập, tang thương nối tiếp tang thương. Cha mẹ bị lũ cuốn bỏ rơi con cái bơ vơ, chồng mất vợ, vợ mất chồng, đầu bạc tiễn đầu xanh trong cơn lũ. Những dải khăn sô phủ trắng rẻo đất mưa gió lầm than. Hàng triệu đồng bào trên khắp đất nước lòng quặn thắt trước đại nạn thiên tai miền Trung. Bao nhiêu lời nguyện cầu, bao chia sẻ, bao nhiêu tình thương hướng về vùng đất ấy. Bao nhiêu mồ hôi, công sức của người dân miền Trung đã trôi ra sông ra bể và bao nhiêu mái nhà ấm êm phút chốc chia lìa, li biệt. Nước mắt miền Trung thấm đắng đất trời…
111
Lực lượng cứu nạn tại khu vực Trạm Quản lí bảo vệ rừng tiểu khu 67 - Ảnh: Báo QĐND

Ám ảnh nhất trong tôi đến lúc này là những mất mát, hi sinh to lớn ở Rào Trăng. Hàng giờ trong những ngày mưa gió, tôi ngóng chờ tin tức phía ấy. Nhân dân cả nước cầu mong một phép màu đến với những công nhân thủy điện sau sự cố sạt lở, đè lấp và những cán bộ, chiến sĩ mất tích khi làm nhiệm vụ cứu nạn. Nhưng không, chỉ có những giọt nước mắt tuôn trào khi lần lượt những thi thể được tìm thấy. Sáng ngày 18 tháng 10, hàng ngàn người dân, cán bộ, chiến sĩ đã dự lễ viếng, truy điệu, tiễn đưa linh cữu mười ba cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại Thủy điện Rào Trăng 3. Tôi đến nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268 (phường Thuận Lộc, thành phố Huế) đã thấy đoàn người đông đúc, dài hàng cây số xếp hàng đi trong yên lặng. Hàng trăm chiếc khăn tang phủ kín từ sân vào tận bên trong nhà tang lễ. Những chiến sĩ nghiêm trang đứng quanh mười ba linh cữu phủ cờ Tổ quốc. Nhiều người mắt đỏ hoe, xót xa trước hình ảnh đau thương, mất mát lớn lao. Lần lượt từng nén nhang được đốt, thắp lên bàn thờ các liệt sĩ.

Cạnh đó, không khí u buồn nhuốm kín khu vực Trấn Bình Đài và bệnh viện. Tôi nhớ mấy câu thơ anh Hoài Đức viết trước đó: Mẹ sợ mất con nơi rừng núi mưa mù/ Chẳng gặp lại, biết thu nào gặp lại? và sự thật đau lòng đó đã diễn ra hôm nay, giữa những ngày mưa lũ mịt mùng, bi ai...

*

*      *

Ngày 12 tháng 10, trời Huế mưa như trút, nước mỗi lúc mỗi dâng cao, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân nhiều địa phương. Giữa lúc các đoàn công tác tham gia cứu hộ đồng bào trong các vùng ngập lũ bỗng nhận được cuộc gọi kêu cứu từ Thủy điện Rào Trăng 3 thuộc địa phận xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Người công nhân đang làm việc tại Thủy điện Rào Trăng 3 leo lên đỉnh núi cao để bắt sóng điện thoại và gọi điện cầu cứu đến lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế. Các công nhân đang gặp nạn, mắc kẹt tại nhà điều hành công trình vì xảy ra sạt lở đất, tình hình đang rất nguy cấp. Cuộc gọi giữa chừng bị gián đoạn nghi do mất sóng hoặc điện thoại hết pin. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, việc mất liên lạc rất khó để xác định sự việc xảy ra như thế nào, tình hình ra sao và chỉ có giải pháp là phải vào hiện trường để xác minh.

Ngay trong chiều hôm đó, một đoàn công tác hai mươi mốt người được tổ chức đi kiểm tra, khảo sát để xác minh thông tin và có phương án cứu hộ cứu nạn kịp thời. Đoàn do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 dẫn đầu, chỉ huy trực tiếp cùng lãnh đạo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, UBND tỉnh, UBND huyện Phong Điền và các sĩ quan, cán bộ. Thủy điện Rào Trăng 3 nằm cách trung tâm xã Phong Xuân hơn hai mươi cây số, địa hình độ dốc cao. Đường 71 dẫn từ tỉnh lộ 11B vào Rào Trăng 3 có nhiều dốc khúc khuỷu. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man yêu cầu đoàn công tác cho xem sơ đồ địa hình trước khi ba xe ô tô lăn bánh để đảm bảo an toàn. Đoàn cũng đã khảo sát và nắm bắt có trạm kiểm lâm, lán trại của người dân để có thể nghỉ qua đêm. Tất cả sự chuẩn bị đã sẵn sàng, đoàn quyết định xuất phát vì tình hình rất gấp. Vừa qua dốc Ba Trục trên đường 71 khoảng ba ki lô mét, đoàn dừng xe để kiểm tra điểm bị sạt lở đầu tiên. Mọi người đi bộ, quan sát và quyết định tiếp tục lên đường. Khoảng bốn giờ chiều, khi đến đập tràn Khe Cát, đoàn công tác dừng lại vì phía trước dòng nước lũ từ thượng nguồn đổ về chảy xiết, nước ngập sâu ô tô không qua được. Thiếu tướng Man quyết định đi bộ, băng qua các tuyến nước sâu, có nhiều điểm sạt lở.

Mưa rơi nặng hạt, rát mặt rát mày vẫn không ngăn được quyết tâm cứu nạn của các cán bộ, chiến sĩ đoàn công tác. Trên đường đi, có tám - chín điểm sạt lở, bùn đất nhão nhoét, lầy lội nhưng họ vẫn quyết tâm vượt qua, mặc cho quần áo, giày dép lấm lem khắp người. Nhiều đoạn đoàn phải đi chân trần vì bùn đất dính dày.

Trời tối dần, mưa không ngớt. Thiếu tướng Man thi thoảng động viên anh em hành quân. Cố lên! Gần tới nơi rồi! Cố lên! Khi đến đoạn bên trái là núi cao, bên phải vực sâu. Cả đoàn lưỡng lự không biết nên đi đường nào. Mưa dồn dập đổ xuống không ngớt làm không gian thêm mịt mù, không xác định rõ phương hướng. Có ý kiến đề nghị để năm - bảy người ở lại đề phòng sự cố và đoàn công tác tiếp tục tiến lên phía trước. Các chỉ huy thảo luận và cùng thống nhất “lên đường”. Trong ánh sáng yếu ớt của những chiếc đèn pin, các cán bộ, chiến sĩ dò dẫm nối chân nhau bước đi, băng qua từng chỗ sình lầy, cây cối ngả nghiêng chắn đường. Trời mưa mỗi lúc một to hơn. Đường tối lại trơn, đá cứa vào chân người buốt nhói.

Đoàn công tác đi bộ suốt mấy tiếng đồng hồ cho đến khoảng tám rưỡi tối thì dừng nghỉ vì trời tối, mưa to và cũng để lấy sức cho hành trình tiếp theo. Họ quyết định dừng lại ở Trạm Bảo vệ quản lí rừng Tiểu khu 67, một điểm an toàn mà lâu nay cán bộ kiểm lâm đã ở, làm việc. Nhiều cán bộ có kinh nghiệm thấy địa hình ở đây chắc chắn, chưa từng xảy ra sạt lở bao giờ. Trạm nằm ở khu vực không quá dốc, xung quanh trạm có cây rừng tự nhiên. Trong mưa gió, căn nhà cấp bốn gồm ba gian, và một gian lồi, mái lợp tôn xanh đã khóa cửa. Đêm tối, nhiều anh em đã thấm mệt, cần chỗ nghỉ ngơi, cả đoàn quyết định phá khóa. Lúc này, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Cục phó Cứu hộ Cứu nạn giao nhiệm vụ cho hai người đi kiểm tra xung quanh để nắm tình hình. Kết quả trinh sát cho thấy ngôi nhà còn cách đồi núi một đoạn ngắn, ngọn núi thấp, tương đối an toàn.

Đoàn công tác tìm được bên trong trạm được một ít gạo và nước mắm. Họ phân công nhau đi kiếm củi và nhóm thành đống lớn. Vậy là sẽ có cơm chan nước mắm ăn, có lửa để sưởi ấm, hong hơ áo quần.

Để có kế hoạch hành động trong ngày mai, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man lệnh cho năm người trong đoàn tiếp tục đi về hướng Rào Trăng 3 xem xét tình hình, trước khi đi ông có căn dặn rằng: “Trong một tiếng phải trở về Trạm 67.” Sau một tiếng, các cán bộ, chiến sĩ vẫn chưa quay lại. Tất cả thành viên trong đoàn lo lắng, đứng ngồi không yên, sợ xảy ra sự cố gì đáng tiếc. Họ chờ thêm bốn lăm phút chợt nhìn thấy lấp loáng ánh đèn pin trong đêm tối, gió lạnh, mưa quật. Tất cả mừng rỡ như trút được một gánh nặng. Đêm trong Trạm kiểm lâm 67, Thiếu tướng Man cùng cả đoàn vừa bàn bạc công chuyện vừa tranh thủ hong khô quần áo sau nhiều giờ đi bộ dưới mưa. Nhiều anh em ướt sũng cả người phải tìm áo khô của anh em kiểm lâm mặc vào cho đỡ lạnh. Mọi người vừa ngồi sưởi vừa trao đổi các phương án, kế hoạch cho ngày mai khi vào được Rào Trăng 3. Thiếu tướng Man ngồi trầm tư bên đống lửa và bảo với mọi người trong đoàn công tác “việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân chúng ta phải làm!”. Nồi cơm vừa chín tới, hai mươi mốt người chia nhau mỗi người một bát cơm trắng rưới nước mắm ăn cho ấm bụng rồi trải chiếu ngả lưng. Cả đoàn chia ra mười ba người nằm ở ba gian nhà giữa, tám người còn lại ngủ ở gian lồi, ngoài cùng bên phải gồm hai giường của Trạm. Trước lúc ngủ, họ gọi điện về báo còn cách Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng mười ba ki lô mét và cách Rào Trăng 4 khoảng ba đến bốn ki lô mét.

Khoảng hơn mười hai giờ đêm, khi các cán bộ, chiến sĩ đã thiu thiu ngủ bỗng một tiếng động ầm ầm rất to, cùng lúc đó tiếng rào rào như đất đá ụp xuống. Tám người trong gian lồi vùng dậy khỏi giường không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Trong phòng, có tiếng kêu cứu của Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông bị hai tấm tường đè vào chân, không cử động được. Bùn lầy, đất đá, vôi vữa trộn thành một khối bầy nhầy. Lúc đó, một sĩ quan Cục Cứu hộ, Cứu nạn hô to: “Các anh em tìm góc chữ A để chạy vào!” Sau khi định hình và bình tĩnh trở lại, bảy người còn lại giúp Thượng tá Cường xử lí vết thương ở chân. Một người quờ tay xuống gầm giường tìm đèn pin soi sang khu bên cạnh thấy một cảnh tượng kinh hoàng. Chỉ trong tích tắc, bùn, đất, đá đã nhấn chìm các gian nhà bên cạnh. Cả Trạm kiểm lâm 67 chỉ còn mỗi gian lồi, họ liền phá cửa ra trợ giúp. Thấy gian nhà chính đã bị đè lấp, anh em chạy ra liên tục kêu lớn để trợ giúp, cứu những người bị mắc kẹt. Tiếng kêu vang lên trong đêm tối át cả tiếng mưa gầm gào. Tiếng kêu róng riết, vô vọng chìm trong đêm đen. Nhưng đáp lại là sự im lặng não nề.

Những người sống sót trong đoàn nhận định tình hình, nếu ở lại hiện trường thì vô cùng nguy hiểm nên đã quyết định quay ra. Các thành viên trong đoàn bàn bạc nhau chia làm hai tốp dựa theo bảng chỉ dẫn của Trạm kiểm lâm còn sót lại sau vụ sạt lở để di chuyển hướng về phía thành phố. Sự tàn phá khủng khiếp đã khiến cả một quả đồi khi đi lên còn cây cối, đến khi đi xuống chỉ thấy toàn bùn, đất, lội quá đầu gối. Những người còn sống sót phải trườn, bò để xuống. Khi tất cả đã xuống đến đường an toàn, họ bàn luận có nên quay trở lại trên đó hay không, nếu lên thì sẽ làm gì tiếp theo? Khi đang lưỡng lự, tất cả lại nghe tiếng ầm ầm kinh thiên động địa của đợt sụt lở đất thứ hai. Tình hình diễn biến quá nguy hiểm nên mọi người quyết định rút trở lại nơi xuất phát để báo tin và tìm cách cứu hộ. Đường về xa xôi vất vả không kém đường lên. Di chuyển được một đoạn, đoàn gặp Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Phong Điền cùng một nhóm cán bộ đang đi lên, rồi hỗ trợ tám người gặp nạn đi về. Đến khoảng hai giờ sáng ngày 13 tháng 10, điện thoại có sóng, họ mới gửi được tin báo cáo về cho lãnh đạo tỉnh biết là đoàn đã bị gặp nạn. Gửi tin xong, điện thoại lại mất sóng. Đến năm giờ sáng, đoàn mới trở ra được trụ sở UBND xã Phong Xuân. Lúc này, tại trụ sở của xã, lãnh đạo Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập Sở Chỉ huy tiền phương cứu nạn cứu hộ Thủy điện Rào Trăng 3. Các thành viên của đoàn mới báo cáo tình hình cụ thể để triển khai công tác cứu hộ.

*

*       *

Trải qua ba ngày triển khai, chính quyền và quân đội huy động gần một nghìn người tham gia tìm kiếm cứu nạn người mất tích với hơn hai trăm xe cơ giới các loại ở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3. Cụ thể, Bộ Quốc phòng đã điều động sáu trăm sáu sáu cán bộ, chiến sĩ và một trăm mười chín trang bị, phương tiện các loại cùng ba chó nghiệp vụ. Tham gia tìm kiếm cứu nạn ở Rào Trăng 3, Bộ Công thương điều động năm người và hai máy phát điện công suất lớn, lực lượng tại địa phương là ba trăm mười hai người và sáu tám phương tiện các loại.

Tính đến ngày 14 tháng 10, Bộ Quốc phòng và tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động các lực lượng tinh nhuệ chia làm ba mũi tiến vào khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 và Trạm kiểm lâm 67 để tìm kiếm mười ba cán bộ chiến sĩ và các công nhân của nhà máy thủy điện đang bị nạn. Ở mũi tiếp cận trên không, sáng ngày 14 tháng 10, hai trực thăng của Sư đoàn 372 Quân chủng Phòng không - Không quân đã bay từ Đà Nẵng tới Huế để làm nhiệm vụ thị sát tại khu vực hiện trường sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3. Ngày 15 tháng 10, lực lượng tìm kiếm được huy động tối đa và đã tìm thấy toàn bộ mười ba thi thể của cán bộ, chiến sĩ tham gia đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ cứu nạn bị mất tích vào ngày 12 tháng 10…

*

*       *

Trong lễ truy điệu, Trung tướng Đỗ Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 - Trưởng ban tang lễ, đọc điếu văn về những đồng đội hi sinh ở Trạm kiểm lâm 67 - những cán bộ, chiến sĩ đến phút cuối cùng vẫn sống vì dân: “Phẩm chất đạo đức và sự dũng cảm của các đồng chí luôn sống mãi trong tim của đồng đội và nhân dân. Xin kính cẩn nghiêng mình trước sự hi sinh cao cả của các chiến sĩ giữ bình yên cho nhân dân.” Những tiếng thút thít, rồi khóc òa trong hội trường nhà tang lễ. Khúc nhạc truy điệu Hồn tử sĩ vang lên, tất cả lặng yên trong nước mắt, quặn thắt con tim.

Tôi chưa bao giờ thấy một tang lễ nhiều quan tài như thế, những chiếc quan tài phủ cờ Tổ quốc rực đỏ, những bát nhang ngút hương khói và hàng trăm dải khăn tang buồn lặng lẽ. Nhiều giọt nước mắt khóc đưa các anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Là tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất con, của người vợ mất chồng, của người cha già đầu bạc vẫn không tin đó là sự thật. Tiếng gọi “Ba ơi, ba ơi...” xen trong tiếng nấc của em thơ phút tiễn đưa người cha thân yêu đã mãi mãi đi xa. Những người mẹ, người vợ khóc quằn quại bên quan tài người thân và ước đây chỉ là giấc mơ, giấc mơ thôi. Bà con nhân dân đến viếng chắp tay nguyện cầu, hàng trăm giọt nước mắt lăn chảy trong giờ phút chia li.

Và những người lính lặng lẽ khóc, lặng lẽ gạt nước mắt tiễn đưa đồng đội mình trong một ngày Huế thật buồn. Những chị quân nhân đứng bên cạnh các mẹ, các chị là vợ, là mẹ các liệt sĩ vỗ về an ủi. Họ khóc theo tiếng khóc như mưa của những thân nhân. Có chị ôm lấy mẹ bên bờ vai, có chị bế các cháu đang không ngừng gọi tên cha. Cảnh tượng cảm động ấy đập vào tâm trí tôi. Lần lượt từng chiếc quan tài được đưa ra xe. Những tướng lĩnh, đồng đội ghé tay nâng đưa tiễn một đoạn đường, hàng chục chiếc khăn tang của người nhà đi sau quằn quại, khóc thét. Tiếng quân nhạc đều đều vang lên bi tráng. Mỗi cỗ quan tài đưa lên xe chạy về gia đình hoặc đơn vị để tiến hành lễ tang. Tôi tìm góc khuất lặng lẽ châm điếu thuốc, cố dìm đi cảm giác đau thương, căng thẳng. Khi tiễn đồng đội mình, Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tay đỡ quan tài, nước mắt chảy dài.

Trong không khí chia li ấy, nhớ câu nói cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man trong hình ảnh video cuối cùng vừa mới được công bố: “Việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân chúng ta phải làm!” Trân quý thay tấm lòng của những cán bộ chiến sĩ, anh dũng hi sinh trong cơn thiên tai đại nạn này. Tấm lòng và nghĩa cử của các anh nhân dân sẽ không bao giờ quên. Những chiếc xe lăn bánh ra khỏi Bệnh viện 268, ra cửa chánh Bắc mang theo những tiếng khóc tiễn đưa. Nhiều người dân lau nước mắt khi đoàn xe chạy qua. Hai hàng quân nhân nghiêm trang đứng chào vĩnh biệt những người đồng đội của mình về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tiếp xúc với báo giới, ông Phan Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, người sống sót trong sự cố Trạm kiểm lâm 67, nghẹn ngào: “Đây là sự việc đáng tiếc, rất đau buồn nhưng nó thể hiện tinh thần của người lính giúp dân như câu nói của thiếu tướng Nguyễn Văn Man.”

Mưa lũ còn tiếp diễn đợt hai, đợt ba. Mưa từ sáng đến chiều, mưa xuyên qua đêm, mưa não nề, lê thê, mưa vô tình, mưa cuồng điên, mưa phá phách. Nước ngập đường, ngập nhà, ngập xóm, phố phường, công sở, trường học, đền đài, lăng tẩm, chùa chiền.... Tất cả chìm trong biển nước. Anh Nguyễn Quang Hàn viết những dòng cầu mong “xin mưa đừng rơi”: Quê nghèo ôi thương quá/ Vất vả từ trong nôi/ Mưa trắng cả núi đồi/ Dân mình sao khổ thế.

Mưa lũ đã gây bao đau thương cho người dân. Và những cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn. Người dân miền Trung sẽ khắc ghi hình ảnh những người lính dũng cảm quên mình vì nghĩa lớn…
 

Tác giả: Lê Vũ Trường Giang
Nguồn: Tạp chí VNQĐ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây