Vẫn mê hồn trận cuộc cờ thế gian…

Thứ tư - 21/10/2020 15:22

Cờ tướng là một trò chơi trí tuệ đã vào Việt Nam từ lâu đời. Nó không chỉ gắn bó với đời sống văn hóa của cư dân bản địa qua nhiều lễ hội mà còn đi vào không ít các tác phẩm thi ca. So với cờ vua, rõ ràng cờ tướng có một đời sống sâu rộng hơn trong lòng người Việt. Có lẽ vì thế mà trong nhiều văn bản thư tịch cổ, chỉ cần nói “chơi cờ” thì người đọc sẽ ngầm hiểu ngay đó chính là môn cờ tướng chứ không phải môn cờ nào khác.

Đôi nét lịch sử

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cờ tướng đã có một lịch sử ít nhất khoảng 1200 năm. Cờ tướng vốn bắt nguồn từ Saturanga, một loại cờ cổ được phát minh tại Ấn Độ từ thế kỉ 5 đến thế kỉ 6. Sau đó, Saturanga đi về phía Tây để trở thành cờ vua và đi về phía Đông để trở thành cờ tướng. Cờ tướng được người Trung Hoa tiếp thu, cải tiến và hoàn thiện vào khoảng thế kỉ 8, mở rộng phạm vi đi quân cũng như thay đổi nhiều điểm về bố cục bàn cờ so với nguyên bản Saturanga. Thay vì dùng ô và hai màu để phân biệt ô như cờ vua, cờ tướng chuyển sang dùng đường để đi quân và đặt quân. Chỉ với động tác này, số điểm đi quân từ 64 vị trí (trong nguyên bản Saturanga) đã lên 81 vị trí. Người Trung Hoa tiếp tục đặt ra vị trí “hà” (sông) như là một biểu tượng về ranh giới hai quốc gia, số điểm đi quân tiếp tục được mở rộng từ 81 lên 90. Khi một ván cờ được chơi, giống như sự đối kháng/ chiến đấu giữa hai quốc gia, vị trí cung cấm (cửu cung) tiếp tục được đặt ra, mà những quân ở trong khu vực cung cấm đó (tướng và sĩ) không được phép di chuyển ra vị trí bên ngoài. Hình tượng cung cấm đã thể hiện rất rõ tư duy phương Đông khi bộc lộ một sự cách biệt đáng kể giữa quân vương và dân chúng.

Người Trung Hoa gọi cờ tướng là môn “tượng kì” và coi trò chơi này như một thứ quốc hồn quốc túy của dân tộc. Từ Trung Hoa, môn cờ tướng được truyền ra rộng rãi nhiều nước ở châu Á, trong đó phải kể tới những nước chơi cờ nhiều nhất gồm Việt Nam, Đài Loan và Singapore.

Những giai thoại về cờ

Biết bao tao nhân mặc khách cùng nhiều nhân vật nổi tiếng đã để lại những giai thoại thú vị về chơi cờ, lưu truyền mãi cho hậu thế. Thời Tam quốc, khi mời Hoa Đà đến cạo xương chữa độc, thay vì phải bịt mắt dùng vòng sắt giữ tay, Quan Vân Trường thản nhiên gọi rượu ra thết đãi Hoa Đà rồi bảo Mã Lương lại chơi cờ, điềm nhiên xắn tay áo lên cho Hoa Đà rạch thịt cạo xương. Hồi 50 Tam quốc diễn nghĩa (nguyên tác La Quán Trung, dịch giả Phan Kế Bính) viết: “Đà cầm dao rạch miếng thịt vào tận xương, thì thấy trên chỗ xương đã xanh cả ra. Đà cạo trên xương, tiếng kêu ken két, xung quanh ai trông thấy cũng lè lưỡi sởn gai. Quan Công thì cứ uống rượu đánh cờ, cười nói như không, tựa hồ không đau đớn chút nào”. Một nhân vật nổi tiếng khác của Trung Quốc là Vương Dương Minh (1472-1528), được coi là một trong bốn người thầy vĩ đại của đạo Nho, thuở nhỏ ham chơi cờ tới mức quên giờ về ăn cơm khiến mẹ giận, ném hết cả quân cờ xuống sông. Vương Dương Minh nuối tiếc khôn nguôi, ứng khẩu luôn một bài thơ mang tên Khốc tượng kì thi (Khóc cờ tướng) khiến mọi người xung quanh đều vỗ bàn khen ngợi: Tượng kì tại thủ nhạc du du/ Khổ bị nghiêm thân nhất đán đâu/ Binh tốt trụy hà giai bất cứu/ Tướng quân nịch thủy nhất tề hưu/ Mã hành thiên lí tùy ba khứ/ Sĩ nhập tam xuyên trục lãng lưu/ Pháo hưởng nhất thanh thiên địa chấn/ Tượng nhược tâm đầu vi nhân thu (Cờ tướng trên tay lạc thú thay/ Khổ nỗi mẹ nghiêm ném mất bay/ Binh tốt rớt sông không thể cứu/ Tướng quân đuối nước cũng đành thôi/ Mã phi ngàn dặm theo dòng nước/ Sĩ chốn ba sông sóng cuốn trôi/ Pháo gầm một tiếng long trời đất/ Tượng kia gục ngã ruột gan rơi). Những câu thơ viết thuở thiếu thời mà đã tỏ rõ một khí phách của đại trượng phu, quả nhiên sau này ông trở thành một vị tướng tài ba, văn võ song toàn, là trụ cột của triều đại Minh Vũ Tông.

Tương truyền Từ Hy Thái Hậu cũng rất thích chơi cờ, nhưng lại có tính hiếu thắng nên các người chơi đều thường phải nhường bà. Có một lần Từ Hy gọi Liên Kỳ là một thái giám trong cung, nổi tiếng về chơi cờ giỏi, đến để hầu cờ. Liên Kỳ không chịu nhường nhịn, tấn công như vũ bão. Mỗi lần ăn một quân của Từ Hy, Liên Kỳ lại nói: “Thần giết một con của lão Phật gia”. Từ Hy về sau giận quá không kiềm chế nổi đã ném mạnh quân cờ và quát: “Ta giết cả nhà ngươi”. Đáng thương cho Liên Kỳ chỉ vì không nhường một ván cờ mà cả nhà phải chết.

Cách chơi cờ của các kì thủ văn nhân trong lịch sử Trung Hoa cũng lưu lại nhiều câu chuyện độc đáo. Chẳng hạn Văn Thiên Tường thời Bắc Tống thường hẹn với Chu Tử Thiện là cao thủ vùng Giang Nam đến giữa sông để đấu cờ. Họ để bàn cờ làm bằng gỗ trên mặt nước, vừa du ngoạn vừa đánh cờ, chơi từ sáng cho tới hoàng hôn mới chịu trở về.

Còn ở Việt Nam, thi thánh Cao Bá Quát và đấng quân vương Tự Đức đã nhiều lần chơi cờ cùng nhau. Một trong những lần chơi cờ ấy để lại đôi câu đối nổi tiếng, tỏ rõ chí khí lẫm liệt của một nhà thơ sau này làm cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Khi cờ Tự Đức đang ở thế ưu, đôi mã được tự do bay nhảy, nhà vua đắc ý đọc: Lưỡng mã trì khu thiên lí địa (Đôi ngựa vẫy vùng muôn dặm đất). Cao Bá Quát không chịu lép, đã đáp lại rằng: Song xa truy kích cửu trùng thiên (Đôi xe đuổi đến chín tầng trời). Người Việt Nam yêu cờ đến mức trong dân gian tôn phong hẳn một người làm Trạng Cờ. Đó là Vũ Huyên, đỗ tiến sĩ năm Ất Mùi (1715), quê làng Mộ Trạch, Hải Dương. Vì thế mà có câu tục ngữ “rượu làng Mơ, cờ Mộ Trạch”. Tương truyền, Trạng Cờ Vũ Huyên đã cầm lọng đứng hầu khi vua Lê chơi cờ với sứ thần Trung Quốc, trên lọng đục một lỗ nhỏ để ánh nắng xuyên qua. Tia nắng cứ chiếu vào vị trí nào thì nhà vua cầm quân đi vị trí đó, nhờ thế đã thắng sứ thần Trung Quốc ba ván liên tiếp. Các thư tịch cổ như Đại Việt sử kí tục biên, Hải Dương phong vật chí, Kiến văn tiểu lục (Lê Quý Đôn) đều có những trang ghi chép về Trạng Cờ Vũ Huyên, chẳng hạn “từ khi sinh ra, ở giữa trán có gồ xương nổi lên như hình con cờ, lớn lên rất tinh thông về môn đánh cờ”. Cờ và việc chơi cờ còn đi vào trong nhiều câu tục ngữ ca dao của đời sống người Việt, chẳng hạn: Cờ ngoài bài trong, Vui như mở cờ trong bụng, Tai nghe trống điểm dưới ao/ Mải chơi cờ tướng quên chào bạn xưa, Tại mẹ với cha nên đôi ta lơ láo/ Như ngó vô bàn cờ xe pháo xa nhau…

Người Campuchia cũng có giai thoại liên quan đến cờ khá thú vị qua những câu chuyện truyền kì về Thơ Mênh Chây. Tương truyền nhà vua mở cuộc đi săn, quy định mọi người đều phải có ngựa nhưng lại dặn không ai được cho Thơ Mênh Chây mượn ngựa. Thơ Mênh Chây đành phải chạy bộ theo nhà vua vào rừng. Đến khu săn bắn, nhà vua mới hỏi: “Thơ Mênh Chây, ngựa ngươi đâu?”, tin chắc phen này có cớ để trị tội Thơ Mênh Chây. Thơ Mênh Chây miệng vẫn kêu hí hí, tay lôi quân “mã” kẹp giữa hai chân đưa ra bảo: “Thưa bệ hạ, ngựa của thần đây”. Thế là nhà vua đành chịu không bắt tội được.

Việc chơi cờ không chỉ bộc lộ cá tính, phong cách của mỗi kì thủ mà còn là cơ hội để sự sáng tạo, trí thông minh được phát huy lên tới tột đỉnh. Tuy đang bàn về cờ tướng của phương Đông nhưng thiết tưởng việc kể thêm một giai thoại cờ ở phương Tây cũng không hại gì. Trong bộ tiểu thuyết trứ danh Nếu còn có ngày mai của nhà văn Sydney Sheldon (Mĩ) có câu chuyện thật thú vị về một cô gái không biết đánh cờ mà dám thách đấu cùng một lúc với hai cao thủ đệ nhất quốc gia đang cùng nhau đi trên một du thuyền. Hai bàn cờ đã được bày tại hai phòng riêng để cô gái thi đấu cùng lúc với hai cao thủ. Cô gái rất thông minh khi dùng nước cờ của cao thủ này để thi đấu với cao thủ kia, nghĩa là thực chất hai cao thủ mới là những người thi đấu với nhau. Kết quả cả hai ván đều hòa và cô gái được coi là người thắng cuộc do đã có giao kèo thể lệ từ trước.

Cờ trong thơ Việt

Trong lịch sử thơ ca Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại, cờ đã đi vào khá nhiều tác phẩm nổi tiếng, làm nên những câu thơ in dấu mãi trong lòng người đọc, có sức sống lâu dài tới tận ngày hôm nay. Việc chơi cờ không chỉ là chơi cờ, mà còn gửi gắm qua đó bao tình cảm, suy tư, ý chí của con người. Trong kiệt tác Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du khi tả về cuộc tái ngộ đoàn viên Kim - Kiều sau 15 năm lưu lạc cũng đã dùng hình ảnh chơi cờ để nói về bình yên sau bao bão giông: Khi chén rượu khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên. Cũng nói về việc đôi lứa bên nhau chơi cờ, thơ nôm của Hồ Xuân Hương lại lấp lửng hai nghĩa thanh - tục, vừa tả chơi cờ lại vừa tả chuyện ân ái giữa chàng trai và cô gái: Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa/ Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên/ Hai xe hà chàng gác hai bên/ Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ/ Chàng lừa thiếp khi đương bất ý/ Đem tốt đầu dú dí vô cung/ Thiếp đang mắc nước xe lồng/ Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu (Đánh cờ). Đến thơ Nguyễn Khuyến, ông lại mượn việc chơi cờ để bày tỏ những ưu tư thời thế, bày tỏ nỗi bất đắc chí của một nhà Nho lỡ vận, muốn cứu dân giúp nước mà không thể: Cờ đương dở cuộc không còn nước/ Bạc chửa thâu canh đã chạy làng (Tự trào). Sang đến nửa đầu thế kỉ 20, trong tập Nhật kí trong tù, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có một bài thơ về đánh cờ, coi cờ tướng là bộ môn để luyện rèn tinh thần và ý chí. Người chơi cờ cũng giống như một tướng tài, một người lãnh đạo, phải có tầm nhìn xa rộng, phải có mưu trí biến hóa khôn lường: Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi/ Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài/ Tấn công, thoái thủ nên thần tốc/ Chân lẹ tài cao ắt thắng người/ Phải nhìn cho rộng, suy cho kĩ/ Kiên quyết không ngừng thế tấn công/ Lỡ nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công/ Vốn trước hai bên ngang thế lực/ Mà sau thắng lợi một bên giành/ Tấn công, phòng thủ không sơ hở/ Đại tướng anh hùng mới xứng danh (Học chơi cờ, bản dịch của Văn Trực - Văn Phụng). Trong bài thơ của Bác, có thể thấy hai câu thơ Lỡ bước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công đã thoát li khỏi tác phẩm và đi vào đời sống một cách rộng rãi, trở thành một dạng danh ngôn. Nó là lời khuyên phù hợp cho tất cả mọi người trong việc phải biết tận dụng cơ hội, vị trí, phải biết xét đến các nhân tố khách quan bên cạnh các yếu tố chủ quan. Một vị trí đắc địa có khi còn quan trọng hơn cả binh hùng tướng mạnh, có giá trị hơn nhiều so với những món lợi trước mắt.

Cờ tướng vốn là một trò chơi hai người. Giữa hai người bạn ấy bên cạnh bàn cờ nhiều khi còn là mối tình tri kỉ. Khi vắng bạn, có người một mình cũng mang bàn cờ ra để bày tự chơi. Đó là nỗi cô đơn của tuổi già khiến ta dễ mủi lòng, lại cũng kín đáo tỏ bày với bạn hiền niềm thương nhớ. Nhà thơ Tế Hanh đã chớp được khoảnh khắc này để viết nên một bài thơ bốn câu cô đọng: Nhớ bạn ngày xuân tìm đến bạn/ Về hưu nhà chật, cảm thêm tình/ Thuở xưa đá bóng hăm hai đứa/ Cờ tướng nay anh đánh một mình (Đánh cờ một mình). Một trong những thi sĩ đương đại yêu cờ nhất, phải kể đến Lê Kim Giao. Ông đã xuất bản cả một cuốn sách với tựa đề Thi kì song tuyệt, trong đó, mỗi thế cờ có một lời bình đậm chất văn học, dùng những bài thơ nổi tiếng để minh họa cho các thế cờ. Một trong những bài thơ về cờ của ông được nhiều người yêu thích là bài Hội cờ xuân, được khắc vào bia đá để tôn vinh tại chùa Vua (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nơi vẫn diễn ra lễ hội cờ hàng năm từ mùng 6 đến mùng 9 tết Nguyên đán: Xe pháo qua hà giữa tiết xuân/ Cần chi phong tướng mới cầm quân/ Thoắt mang ngựa đến tan thành cổ/ Bỗng vẫy voi ra giấu mẹo thần/ Bỏ ngỏ tiểu thành mưu cả nghĩa/ Chăm lo sĩ tốt xét từng phân/ Tháng giêng ngày 9 dâng hương nguyện/ Một khúc quân hành bốn bể ngân.

Than ôi, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn thuở xưa đã từng đem cả dãy núi Hoa Sơn để đặt cược vào một ván cờ với đạo sĩ Hi Di Trần Đoàn, để lại một giai thoại vô tiền khoáng hậu về cuộc cờ và thế sự. Có phải mỗi thời đại cũng như một ván cờ lớn còn cuộc đời mỗi con người như một ván cờ nhỏ, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cầm quân rồi chơi cho đến hết ván cờ ấy với đầy đủ những vui buồn khắc khoải nhân sinh: Bấm chân qua tuổi dại khờ/ Vẫn mê hồn trận cuộc cờ thế gian (Cao Xuân Sơn).

Theo VNQĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay817
  • Tháng hiện tại110,129
  • Tổng lượt truy cập3,080,039
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây