Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Văn chương, học trò và thầy giáo cũ…

Nhà văn Thạch Lam, một trong những cây viết nổi tiếng của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, quan niệm về văn chương, ông viết: “ Đối với tôi, văn chương không phải đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên; trái lại văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, và làm cho lòng người trong sạch, phong phú hơn!”. M.Gorki thì quan niệm: “Văn chương giúp con ngươi hiểu bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng vươn tới chân lý”. Bàn riêng về thơ ca, Voltaire khẳng định: “Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là tâm hồn cao cả và đa cảm...”

Suy đến cùng: Văn chương chính là nét đẹp cao cả của nghệ thuật, gồm có tâm hồn và cảm mỹ học, nhằm hướng tới chân lý Chân - Thiện - Mỹ. Do đó, Văn chương nhất thiết phải công bằng trong nhận định và đánh giá một cách chân thành và khiêm tốn nhất.111

Văn chương lại càng không cậy... tài, không cậy tuổi lẫn không đợi tài và tuổi để xuất hiện!

Văn chương đấu tranh với sự giả dối, cái ác, cái độc và làm ngu muội con người, cho nên người làm văn chương kỵ nhất là có tâm địa hẹp hòi, hiểm ác hoặc trí trá...

Văn chương thể hiện cái đẹp, cái tốt nỗ lực, tích cực vươn lên của mỗi cá nhân, có nhóm vì văn chương, nhưng không có nhóm “vì lợi ích” kéo tụt hãm văn chương...

Tóm lại văn chương trước hết là sự Trung thực (CHÂN), Nhân văn (THIỆN) và Tốt đẹp (Mỹ). Văn chương không phục vụ và đi ngược lại các tiêu chí là chân lý đó.

2.

Học trò theo nghĩa đen là người đi học, để tiếp thu kiến thức, lời hay ý đẹp về mọi mặt trong cuộc sống và kể cả nghề nghiệp chuyên môn... còn đi học, còn phải học thì là vẫn còn học trò. Con người vốn hữu hạn, nên phải HỌC suốt đời là lẽ dĩ nhiên.

Trong văn chương con người cũng cần phải học, mà việc làm đầu tiên... là đọc. Đọc tất cả văn chương kim cổ mà chắc mót, chọn lựa cái hay, cái đẹp làm hành trang cho chính trang viết của mình. Văn chương vốn bình đẳng, không chia thứ hạng mà chính là tác phẩm nói lên trình độ, thứ bậc của người viết. Văn chương cũng không phân biệt thầy trò, trò có thể hay hơn thầy cũng là điều bình thường. Trò tôn kính thầy bởi chữ Đạo và chữ Nghĩa, song văn chương con chữ thì không thể bắt phải “Tôn kính, khiêm cung”, nhưng đạo là trò, không thể quên người thầy, hướng dẫn, chỉ cho mình một lối đi, hay nâng đỡ cho mình dù chỉ “một chữ” hay chỉ “nửa ngày” bởi đó là cốt cách, đạo lý của những người biết và tri ân văn chương, huống hồ là người viết văn chương?

3.

Thầy, dù là người dạy chữ, dạy kiến thức hay dạy làm... văn chương, trước hết phải là người có Nhân cách, có tri thức, vốn sống và kinh nghiệm lẫn sự mẫu mực. Không có nhân cách, thiếu tri thức, non kém kinh nghiệm chớ... chọn nghề thầy mà làm hư hỏng cả một thế hệ!

Học trò cũ, sau này... hơn thầy đó là điều đáng quý trọng và biểu dương, song hơn thầy không có nghĩa là khi gặp thầy mà thiếu khiêm cung tôn kính. Song trong áng văn chương trò hơn hẳn thầy cũng là “hồng phúc”. Tương truyền Bảng Nhãn Lương Đắc Bằng là người đem Thái ất thần kinh ra dạy cho học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng sau này Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lại tinh thông hơn thầy là điều rất nên động viên và tâm phục.

Thầy cũng cần phải học và rèn luyện cho đến khi “Mắt mờ, tóc bạc” để giữ sự tương kính của bạn bè và cả học trò cũ. Thầy giáo văn chương lại càng kỳ khu, cẩn trọng để không vì một sai sót nhỏ mà đánh đổi cả thanh danh người thầy...

Văn chương là chân lý, người truyền bá và người học văn chương phải luôn thấm nhuần đạo lý để bảo toàn chân lý. Sự va vấp nào cũng đều đưa đến bến bờ của giả chân. Hãy ngộ ở chính mình...

Tác giả: Trần Hoàng Vy
Nguồn Văn nghệ số 39/2020

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây