Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Từ những mảnh vỡ thời gian

Tôi nhớ lần khi học xong trường viết văn Nguyễn Du về Hội Văn nghệ Hà Tĩnh công tác. Hôm đó lên Hương Sơn gặp mặt các văn nghệ sĩ, tôi thấy có một người dáng cao gương mặt sáng mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ, và đặc biệt là dáng đi thẳng, rắn rỏi nhưng vẫn toát ra một chất tài tử. Anh bước lại gần tôi, nhìn tôi như dò hỏi một chút rồi thong thả nói: “Tôi đã đọc thơ biển của ông rồi, rất thú vị, nhất là tập Giấc mơ lưới. Lạ. Lạ với giọng điệu thơ Hà Tĩnh, và tôi tin đây sẽ là một trong ít tập hay nhất của thơ anh”.

111
Nhãn

Ngẫm lại, tôi thấy Lê Văn Vỵ có lý và là người khá nhạy cảm, “đọc” được, linh cảm được phần nào cái tố chất và trữ lượng của người khác. Từ đó tôi chơi với anh, không quá thân gần mà cũng không xa, hình như giữa hai người vẫn có một khoảng cách nào đó. Phải đến khi đọc tập thơ Ngộ của anh tôi mới giật mình. Hình như ngoài cái vẻ lãng tử rất nghệ sĩ bên ngoài, còn có một nốt trầm sâu thẳm nhiều chiêm nghiệm trong con người anh. Và tôi gọi anh là người “nhặt” những mảnh vỡ thời gian. Anh sàng sảy tháng năm để nhặt về mình bao buồn vui đắng đót, bao ẩn ức chứa chan để nâng niu cái đẹp. Cái đẹp có khi bị khuất lấp và từ những vảy vàng ấy, thi sĩ đã đúc chiếc nhẫn như một đính ước với cuộc đời

Quê anh cạnh con sông Ngàn Phố, và tôi tin rằng mạch nguồn tuôn chảy trong anh cũng là thao thiết quặn mình phù sa mùa lụt. Những ngấn thời gian khắc khỏai ấy cứ chạm lên vách tường, cứ khắc lên thân cau ngấn đốt cứ bên bồi bên lở. Nhưng ở con người trọng nghĩa này luôn bồi đắp cho mình cái nghĩa khí tiết của một kẻ sỹ. Anh vốn là một nhà giáo dạy văn giỏi, có thời gian dài làm Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện Hương Sơn, và tiếng nói của anh luôn bảo vệ công lý. Nhà Lê Văn Vỵ ở cạnh quốc lộ 8, con đường có một thời được tôn vinh là con đường đẹp nhất Việt Nam, chạy thẳng từ thị xã Hồng Lĩnh lên cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Vì thế, bạn bè văn chương hay tụ họp ở đây… Có lẽ Lê Văn Vỵ yêu quê lắm, và Hương Sơn quê anh cũng là nơi tất cả đều là gạt lọc kết tinh. Anh biết mình, biết người như có lần đã tự vấn: “Ta còn mắc nợ bông hoa/ Nợ cây xanh, nợ mái nhà, người thân…”.

 Tôi nhớ lần đi cùng Lê Văn Vỵ trong đoàn văn nghệ sĩ Hà Tĩnh vào tham quan Nha Trang theo đường Hồ Chí Minh. Lúc xe gần đến nghĩa trang Trường Sơn, bỗng thấy anh lặng đi, trầm ngâm có gì hơi thảng thốt, thấp thỏm, không còn cái hồ hởi dí dỏm như suốt quãng đường đã qua với những câu chuyện khôi hài, vui vẻ. Xe dừng bên nghĩa trang, anh bước vội xuống, đi dọc những hàng mộ có danh và vô danh... Thì ra trong chuyến đi này, mẹ anh có dặn: Có điều kiện thì tìm mộ của người anh trai đầu là liệt sĩ… Cơn giông Trường Sơn như nén lại, oi bức, và anh với chiếc áo đen quen thuộc cứ thấp thoáng giữa những hàng bia mộ trắng xóa, trên tay là một chùm hoa sim hái vội bên đồi… Tôi chợt nhận ra có một Lê Văn Vỵ khác hẳn. Một sự chu đáo, tận tụy, dâng hiến hết mình... Gần đây tôi nghe anh báo tin đã tìm được mộ của anh trai đầu tại Hương Điền (Huế) và đã đưa về nghĩa trang gia đình. Sau này tôi nghe một người bạn thơ kể rằng: anh là người hay đến thăm và gửi mua những liều thuốc quý cho vợ người bạn thơ đang bị ung thư giai đoạn cuối tiêm cho đỡ đau… 

Ở thi sĩ Lê Văn Vỵ hội tụ ba con người: nhà giáo, nhà báo và nhà thơ. Ở cương vị nhà giáo, anh là người rất nhiệt huyết với sự truyền cảm vẻ đẹp văn chương đến cho các em, vì thế mà có nhiều trường mời anh về nói chuyện với học sinh. Các em yêu mến người thầy có kiến thức sâu, rộng lại rất uyển chuyển tinh tế của một thi sĩ. Vì thế theo yêu cầu của các em, anh đã bỏ công sức biên soạn những tập sách bổ sung kiến thức tham khảo cho học sinh thiết thực và bổ ích. Bài giảng của thầy giáo Lê Văn Vỵ hấp dẫn dễ hiểu vừa mở ra nhiều hướng tìm tòi tiếp cận cái mới không rập khuôn khô khan… Là nhà báo, anh xông xáo phát hiện và bảo vệ đến cùng cái đúng, đẩy lùi cái ác. Nhiều bài báo của Lê Văn Vỵ, đặc biệt về hiện trạng của ngành giáo dục, được sự đồng cảm và chia sẽ của đông đảo đội ngũ giáo viên. Anh có một cuốn sách tập hợp nhiều bài báo hay: Đá hai chân đều dẻo. Không chỉ dẻo mà còn hay. Có hay mới có sức lan truyền và thuyết phục…

Tôi muốn dừng lại phẩm chất đáng quý nhất, và ở đó kết tinh tài hoa, năng khiếu và sức đọc, sức viết để tạo ra một phong cách thơ của Lê Văn Vỵ… Tôi đã gặp mẹ anh một người mẹ nông dân thuần phát và khá thông minh, nhạy cảm. Bà luôn đọc được đúng tính cách và ý chí của con mình. Và bà rất tin ở con mặc dù trong đôi mắt hiền từ mẫu tử đôi khi vẫn có chút lo ngại. Người đời nói: Có tài thì có tật. Nhưng cái tật của đứa con yêu quý của bà cá tính độc đáo riêng biệt có chút hơi ngông của một thi sĩ xứ Nghệ. Như một cây mía đã vắt kiệt nước ngọt cho đời thì chỉ còn thân bã rã rời, nhưng đó là một sự rã rời kiêu hãnh. Bà cụ sống thọ và kiểu ảnh đẹp nhất có lần tôi thấy anh chụp cho cụ là bên giàn trầu không… Những lá trầu không giản đơn nhưng luôn có bao ân tình gửi gắm khi hòa trộn với cau, với vôi thành nước da hồng hào, thành nước răng bền chắc thành mặn nồng câu chuyện… Nhà giáo, nhà LPBB Nguyễn Thanh Truyền thật có lý khi chọn câu thơ “Mẹ mỗi chiều phên liếp chở che” để viết mạch thơ về mẹ của anh. Khác với những người khác hình ảnh mẹ trong thơ hơi chung chung thì mẹ của thơ Lê Văn Vỵ rất cụ thể. Chạm vào thơ là chạm vào những ký ức rưng rưng, chạm vào bao thương mến, chạm vào bao miền thiêng. Miền thiêng đó là một cõi cao cả khi mà với mẹ, anh vẫn là đứa con nhỏ bé… Bây giờ mẹ anh đã hòa vào mây trắng, nhưng tôi tin bà vẫn theo sát anh, đồng hành với anh vẫn lo lắng cho đứa con yêu của mình. Đọc thơ anh, ta chạm được cái tâm của nhà thơ giấu sau những trăn trở trước cuộc sống đời thường vật vã nhiều ngang trái với trách nhiệm công dân cao cả. Anh muốn bóc tách những ẩn khuất với giọng thơ có lúc tưng tửng nhiều chua cay đắng đót, có lúc lắng lại thâm trầm nhiều trải nghiệm. Tôi đặc biệt chý ý bài thơ Cắt móng chân cho mẹ. Có lẽ trong thơ Việt Nam, lần đầu tiên mới có một tứ thơ bình dị đời thường mà ám ảnh gan ruột: “Móng: Điếc thời còn bé/ Móng: nứt nẻ trên đồng.../ Ôi móng chân số phận/ Xa xót những mất còn…”. Và Bàn chân mẹ, đặc biệt đây là bàn chân người mẹ miền Trung: “Đôi bàn chân đi qua cuộc chiến tranh ròng ròng máu chảy/ Đi xung quanh con đường chông gai bầm dập/ Chéo chồng vết xước/ Theo xe tang ra bãi tha ma/ Nặng trĩu bê bét bùn”… Anh như một họa sĩ tài hoa chạm khắc bàn chân mẹ với những nhát cọ cứa xước tim mình, không chỉ hình dáng bên ngoài, mà ở đó gánh cả độ nặng cuộc đời bấm vào bao mất mất để đi tới cùng con đường nhân ái bao dung.

Hành trình đó cũng là khi anh cùng mẹ, cõng mẹ đi tìm người anh hy sinh trong chiến tranh với bao éo le: “Thắp nén nhang, vái bốn phương trời, vốc nắm đất nơi nghĩa trang cho vào lọ sứ/ Mẹ ôm về an ủi hồn thiêng”. Viết hay về mẹ nghĩa là anh đã viết hay về phần tinh túy nhất của hồn quê, của mảnh đất nơi anh sinh ra lớn lên, neo lại. Cái miền đất thiên nhiên khắc nghiệt đã vào thơ anh với những nét chạm khắc cứa lòng khi anh xót xa về phận người trong bão lũ: “Chết chìm cả bãi tha ma/ Đám tang ngày lũ xót xa trên thuyền…”.

Đọc Lê Văn Vỵ, thấy anh nhiều chiêm cảm. Đó là dùng lối nói nghịch lý, gọi đúng tên sự vật, tâm trạng bằng ngôn ngữ sắt se. Anh đẩy đến tận cùng cảm xúc của mình, phân minh cái giới hạn của sự bất an trên đường ranh giới thiện – ác. Cái sợ nhất của thơ là nhạt, là không tải, là véo von điệu đà. Thơ Lê Văn Vỵ đã vượt qua những cám dỗ đèm đẹp ấy một cách ngoạn mục bằng bước nhảy quãng khi hướng ngòi bút, tâm cảm của mình nhập cuộc với cuộc đời với bao thế sự. Ví như khi anh viết về đạo lý tình người ấm áp của đời sống nông thôn: “Hai nhà chung một bờ cây/ Bên kia: mẹ mất, Bên này: cưới dâu/ Bên kia nén lại nỗi đau/ Nước mắt lặn xuống đáy sâu tim mình/ Bên này tắt nhạc xập xình/ Nụ cười nắn lại ân tình sẻ chia…”. Đó không chỉ là sự đồng cảm, mà cao hơn là sự đồng tình, đồng lòng. Tôi mới hiểu vì sao làng quê anh qua cơn lũ thì lại bồi đắp thêm phù sa, tình người chia sẻ.

Hình thức thơ Lê Văn Vỵ cũng khá đa dạng: thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ lục bát, thơ năm chữ... Anh là một trong những người cách tân thơ trước hết là đổi mới về cảm xúc, về chiêm nghiệm. Cách đi của thơ anh hào phóng và da diết, tung tẩy mà đằm thắm, mở ra theo chiều phóng túng của câu chữ mà nén lại sâu sắc phía tâm hồn. Đó là sự biến ảo tài hoa, luôn lật lại vấn đề không thuần túy, nhưng vẫn lấp lánh những chiếu rọi nội tâm qua ánh hồ quang của lửa hàn chắp nối những thiếu hụt khao khát sự tròn đầy, như là một tri ân, tri kỷ. Anh viết lục bát hay. Chính cái điệu lục bát cân bằng đã tạo cho thơ Lê Văn Vỵ một sự đối trọng trong tâm thế dù có nhiều lần anh cũng đảo phách. Nhà thơ NaZim HicMet (Thổ Nhĩ Kỳ) có câu thơ rất hay: “Ôi những người cực tốt/ Trái tim thường hay đau”. Tôi biết Lê Văn Vỵ đang mang trong mình mấy Stent mạch vành, nhưng trái tim đã cảm và hướng thiện của nhà thơ vẫn luôn đập nhịp với mạch đời, mạch sống đắm đuối ân tình…


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phú
Nguồn Văn nghệ số 46/2020

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây