Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Vũ Hạnh - Một huyền thoại trong văn hóa - văn nghệ Sài Gòn(1)

Khi Vũ Hạnh trong đoàn đại biểu trí thức miền Nam ra thăm miền Bắc sau năm 1975, khi tiễn đoàn, Gs. Đặng Thai Mai ôm Vũ Hạnh khóc ròng. Đó cũng là tình cảm của miền Bắc đối với miền Nam ruột thịt. Hồi đó ở viện văn học của cụ Đặng có sách báo của Sài Gòn để nghiên cứu, trong đó có tờ Bách Khoa mà Vũ Hạnh cộng tác. Nên khi cụ Đặng gặp Vũ Hạnh như gặp một người quen cũ.

111

Cuốn Người Việt cao quý của Vũ Hạnh viết trong 2 tuần, ký dưới tên một người Ý: A. Passi, (đọc là bất đi) theo gợi ý của trên để khích lệ tinh thần dân tộc vào lúc Mỹ đưa quân vào, in đi lại có đến 50 lần, ông Ba Duẩn đọc cuốn này, khen lắm, hỏi về người viết, thì được biết đó là một cán bộ nội tuyến của ta. Dân quê cũng đọc và quý Vũ Hạnh. Khi về miền Tây cùng với nhà văn Mai Văn Tạo, bà em gái của ông quýnh lên, quát ông chồng đi bắt gà, làm cơm đãi thằng Vũ Hạnh “Người Việt cao quý”.

Bút Máu được viết với lối văn pha màu nghị luận cổ văn khi lên án ngòi bút của bọn tay sai thời Ngô “xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng làm những điều vô nhân đạo? Tội ác văn chương xưa nay, nếu đem phân tích, biết đâu chẳng dồn chất thành ngàn dãy thiên sơn”. Đó là một lời hịch hào sảng, làm thức dậy chính nghĩa. Báo chí Hà Nội in lại, phổ biến, đài phát thanh đọc rầm trời, nghe sướng cả tai!

Năm 1965, kỉ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, Vũ Hạnh tập hợp các bài viết của mình trên Bách Khoa, in Đọc lại Truyện Kiều. Đây là một tác phẩm tài hoa, không gò bó trong khuôn khổ của nhà trường, Hàn Lâm Viện, rất cuốn hút. Nhà thơ nổi tiếng Đông Hồ (lúc đó kiêm giảng viên đại học Văn Khoa Sài Gòn) đọc thích lắm bèn sai một tiểu đồng mang một khay quà đến tặng.

Vũ Hạnh là một nhà văn được người đọc mến yêu như vậy. Vào những năm 1955-1956, ông cao to, đẹp trai ngời ngợi, nhiều phụ nữ mê. Một nữ thi sĩ, cỡ hoa hậu Sài Gòn hồi ấy, tặng ông tấm ảnh với dòng chữ: “Anh là người đàn ông mà người phụ nữ nào cũng mơ ước!”. Thế mà dấn thân vô cách mạng, giữ uy tín cho cách mạng, nên không léng phéng, tai tiếng gì, cũng giỏi! Vũ Hạnh đúng là con nhà giàu, đẹp trai, mà say mê cách mạng, ông là cháu ngoại ông nghè Phan Quang, một trong “Ngũ phụng tề phi” xứ Quảng. Đậu tú tài Quốc học Huế, tham gia Việt Minh từ tiền khởi nghĩa, làm văn hóa - văn nghệ năm lần bị tù. Nhưng khiêm tốn, ăn ở tốt với đồng nghiệp, mỗi khi bị bắt đều có đồng nghiệp làm chức to gọi Tổng nha: “Bắt thì bắt, nhưng không được tra tấn”.

Quãng thời gian sau 1965, Vũ Hạnh và các trí thức Sài Gòn khác có cuộc gặp với John Steinbeck (tác giả “Chùm nho nổi giận” được giải thưởng Nobel của Mỹ) nhân dịp John Steinbeck sang Sài Gòn để tuyên truyền cho Mỹ. Vũ Hạnh đã lên án cuộc chiến tranh của Mỹ, nêu cao lập trường chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình trong cuộc gặp này.

Vũ Hạnh ra đi là một tổn thất lớn cho nền văn học chúng ta. Những tưởng anh còn sức sống, vượt 100 tuổi thọ, nào ngờ phải vĩnh biệt anh giữa cơn đại dịch này. Từ nay, vắng bóng anh trong mọi tụ tập của anh em văn nghệ, từ nay vắng bóng người anh cao lớn như dũng sĩ nhưng nhẹ nhàng, khiêm nhường, chân tình với bạn bè và nồng nàn lòng yêu đời, yêu nước... Xin vĩnh biệt!

________

 (1)Nhà Văn Vũ Hạnh nhập viện vào ngày 11/8/2021 và mất ngày 15/8/2021 được mai táng tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh ở Củ Chi trên một khu đất đẹp. Vì dịch bệnh nên không ai được đi đưa tang. Xin cảm ơn nhà thơ Lê Tú Lệ, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Văn học Nghệ Thuật Tp. Hồ Chí Minh đã đảm đương việc hậu sự một cách chu đáo cho nhà văn Vũ Hạnh.

 

Tác giả: Mai Quốc Liên
Nguồn Văn nghệ số 35+36/2021

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây