Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Thời nào cũng tiếng lòng thời ấy

Đêm Mồng 8 tháng 3, mấy cuộc điện thoại báo tin nhạc sĩ Văn Dung mới mất. Biết NS tuổi đã cao (86) lại lết bết bệnh tật nhiều năm nay nhưng vẫn nhiều những hụt hẫng...

NS Văn Dung quần bò sơ mi trắng. Ngũ tuần mà ngó như mới ba, bốn mươi. Lại giầy nâu xi bóng lộn. Lần đầu gặp Văn Dung chung phòng với NS Trần Chung đợt Công trường thủy điện Sông Đà tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thực tế. Thoáng ngạc nhiên bắt gặp cung cách ân cần một ông anh hai ông anh khi Văn Dung xưng hô với Trần Chung. Thì ra họ vốn thân thiết nhau từ lẩu lâu. Chai rượu trắng sáu lăm Văn Dung thủ trong túi mang đi từ Hà Nội thi thoảng lại chắt ra cái chén hoa hồng dáng điệu thân ái lẫn cung kính để ông anh có hứng

Hứng ấy sau chuyến đi, NS Trần Chung có ca khúc Tiếng gọi Sông Đà nổi tiếng!

Cái bộ ba ấy kết nhau như sam. Phạm Mạnh, TBT Báo Bạn Đường, Vũ Phạm Chánh, đích tôn cụ thám hoa Vũ Phạm Hàm, làm ở Bộ GTVT và NS Văn Dung. Thi thoảng tôi cũng được ké vô số những cuộc tụ thân ái.

Bộ ba ấy có Văn Dung ôm hoa trong đêm mưa ở ga Hàng Cỏ để đón NS Phạm Duy lần đầu trở lại cố hương. Những lần sau nhờ có NS Văn Dung mà có vài cuộc ngồi lâu với NS Phạm Duy. Không hiểu sao cụ NS gộc này rất quý Văn Dung?

Hình như NS Văn Dung luôn tròn bổn phận làm cái cú hích thân ái trong những cuộc gặp? Đận nhà văn Nguyễn Quang Sáng và Đoàn Minh Tuấn trong Nam ra, bữa nhậu gỏi nhệch đột xuất theo sáng kiến của Văn Dung khiến nhà văn phương Nam nhướng cặp mày bạc lên. Nhệch là thứ gì mậy? Cái cười của Văn Dung là thứ tư cách cao hơn lươn và nhỉnh hơn rắn khiến Nguyễn Quang Sáng bật kêu khoái trá. Quá đã. Quá đã, mậy!

NS Văn Dung không chỉ khéo trong lễ tân thù tạc. Lần ấy Đài THVN tìm đến tác giả của những ca khúc Giải phóng quân ta ra đi (1965), Tiến về Khe Sanh (1968), Đường Trường Sơn xe anh qua, Bài ca Đường 9 chiến thắng (1971), Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Những bông hoa trong vườn Bác... làm cuộc phỏng vấn.

Trả lời câu hỏi nhà đài: “Xin NS cho biết tại sao lứa tác giả như NS hầu hết không được học hành bài bản trường lớp mà có nhiều những ca khúc vượt thời gian và đi cùng năm tháng?”. Vẫn cái cười cố hữu, NS thủng thẳng đại ý, có học vẫn hơn chứ? Nhưng hình như lứa anh em chúng tôi hầu hết ai cũng có cái trữ năng, nói như thế nào nhỉ cái năng lực cảm. Cảm ở đây đại thể là rung cảm, cảm nhận. Nhiều người, chưa đủ trình viết nhạc giao hưởng nhưng họ, từ vô thức hoặc được hướng dẫn, đều cảm được cái hay cái đẹp của giao hưởng của nhạc cổ điển. Ngày trước các cụ ta chả từng có cụm từ cảm văn, thẩm nhạc đấy là gì? Và tôi muốn nói thêm, thực tế bi hùng của đất nước của dân tộc thời chiến tranh như một cú hích mạnh, quyết định để những rung cảm ấy được phát lộ. Những ngày cắm chốt tại mặt trận nóng bỏng của Khu Tư của Khe sanh Hoàng Vân đã có Quảng Bình quê ta ơi - Bên cầu phao, nhanh tay lưới chắc tay súng - Phạm Tuyên; Cô gái mở đường- Xuân Giao; Vui mở đường - Đỗ Nhuận; Mỗi lần qua sông một lần chiến thắng - Tô Vũ...

Một câu hỏi nữa, NS nghĩ gì về những thiếu vắng chất lửa ấy trong hiện trạng ca khúc bây giờ?

Lại cười, xin các bạn chớ lo. Bây giờ mà kêu gọi hoặc ép NS trẻ viết những ca từ hoặc khúc thức na ná như “Tuổi thanh xuân đến với núi rừng/Dù bom rơi mưa dông nắng lửa/Vượt hiểm nguy em băng băng qua/Mở đường xe anh ra tiền tuyến…” như của tôi hoặc như “hạt giống cách mạng đã nẩy mầm xanh tươi” của NS Hoàng Vân chẳng hạn thì quả là không phải lắm vì nó chuế! Có lẽ một khi NS hết mình với đời sống, với sự hằng sống lẫn chất lượng sống thì khắc bật ra tiếng lòng. Mà thời nào cũng có tiếng lòng của thời ấy!

Nói đến đây NS Văn Dung hào hứng trích đoạn vài ca khúc mới xuất hiện mà NS nói rằng đang được coi chất lượng lẫn thời thượng.

Nghe vậy thì biết vậy! Vì sau cuộc phỏng vấn ấy, chúng tôi đã quên sạch!

Lần ấy đang ngồi bia ở Lê Hồng Phong gần Lăng Bác. Cuối bữa bia, trong những hỗn tạp ồn ào, nhà báo Phạm Mạnh giơ tay ra hiệu cho chúng tôi yên lặng. Có nghe thấy gì không? Vũ Phạm Chánh giương tai ra rồi cười nhại một ca từ có lúc nghe thấy có lúc thì không…

Tôi cũng cố căng tai ra. Hình như có thoảng vọng tiếng nhạc kèn? Và cả giai điệu mong manh một ca khúc của Văn Dung Hành khúc Thanh niên…

Chúng tôi rủ NS Văn Dung tản bộ ra mé gần Lăng. Thì ra một đội nhạc binh đang luyện kèn. Mà hình như là lớp mới đương tập vì âm thanh chưa được chuẩn chỉnh! Điệu nhạc kèn họ đương luyện là bài Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Anh Văn Dung cho biết anh viết ca khúc này mãi từ năm 1970.

111
Chân dung nhạc sỹ Văn Dung

Anh nói thêm, ca khúc mang hơi hướng tráng ca này nhiều NS đã xin phép chuyển thể cho các đội nhạc binh của Quân Đội, Công an sử dụng.

Vững bước đi lên quê hương đang vẫy gọi…

Tôi lẩm nhẩm theo nhịp kèn. Hình như âm thanh của những Ô- boa, Clarinet… như thăng hoa thêm ca từ của Văn Dung thì phải.

Chắc có lẽ trong dàn nhạc binh, không có ai nghĩ trong số đám người tò mò hóng họ tập kèn kia có cái ông già mà ngó khá trẻ trung trong bộ quần bò áo phông kia là tác giả ca khúc nổi tiếng mà họ đương luyện?

111
Nhạc sỹ lúc sinh thời

Tôi vừa nghĩ đến bộ cánh cố hữu trẻ trung quần bò áo phông của NS Văn Dung.

Sau một hồi ngó quanh quất khu vực Lăng, thật bất ngờ, anh kể cho chúng tôi nghe một chuyện.

Mùa xuân năm 1977, NS Văn Dung đương công tác ở Phòng âm nhạc Đài TNVN thì cơ quan có một cuộc viếng Lăng. Thời ấy quần bò, quần loe, tóc dài không được hoan nghênh. Mà Văn Dung lại rất thích. Có mỗi cái quần bò cứ đánh suốt. Trước khi viếng, bộ phận lễ tân của BTC đã phát hiện ra y phục không bình thường của Văn Dung. NS nhanh chóng được mời về nhà để thay.

Thế là Văn Dung nhỡ lần viếng ấy. Nhưng bản tính vui vẻ, Văn Dung tự nguyện rời hàng, tha thẩn tản bộ khắp khu vực Lăng đợi mọi người.

Lần đầu được đặt chân đến đây, nhiều cảnh sắc lạ thu hút nhạc sỹ.

Ngắm muôn hoa trong vườn Bác. Còn thấy đây dáng hình bao thân thương của Người. Những loài hoa từ miền quê xa. Đã về đây ngạt ngào hương bay càng nhớ về công ơn của Người...”.

Những bực bõ khó chịu tan biến. Văn Dung sải những bước chầm chậm. Lòng chùng xuống. Thơ thới… Những ca từ bất ngờ khi dồn dập, lúc dìu dặt ào đến. Văn Dung vội vàng ghi vào mặt trái vỏ bao thuốc lá.

Chiều muộn buổi viếng Lăng bị nhỡ đó, ca khúc Những bông hoa trong vườn Bác đã ra đời!


Ðêm 8/3/2022
Theo Xuân Ba/Tiền phong

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây