Gọi tên Lệ Thủy

Thứ bảy - 24/10/2020 20:42
Trước hết, trận “Đại hồng thủy” đang diễn ra ở Lệ Thủy là... lụt, không phải lũ. Và Lệ Thủy mà tôi nói trong bài này chủ yếu là vùng dân cư ven sông Kiến Giang. Con sông, theo họa sĩ Lê Trí Dũng, một người Hà Nội gốc từng đi nhiều nước trên thế giới, cho rằng, là đẹp nhất mà ông từng thấy. Đẹp, vì nó nhỏ, vì hai bờ là những làng quê thơ mộng. Và nữa, nơi đó sinh ra những nhân vật quá ấn tượng: Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cuối thế kỷ 17 định vị hình hài đất nước đến tận cực Nam, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
111
Huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) chìm trong biển nước

Xưa, thật xưa, cái vùng mà bây giờ đang ngập chìm trong lụt chưa có dân. Con sông Kiến Giang bắt nguồn từ núi Quan Độ cực bắc Quảng Trị chạy hướng Tây Nam - Đông Bắc, đến một nơi gọi là vực An Sinh, gặp núi đá vôi chắn lại, “bèn” chảy hướng Nam Bắc, chừng 20 cây số thì gặp sông Long Đại hợp lưu thành Nhật Lệ chảy ra biển. Chính đoạn 20 cây số ấy bằng phẳng, sông chảy êm đềm tải phù sa về có thời gian để lắng đọng thành châu thổ vô cùng màu mỡ ấy hiện đang chìm trong nước lụt. Trong thiên niên kỷ thứ nhất, người Chiêm Thành (hay Lâm Ấp) sinh sống ở đây còn để lại một vài di sản trong kiến trúc và ngôn ngữ như Ninh Viễn thành gần thị trấn huyện lị, tháp Chàm ở Mỹ Đức hay ngôi chợ THÙI là tên Chăm…

Ngày xưa, người từ Bắc di cư vào chủ yếu bằng thuyền. Dân đánh cá dừng lại ở cửa biển. Dân nông nghiệp ngược sông Nhật Lệ lên tìm vùng đất màu mỡ là Quảng Ninh, Lệ Thủy bây giờ. Từ xa xưa, truyền lại câu: “Nhất Đồng Nai nhì hai huyện” là hai huyện này đấy. Lệ Thủy có ba vùng dân cư: Chân thềm Trường Sơn ven quốc lộ 15, nay là đại lộ Hồ Chí Minh. Chân thềm Trường Sa ven quốc lộ 1. Và Vùng Giữa, đôi bờ Kiến Giang. Lụt, dân ven chân thềm Trường Sơn gò đồi chẳng sao. Dân dọc Trường Sa lên ngay đồi cát, không hề hấn gì. Dân Vùng Giữa thường bị chìm trong nước. Vùng Giữa, tức là khoảng hai mươi cây số hai bờ sông mà tôi vừa đề cập tên đây, trừ đi chừng hai cây số khi con sông băng qua phá Hạc Hải.

Đó là dân các xã Mỹ Thủy, Liên Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy ở hữu ngạn. Mai Thủy, Xuân Thủy, An Thủy ở tả ngạn. Và hai ba xã ở ven Hạc Hải và ở Quảng Ninh cuối nguồn Kiến Giang. Thấp nhất, và cũng là thơ mộng nhất (Theo lời họa sĩ Lê Trí Dũng) chính là vùng giữa năm xã: Phong, An, Lộc, Xuân, Liên (Thủy), gọi là “Vùng giữa”. Quê tôi ở cái nơi thấp nhất của năm xã thấp nhất ấy...

Và, tuổi thơ tôi đã... thấy lụt.

Năm 1960 (hoặc 1959-1961) một trận lụt rất lớn. Nhà tôi, nền cao nhì trong làng, nước vào láng nền, có chừng bảy tám gia đình trong xóm đến trú. Trực thăng chọn điểm cao để thả lương thực cứu trợ. Còn những nhà trong xóm sống ở đâu? Nhà vừa vừa thì lên Tra. Tra, giống như la phông cũng giống gác xép, dùng để cất thóc và các loại lương thực (Phòng lụt đấy), mùa lụt thì để thùng nước sạch, bếp núc nấu ăn. Những nhà thấp nghèo không có tra thì sống trên... bối. Bối là bè, đóng bằng thân cây chuối. Bối nhỏ, cho trẻ con chống đi chơi, đi... vệ sinh. Bối to dùng để chất đồ đạc bếp, người, chó mèo. Và, quan trọng nhất nhưng không phải nhà nào cũng có, là con thyền gỗ. Thuyền gỗ năm ván là đặc sản thiết thân của người vùng giữa: Đi cấy, gặt, bắt cá, đi rừng, đi cắt cỏ, đi... xem lễ hội bơi thuyền ngày tết độc lập. Ngày ấy, sau khi thóc vụ hè thu đã khô khén (nỏ) cho lên tra, người Lệ Thủy nhấc thuyền bơi sang sửa, vẽ vời, chuẩn bị lễ hội bơi thuyền mừng tết độc lập. Bơi thuyền suốt cung đường chừng 12 cây số, ba vòng chừng 70 cây số... Bơi thuyền đánh chén xong thì ngồi chờ... lụt.

Mưa mấy ngày, nước từ thượng nguồn đổ về Kiến Giang. Trước hết là đưa đàn trâu bò bơi qua biển nước lên vùng trung du (chân thềm Tường Sơn). Đàn ông xăm xắn tìm “trộ” ven sông để cất rớ (vó). Trẻ nhỏ được nghỉ học lội nước lụt, đùa nghịch (trẻ con Lệ Thủy không thể bị đuối nước), loại choai choai thì mài lao (gọi là đọọc để xiên những con chuột sống sót từ ngoài đồng chạy vào leo lên ngọn tre. Đàn bà dỡ mắm cá ướp từ mùa hè, để kho, chưng ăn với cơm (ngày lụt mát trời ăn rất tốn cơm). Nước dâng nữa thì lên tra hoặc lên bối, lên thuyền và đến những nhà nền cao (Hồi ấy chưa có nhà lầu). Của cải chưa có đồ điện tử nên không sợ ngâm nước. Có chăng là phải kê cao cái cối xay vì có bộ phận làm bằng đất. Sau lụt, cánh đồng được thau chua rửa mặn, lại đọng một lớp phù sa màu mỡ. Cá từ thượng nguồn vể ở lại trong đồng sinh sôi nảy nở. Năm tới, lúa tốt cá nhiều và không có... chuột.

Người Lệ Thủy chờ lụt như người đồng bằng sông Cửu Long chờ mùa nước nổi vậy. Tất nhiên, trừ trận lụt năm 1950, quá lớn, và bất ngờ, lại đang đánh Pháp, “Bình Trị Thiên khói lửa” thiệt hại rất lớn.

Từ khi khai canh lập làng, người Lệ Thủy đã tìm ra phương cách ứng xử với thiên nhiên. Hạn, vừa lắng nghe và đoán thời tiết để chọn vùng ruộng mà cấy lúa, vừa cầu trời. Sách Ô châu Cận Lục của tiến sĩ triều Mạc, Dương Văn An, người ở Lộc Thủy ngay rốn lũ, viết năm 1555 đã nói về lễ hội bơi thuyền cầu mưa của người Lệ Thủy (bây giờ chuyển sang bơi thuyền tết Độc Lập)...

Tạm tính từ năm 1950 đến nay, cứ khoảng mười năm có một trận lụt lớn.

Sau năm 1973, ngưng bom đạn, và đặc biết khoảng hơn ba mươi năm đổi mới, Lệ Thủy đã có vẻ đẹp tự nhiên, khi giàu lên càng đẹp. Đêm, trung tuần mùa hè, trăng sáng đôi bờ nên thơ. Đêm tối trời, dòng sông lung linh ánh điện. Trung tâm huyện ở mũi viết ngã ba sông đẹp như cổ tích thời nay. Đẹp đến mức tổ chức Hoàng gia Anh cũng muốn góp phần, viện trợ tiền làm con đường bao quanh vùng đồng bằng màu mỡ nhất. Vậy nên, người Lệ Thủy ngày nay đi cấy, đi gặt, đi... bằng xe “giấc mơ 2”… Nhà đẹp, ăn ngon, mặc đẹp... Rồi dần quên “người bạn” trăm năm thường ghé thăm là... lụt.

*

Lụt nhỏ và vừa thì... không vấn đề. Nhưng nước ngập nóc lại là chuyện khác.

Trong cơn đại hồng thủy tháng 10 năm 2020 này, ba ngày đầu, mưa, nước bạc (phù sa) về, người Lệ Thủy úng xử như từ trước đến nay. Trên mạng xã hội, các nhà thơ Đỗ Quý Dũng, Dương Ngọc Liên, Nghệ nhân ưu tú Hồng Hới viết những dòng vui vui về con nước đang lấp lem bậc thềm. Rồi nước rút, nhà thơ Dương Ngọc Liên hò hét cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện làm cật lực đẩy phù sa ra khỏi sân... Nhưng, mưa trở lại, nước lại dâng, vẫn không vấn đề, vẫn những cái statut vui vui. Đến đoạn nước vượt ngưỡng lần trước và trời vẫn mưa nặng hạt, thì đã thành vấn đề. Chúng tôi đang theo trại viết văn Đà Nẵng vội về, đến Đông Hà, tắc đường, phải vòng lên đường Hồ Chí Minh, đến Đồng Hới thì biết rằng anh chị em văn nghệ sĩ quê vùng giữa Lệ Thủy không thể về nhà được nữa. Hai ngày sau, nhà thơ Vũ Thắng vẫn phải tá túc ở Đồng Hới cho hay: Nhà ông ở An Thủy đã “lút chóp chài”, tức là ngập nóc. Cả năm xã Lệ Thủy điểm danh trên đây chìm trong biển nước. Vang lên những tiếng kêu cứu ngày càng dồn dập và khẩn thiết trên mạng. Hệ thống chính trị chuyển động. Nhanh nhất là Bộ đội, Công an... Nhưng, đã mất thế chủ động. Ngày 20/10, hàng trăm xe cứu trợ từ hai đầu đất nước và của tỉnh dồn ứ ở ngã ba Cam Liên, cửa ngõ dẫn vào vùng giữa năm xã. Thuyền nhỏ bằng kim loại khó cưỡi sóng. Thuyền lớn không tiếp cận được những xóm ở sâu. Một số làng như Lộc An, Thạch Bàn, Phú Thọ, Tân Lệ, An Xá là rốn lụt, số người kêu cứu nhiều hơn.

Lúc tôi ngồi viết những dòng này, ở Đồng Hới, trời đã giảm mưa. Ở quê tôi, làng Lộc An rốn lũ vẫn mênh mông biển nước và vẫn còn người năm sáu ngày ngồi nóc nhà.

Hốt hoảng hơn sáu mươi năm trước, năm 1960.

Vì sao vậy?

Người Lệ Thủy giàu hơn nên có phần chủ quan hơn và sức chịu đựng, tâm thế chịu đựng cũng kém hơn. Người Lệ Thủy dùng nước máy, không hoặc rất ít tăm sông (sông bị ô nhiễm) nên số người, cả thanh niên, không biết bơi tăng lên. Triệt hạ những lũy tre, xây tường nhà bằng bê tông, chơi cây cảnh trong chậu cũng tạo ra bất lợi. Dân gian có câu: “Đá trôi, làng không trôi”. Nhưng, không có lũy tre, làng cũng có thể trôi… Vườn tược nhiều nhà đổ ba ta, bê tông. Nhà nhà nuôi heo bằng thức ăn công nghiệp. Cây chuối hết vai trò là thức ăn chăn nuôi nên ngày càng vắng bóng trong vườn. Giao thông đường bộ rất thuận tiện. Đi suốt hai bờ sông gần như không còn thấy bóng dáng con thuyền gỗ năm mái là người bạn thân thiết nhất của dân quê chiêm trũng từ khi khai canh lập làng. Mặc dù vật liệu xây dựng rất rẻ, một bao xi măng 50 kg xấp xỉ một bát phở đặc biệt, bát cháo lươn đặc biệt. Một lon bia bằng chục viên gạch, nhưng xu hướng xây dựng nhà đẹp, vườn đẹp hơn là nhà nền cao, chắc chắn. Trong lần nước ngập thứ nhất, faceboock của chị Trần Nga ở Tuy Lộc cứ xót xa về mấy chậu hoa bị nước ngập, không kịp ra hoa tết nguyên đán. Thử tính, nếu thay vì mua xe máy hạng trung khoảng hai mươi triệu, chỉ mua xe chừng năm sáu triệu, để tiền mua gạch, xi măng xây một “cái chòi” mười mét vuông, cao bốn mét, thì lụt lớn cũng chẳng sao…

Lệ Thủy ngăn con sông Rào Con thành hồ An Mã để chủ động lúa hai vụ là một thành công lớn. Những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước, hạt lúa còn hiếm hoi, Lệ Thủy làm âu thuyền An Lạc “thượng vị’ và đập Mỹ Trung “trực tràng” của phá Hạc Hải, ngăn mặn giữ ngọt để trồng lúa. Nay, lúa đã “không vấn đề”, phải chăng nên xóa hai “Cựu công trình” đã hết tác dụng, trả lại vùng nước lợ cho Hạc Hải bốn nghìn mẫu tây “mênh mông vạn khoảnh... như ngũ hồ” (Ô Châu cận lục), để vùng phá này trở lại làm nhiệm vụ cả nghìn năm giao phó là điều tiết nước và môi trường sinh sôi thủy sản và chim trời cho dân hai huyện… Dân Lệ Thủy, Quảng Ninh chuyên canh lúa, thật thà chất phác. Có thể chê Lệ Thủy buôn bán kém, nhưng không thể không công nhận người Lệ Thủ trị thủy, bao gồm giữ nước để chống hạn và sống chung, “dùng nước”. Lệ Thủy đã làm được gần hoàn thành cả hai việc. Mùa hè, khắp cả nước kêu hạn nặng, tôi về quê ra đồng thấy ruộng xăm xắp nước, lúa bời bời. Có dịp cưỡi thuyền máy chạy hết chiều dài hồ An Mã (chính là chiều dài một nhánh nhỏ của sông Kiến Giang được chắn lại) mới hiểu vì sao. Thuận theo con nước và dùng nước, chơi với nước (bơi sông, bơi thuyền) thì cũng đã thành thói quen, trừ những trường hợp bất ngờ bất khả kháng như cơn đại hồng thủy tháng 10/2020 này.

Lệ Thủy vừa được vinh danh Hò khoan Lệ thủy là di sản quốc gia. Trận đại hồng thủy thiệt hại là rất lớn. Toàn bộ đồ điện của những nhà ngập nóc coi như xong. Những hàng quán bánh kẹo trắng tay. Thóc gạo ngâm nước cũng nguy cơ hỏng hết. Bù lại, Lệ Thủy bớt chủ quan, ứng xử với thiên tai chủ động hơn. Có thể thay đổi tư duy xây dựng và sinh hoạt. Và nữa, cũng là thêm một lần thấy được tấm lòng của cán bộ và nhân dân cả nước với Lệ Thủy...

*

Rồi, cơn đại hồng thủy sẽ qua đi. Người Lệ Thủy lại dọn dẹp nhà của, lau chùi phù sa bám vào tường, ra sông giặt giũ lau chùi vật dụng như năm xưa chống Pháp sau mỗi trận giặc càn, thời chống Mỹ sau mỗi trận bom B52 hàng chục, hàng trăm người thiệt mạng. Thuỷ hỏa đạo tặc dù mạnh đến thế nào cũng không bằng trí tuệ và nội lực người dân. Rồi mà xem, vụ Đông Xuân tới sẽ được mùa, Tết Nguyên Đán vẫn rộn ràng bánh chưng bánh đòn (bánh tét), trai thanh gái lịch vẫn diện sang, cưỡi giấc mơ hai ôm eo nhau đi thăm lúa nhà mình, phụ nữ có dịp lại tụ tập... zô zô như thể vài tháng trước không cơn đại hồng thủy. Gần năm mươi năm trước, khi không khí chiến tranh đã nóng như Hỏa Diệm Sơn, nhạc sĩ Hoàng Vân vẫn dành hết cả một ca khúc trường thiên theo giai điệu hò khoan Lệ Thủy với nhịp chày khoan khoan hò khoan và ca từ đẹp như cổ tích: “Xanh tươi bốn mùa rộn vang tiếng hò khoan Lệ Thủy trên dòng sông Kiến Giang dạt dào tình quê…

Con sông Kiến Giang khi trở lại hiền hòa vẫn đẹp nhất mà ông từng thấy, họa sĩ Hà thành Lê Trí Dũng ạ.

Tác giả: Nguyễn Thế Tường
Nguồn Văn nghệ số 43/2020

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay2,481
  • Tháng hiện tại88,506
  • Tổng lượt truy cập3,189,261
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây