Sách lớp 1 dạy trẻ 'nếu bị sai việc thì không làm và trốn đi'?

Chủ nhật - 11/10/2020 20:01

"Tôi đọc truyện ngụ ngôn Hai con ngựa nhưng không hiểu câu chuyện dạy cho con tôi điều gì. Tôi có hỏi con học được điều gì, con bảo không biết. Suy nghĩ một lát sau, con nói nếu bị sai việc thì không làm và trốn đi nơi khác...".

111
Nhiều từ trong sách giáo khoa tiếng Việt xa lạ với học sinh và phụ huynh - Ảnh: TỰ TRUNG

Chị N.T.V., có con học lớp 1 ở một quận trung tâm tại TP.HCM, tâm sự. Con chị đang học bộ sách "Cánh diều".

Phản giáo dục

Trong bài tập đọc Hai con ngựa của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 tập 1 có nội dung kể về con ngựa tía biếng nhác và ngựa ô chăm chỉ. Ngựa tía thắc mắc sao ngựa ô phải làm hùng hục như vậy. 

"Tôi hi vọng một cái kết khác sẽ truyền được sự chăm chỉ cho ngựa tía. Không ngờ cái kết theo hướng khác. Nghĩ nát ra, tôi vẫn không hiểu ý nghĩa câu chuyện là gì, nhất là khi chuyển tải cho suy nghĩ của đứa trẻ lớp 1" - chị N.T.V. băn khoăn.

Hay chuyện Cua, cò và đàn cá cũng trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 tập 1 có nội dung cò kiếm ăn ở ven hồ. Cò gặp cá rô và cho biết vài hôm nữa hồ bị tát cạn thì cá tôm sẽ bị bắt hết. Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên, thế nhưng cò dần dần chén hết đàn cá. Nội dung này khiến không ít phụ huynh và giáo viên bức xúc với ngôn ngữ và ngụ ý câu chuyện.

Chị Thanh Bình (Q.Gò Vấp, TP.HCM) nêu ý kiến: "Tôi chờ đợi điều mới mẻ của chương trình mới nhưng mở sách ra tôi không biết diễn tả thế nào. Nói đúng hơn là ý nghĩa câu chuyện trong phần tập đọc quá phản giáo dục. Thay vì nói từ ăn, con nói với mình 'chén' đi mẹ. Rất không phù hợp và vậy làm sao tôi dạy con?".

Cô H.Thoa - giáo viên tiểu học Q.Tân Bình (TP.HCM) - cũng nói: "Thời trước vỡ lòng thế hệ học sinh nào cũng quen với con cò đi ăn đêm, bị lộn cổ xuống ao để nói về sự cần mẫn, vất vả lo cho gia đình. Nó cũng tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ. Bây giờ các con lại được biết hình ảnh con cò chơi xấu bạn bè. 

Đó là chưa kể chuyện dùng từ 'chén' vô cùng phản cảm. Chúng tôi khi dạy cũng thất vọng và luôn mong cái kết, một câu chuyện vô tư để kích thích tinh thần học sinh".

Tương tự, một cô giáo ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) cho rằng rất vất vả khi dạy học sinh với câu chuyện những "lấn cấn" của sách giáo khoa. Cô nói: "Tác giả sách giáo khoa không chú ý đến những từ ngữ phổ biến, mang tính toàn quốc, thậm chí không thống nhất trong cách viết, không rõ nghĩa thì rất khó khăn cho giáo viên trong việc truyền thụ kiến thức, mở rộng vốn từ".

Về những câu chuyện trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, ông Trần Xuân Toàn - giảng viên khoa ngữ văn, phân môn văn học dân gian Trường ĐH Quy Nhơn - nhận định: "Bài Cua, cò và đàn cá thể hiện cái sự láu cá của nhân vật trong truyện. Với học sinh lớp 1 là phản ý nghĩa giáo dục. Từ ngữ trong sách giáo khoa mang tính chủ quan của người biên soạn. 

Từ 'chén' là từ phương ngữ miền Bắc và nó dùng cho những trường hợp không bình thường, mang nghĩa biểu cảm, dành cho tầng lớp lưu manh. Khi biên tập thì nên làm kỹ, không cẩu thả, hoặc là phải giải thích bên dưới. Nhưng học sinh lớp 1 làm sao đọc được chú thích để hiểu. Vì thế nên dùng những từ tương đồng để phù hợp học sinh lớp 1".

Ngoài ra, ông Trần Xuân Toàn cho rằng các lớp lớn mới hay học truyện ngụ ngôn: "Trẻ con lớp 1 chưa hiểu được hết ý nghĩa, hiểu không tới ý nghĩa thì có thể dẫn dắt câu chuyện theo hướng khác. Hiểu được ngụ ngôn là cách hiểu của người lớn, phải suy nghĩ và từng trải mới hiểu được. Nó giống như truyện cười vậy, khó và rất ngụ ý. Không thể hiểu trên hiển ngôn, mà là hàm ngôn. 

Học sinh lớp 1 như tờ giấy trắng, đưa ngụ ngôn vào sách giáo khoa, dù là phỏng theo, cũng đã không phù hợp. Theo tôi, khi đã không phù hợp thì nên bỏ đi, thay thế bằng một văn bản, thể loại dễ hiểu và phù hợp hơn".

Tác giả không chú ý đến những từ ngữ phổ biến, mang tính toàn quốc, thậm chí không thống nhất trong cách viết, không rõ nghĩa thì rất khó khăn cho giáo viên trong việc truyền thụ kiến thức, mở rộng vốn từ.

Một giáo viên ở Q.Gò Vấp, TP.HCM

Quá khó hiểu và xa lạ

"Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mới thuộc bộ 'Cánh diều' có quá nhiều sạn. Vậy mà nó vẫn được hội đồng thẩm định sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT phê duyệt thì thật khó hiểu..." - cô H., giáo viên lớp 1 ở TP.HCM, phản ảnh.

Tương tự, chị Hà - phụ huynh ở TP.HCM - cũng cho biết: "Trường của con tôi là một trong số trường tiểu học ở TP.HCM chọn sách giáo khoa 'Cánh diều'. Tôi rất thắc mắc với nội dung của sách Tiếng Việt. Đầu tiên là từ ngữ. Sách giáo khoa có những từ quá khó hiểu và xa lạ đối với người sống ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam như tôi và con tôi. Ngay cả phụ huynh còn khó hiểu thì làm sao dạy cho con em mình được.

Như bài 11 cho học sinh học từ 'bễ'. Tôi hỏi con ở lớp cô giáo dạy như thế nào. Con tôi bảo cô có giải thích nhưng con thấy khó quá, quên mất rồi. Trong group những phụ huynh có con đang học lớp 1 thì thấy các ba, mẹ tranh luận dữ dội về cái bễ. Người thì bảo đó là dụng cụ thổi cho lửa lớn hơn. Người bảo đó là cái ống dẫn khí thôi. Người lại bảo bễ là cả cái bếp lò rèn. Ông xã tôi nhanh chân chạy ra nhà sách mua cuốn Đại từ điển tiếng Việt. Mở ra thì thấy giải thích 'bễ' là: dụng cụ có ống thụt hơi vào lò cho lửa cháy".

Còn chị N.X., phụ huynh ở Bà Rịa - Vũng Tàu, phân tích: "Câu văn trong các bài đọc của sách giáo khoa quá trúc trắc, khó đọc, khó hiểu và khó in vào tâm trí trẻ. Nội dung các bài đọc thì không thể chấp nhận được. Có bài thì nhạt nhẽo, gần như vô nghĩa, không có tác dụng giáo dục trẻ. Như bài 18: 'Bi đó à? - Dạ. Đố Bi: Mẹ có gì? - Mẹ có cá kho khế. Đố Bi: Bố có gì? - Bố có bé Li'.

Có bài lại quá khó hiểu đối với trẻ con, câu từ thì cộc lốc, xa lạ như bài 25: "Nhà Sẻ có sẻ bé. Sẻ ca 'ri...ri...'. Phía xa là nhà quạ. Quạ la 'quà quà'. Sẻ bé sợ quá. Sẻ bố dỗ: 'Sẻ ca ri ri. Quạ la quà quà. Bé sợ gì".

111
Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Thọ (Q.12, TP.HCM) trong năm học 2020-2021 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Quá khủng khiếp!

Cô M., giáo viên lớp 1 ở TP.HCM, bộc bạch rằng trường cô quyết định chọn sách giáo khoa Tiếng Việt bộ "Cánh diều" vì thấy tiến độ bài học đi chậm hơn so với các bộ sách giáo khoa còn lại.

"Thời điểm chọn sách giáo khoa mới năm nay rất đặc biệt. Đó là khi các trường đang nghỉ học vì COVID-19. Chúng tôi phải vừa soạn giáo án vừa dạy trực tuyến. Thời gian xem và thảo luận về sách giáo khoa mới không nhiều nên thực sự là không đọc kỹ nội dung của sách. Hơn nữa, chúng tôi cũng ỷ lại rằng sách đã được Bộ GD-ĐT thẩm định thì không phải lo lắng nhiều về nội dung. 

Đến khi bắt tay vào dạy mới 'tá hỏa' vì nội dung quá khủng khiếp. Những bài có các câu, từ khó hiểu xa lạ thì giáo viên ráng tìm tranh, ảnh, clip... giúp cho học sinh nắm được bài. Còn những bài phản giáo dục quá, tôi đang chờ cuộc họp chuyên môn ở trường để giáo viên trong khối thảo luận và đưa ra phương pháp 'chữa cháy', thống nhất giáo dục học sinh".

Tương tự, cô L.A. - giáo viên dạy lớp 1 tại Hà Nội - cho biết phần lớn các ngữ liệu trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của "Cánh diều" đang bị kêu phản cảm nằm ở các bài học vào nửa cuối học kỳ 1 và học kỳ 2. Tuy nhiên khi dư luận ồn ào, giáo viên cũng phải xem kỹ lại các bài để tính toán cách "chữa cháy".

"Những ngữ liệu phỏng theo truyện ngụ ngôn mang tính hàn lâm, trí tuệ, ý nghĩa sâu xa mà thường trẻ lớp 1 khó có thể hiểu được hết. Việc hiểu không hết nghĩa của ngữ liệu rất có thể khiến trẻ hiểu không đúng. Thậm chí có ngữ liệu là truyện ngụ ngôn được cắt xén đưa vào sách làm cho ý nghĩa bị hiểu sai, nhiều người đọc thấy choáng. Giáo viên chúng tôi chỉ có thể nghĩ được cách là dành thời gian giải thích nghĩa cho các con. Ngoài ra có thể tìm thêm các ngữ liệu giản dị, dễ hiểu hơn để giúp học sinh tiếp thu kiến thức"- cô L.A. cho biết.

Trong khi đó, một giáo viên dạy tiểu học ở Q.Tây Hồ (Hà Nội) cho biết có thể sẽ dựng các clip, tranh ảnh trình chiếu cho học sinh quan sát để tiếp thu bài học. Một số giáo viên, hiệu trưởng tiểu học ở Hà Nội đang sử dụng sách của nhóm "Cánh diều" nhận xét ưu điểm của sách là dễ sử dụng và không khác nhiều quá so với sách Tiếng Việt của chương trình cũ cũng do ông Nguyễn Minh Thuyết là tổng chủ biên. 

Tuy nhiên, bất cập nằm ở ngữ liệu khi có nhiều khẩu ngữ không phải ngôn ngữ chuẩn mực và có các trích đoạn, phóng tác theo truyện ngụ ngôn khó hiểu hoặc dễ bị hiểu sai...

"Cánh diều" chiếm 30% thị phần

Ở thời điểm công bố kết quả thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt 1, đại diện hội đồng thẩm định cho biết đã làm việc khách quan, nghiêm túc, đọc kỹ từng trang bản mẫu. Nhưng với những phản ứng của dư luận về một số bài trong sách Tiếng Việt 1 của nhóm "Cánh diều", các thành viên trong hội đồng thẩm định và Bộ GD-ĐT vẫn chưa có ý kiến chính thức.

Được biết, với những "ưu thế" của sách nhóm "Cánh diều" là có 2/3 tác giả viết sách đồng thời là thành viên xây dựng chương trình giáo dục mới của Bộ GD-ĐT, sách môn Tiếng Việt "dễ dạy" do gần với sách giáo khoa Tiếng Việt cũ. Bộ sách "Cánh diều" đang chiếm khoảng 30% thị phần sách giáo khoa lớp 1 trên cả nước.

GS Nguyễn Minh Thuyết: "Chỉ trích là vội vàng"

111
GS Nguyễn Minh Thuyết

GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên môn Tiếng Việt của bộ sách "Cánh diều" - cho biết: "Sách có những văn bản truyện ngụ ngôn, có người nói tôi bịa. Nhưng câu chuyện hai con ngựa hay kiến và bồ câu, tôi dựa theo Thúy Toàn, là dịch giả văn học Nga, chứ không như người ta nói. Chỉ trích là vội vàng.

Tôi đã phỏng theo Lev Tolstoy hay La Fontaine là bởi nguyên truyện Hai con ngựa là con ngựa đực và ngựa cái, thì vần "ưc" và "ai" học sinh lớp 1 chưa học đến. Hay con kiến thì vần "iên" học sinh cũng chưa biết, nên tôi thay thế bằng từ "gà" chỉ một vần "a" dễ dàng. Tôi đã ghi phỏng theo, vì truyện của Lev Tolstoy là ngựa đực và ngựa cái.

Câu chuyện ngụ ngôn, trong truyện của Lev Tolstoy, con ngựa cái là con rất lười. Nó xui con ngựa đực bỏ làm, chủ mắng thì đá chủ. Chính vì tôi nghĩ chi tiết này không nên dùng mà nên sửa, một là con cái lười và xui con đực làm bậy thì vô hình trung mình sẽ có vấn đề về mặt phân biệt giới tính. Xui con ngựa đá chủ là quá đáng, cho nên tôi biến thành ngựa tía và ngựa ô.

Nói về giá trị, tác dụng giáo dục thì giữ nguyên giá trị, vì nguyên văn như Lev Tolstoy mà. Và một nhà văn vĩ đại như ông thì chắc chắn không có sáng tác nào là câu chuyện phản giáo dục".

Chưa chú ý tính nhân văn

Trường tôi đang sử dụng bộ sách "Cánh diều" của NXB Đại Học Sư Phạm TP.HCM. Tôi nhận thấy biên soạn sách Tiếng Việt chưa chú ý tính nhân văn. Ví dụ như bài 12 tập đọc: Bé Hà, bé Lê có tranh minh họa "Hà ho, bà ạ!". Bà vô tư nói: "Để bà bế bé Lê đã". Còn tranh minh họa hình "con cua" bài 31 trang 58 giống y chang hình "con ghẹ" bài 14 trang 32.

Trong sách thường dùng theo phương ngữ thông dụng khi giao tiếp ở miền Bắc. Sách giáo khoa được giảng dạy trên toàn quốc, áp dụng cho học sinh mọi vùng miền nên khi giảng dạy gặp phải các từ phương ngữ giáo viên ít nhiều gặp khó khăn trong việc giải nghĩa từ.

Tôi thí dụ từ "giá đỗ" là từ được dùng ngoài miền Bắc (bài 17 trang 34) nên giáo viên trường tôi dạy phải chuyển sang dùng phương ngữ miền Nam để diễn đạt cho học sinh hiểu rõ giá đỗ là người ta dùng hạt đậu xanh ủ ẩm cho nó mọc mầm lên thành giá.

Tuy nhiên, có từ nghe lạ lẫm như "cá diếc" (bài 83 có hình minh họa trang 148) và từ "gà gô" (bài 14 có hình minh họa trang 32), "yểng" (hình minh họa bài 83 trang 148 và bài tập đọc Con yểng trang 155).

Trong sách, trang 130 dùng từ "râm bụt" mà đúng ra phải là "dâm bụt". Khi dạy gặp mấy từ này giáo viên chịu trận phải "bó tay" vì không giải thích cho rõ nghĩa được các từ này. Có lần tôi thử hỏi giáo viên trong huyện, có người thâm niên ít nhất là 15 năm dạy lớp 1, nghĩa của hai từ này như thế nào thì có cô giáo trả lời nhát gừng "cá diếc trông giống cá chép đó thầy", "gà gô chắc nó cũng giống như gà ri".

Có cô thì thực tế hơn nói: "Thật tình khi dạy đến hai từ này thì em né không giải nghĩa, giải thích gì hết vì mình không hiểu rõ nghĩa. Mà thật tình từ hồi nào giờ học sinh và phụ huynh chưa có ai hỏi đến hai từ này bao giờ".

Tôi thử lên Google tra cứu thông tin thì thấy giải thích hết sức cô đọng: cá diếc chủ yếu sống ở sông miền Bắc, miền Trung, không có sống ở sông miền Nam và trong miền Nam cá diếc cũng không có tên nào khác. Còn gà gô chính là con chim đa đa, còn yểng là con nhồng.

Tác giả soạn sách giáo khoa mà không chú ý đến từ ngữ phổ biến thường dùng cho toàn quốc mà dùng từ phương ngữ hay từ không rõ nghĩa thì rất khó khăn cho giáo viên trong việc truyền thụ kiến thức.

Trần Văn Tám (Củ Chi, TP.HCM)

Theo Tuổi trẻ
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay5,004
  • Tháng hiện tại96,632
  • Tổng lượt truy cập3,197,387
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây