Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Tản văn: Tháng củ mật

Không biết tên gọi tháng củ mật có từ bao giờ, nhưng còn nhớ năm tôi lên 5 hoặc 6 tuổi gì đó, cứ gần đến Tết, khi cây đào già trước sân nhà lấm tấm nụ hoa, thày bu lại nhắc nhở anh em chúng  tôi phải cẩn thận mọi thứ vì đây là tháng củ mật, trộm cắp hay rình mò, chỉ đợi chủ nhà sơ hở là chúng khoắng hết tài sản, đồ đạc trong nhà.

Lúc ấy, thày bu dặn thì biết thế, song phải đến khi trưởng thành tôi mới hiểu rõ hơn về tháng củ mật. Cụ thể là tháng 12 âm lịch, là tháng sát Tết, hay còn gọi là tháng chạp được gọi là tháng “củ mật”. Củ mật là từ Hán Việt, trong đó “củ” có nghĩa gốc là trách, là xem xét, theo cách nói ngày nay là kiểm soát. Còn “mật” được dùng trong cẩn mật, ý chỉ sự kín đáo, không để lộ. Như vậy, củ mật mang ý nghĩa kiểm soát cẩn thận, xem xét mọi việc xung quanh.
111
Ngược dòng thời gian, trở về những năm của thế kỷ trước để thấy tháng củ mật ngày xưa có nhiều điều đáng nói, là một phần kỷ niệm khó quên trong ký ức của rất nhiều người, mỗi khi Tết đến xuân về.

Như đã nói ở trên, tháng củ mật tháng là tháng cuối cùng của năm, tháng sát tết âm lịch, vào thời gian này, không biết người ở thành thị thế nào, chứ nhà nông chúng tôi vô cùng bận rộn. Không hiểu sao công việc cứ dồn về cuối năm khiến nhà nhà bận ngập đầu, nhất là ngày 29-30 tết. Ngoài công việc đồng áng của nhà nông như; chăm sóc mạ, be bờ, cuốc góc, cho bèo dâu ăn, chuẩn bị ruộng, phân bón...để cấy vụ lúa chiêm, có nhà còn tranh thủ cấy trong năm, nhà nông chúng tôi còn một đống việc khác như như tát ao bắt cá chia cho mỗi nhà một ít để ăn Tết, sửa sang, quét dọn nhà cửa, sân vườn, mồ mả cho ông bà tổ tiên, thi thoảng lại còn giỗ chạp, đám cưới, đám hỏi...phải nói là bận tít mù, quay như chong chóng.

Những năm ấy, vào các ngày 28 đến 30 tết, khi màn đêm còn đang bao phủ khắp không gian, ngoài trời gió lạnh kèm theo mưa nhỏ lây phây, báo hiệu mùa xuân mới đang về. Thế mà từ hai rưỡi đến khoảng ba giờ sáng, dân làng đã í ới gọi nhau đi mổ lợn. tuy còn bé tôi vẫn lanh tranh xách chiếc đèn bão chạy theo thày lên xóm Đê đụng thịt lợn. Trong lúc đợi nước sôi để cạo lông lợn,cánh đàn ông truyền tay nhau chiếc điếu cầy, mấy bà phụ nữ nhặt rau thơm chuyện trò rôm rả. Một lúc sau vang lên tiếng lợn kêu eng éc, râm ran cả  làng trên, xóm dưới, thi thoảng lại có cả tiếng pháo nổ, gió đưa đến mùi thuốc pháo thơm thơm. Bữa cơm trưa hôm ấy, nhà nào ăn cũng xôm, lòng lợn, tiết canh đủ cả. Cơm nước xong xuôi, ngồi chưa nóng chỗ, người nhà đã giục nhau mỗi người một việc, người tranh thủ vo gạo nếp,  người đi vỡ đỗ xanh,người tất bật chuẩn bị củi lửa, rửa lá gói, luộc bánh chưng đến tận đêm khuya... chính vì thế ai cũng cảm thấy mệt bở hơi tai, chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng còn đi ngủ.

Những năm xa xưa ấy, đất nước ta còn nghèo lắm, như cái làng tôi ở phải có tới 50% số hộ gia đình trong thôn thiếu ăn vào những ngày giáp hạt. Thế nên trong làng, trong xã có những kẻ nảy sinh thói trộm cắp vặt, đúng là túng thiếu làm liều. Kẻ trộm lợi dụng đêm tối đen như mực của những ngày giáp tết, sự mệt nhọc, chểnh mảng, hớ hênh của các hộ gia đình tối đến quên không đóng cổng, khóa cửa, thu, cất dọn đồ đạc để rình mò rồi lẻn vào ăn cắp quần áo, xong nồi, giò chả, bánh chưng, khiến 3 ngày tết của khổ chủ “buồn như trấu cắn”.

Còn nhớ năm ấy, bu tôi nuôi được một đàn gà trống thiến, con nào cũng béo núng nính, nặng khoảng 4kg/con. Bà dự định gần tết sẽ mang gà đi chợ Thi bán rồi mua cho mỗi anh em tôi một bộ quần áo mới. Nào ngờ, hôm ấy, khi dậy sớm để bắt gà mang đi chợ, dưới ánh đèn dầu, bu tôi vẫn phát hiện rồi hốt hoảng kêu lên trộm bắt hết gà nhà mình rồi. Nhìn vào chuồng gà trống rỗng, thày tôi bảo thằng trộm này rất là ma quái, nó dùng dọc của cây khoai ngứa, hơ hơ qua lửa cho nhũn nhũn rồi khẽ chọc, lia vào chân con gà, giống như con rắn nên khi thò tay bắt, gà không một tiếng kêu. Tiếc của, bu tôi bỏ cả buổi chợ ở nhà chửi đứa nào dám cả gan vào chuồng bắt gà của bà đúng một buổi sáng, đến nỗi khản đặc cả cổ, mất hết cả tiếng. Dĩ nhiên, tết năm ấy, anh em tôi buồn tiu nghỉu vì không có quần áo mới diện đi chơi Tết.

Từ lần ấy, hàng năm, mỗi khi đến tháng chạp, nhà tôi nêu cao cảnh giác, em chúng tôi thu dọn đồ đạc, đóng cổng, cửa trước khi đi ngủ. Chính quyền các cấp cũng thường xuyên nhắc nhở người dân tăng cường củ mật để ngăn ngừa trộm cắp.

Ngày nay, kinh tế xã hội phát triển, cuộc sống no đủ hơn rất nhiều, mỗi khi màn đêm buông xuống, ánh điện lại sáng lên lung linh, dù là tháng củ mật trời đêm có tối đến đâu, thì từ làng quê đến thành thị đâu đâu điện cũng sáng như ban ngày đã phần nào hạn chế sự rình mò, trộm cắp của kẻ gian. Tuy nhiên mỗi gia đình chúng ta vẫn cần nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ gìn an ninh trật tự đón xuân mới trong niềm hạnh phúc, bình yên.
                                                            
  Nguyễn công Đản
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây