Chân dung người của một thời: CỐ BÍ THƯ TỈNH UỶ LÊ QUÝ QUỲNH
Thứ ba - 07/12/2021 10:19
Trong thời kỳ xây dựng đất nước giai đoạn 1960-1969 trên miền Bắc nổi lên hai bí thư tỉnh uỷ: một là ông Kim Ngọc bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú - miền Trung du, hai là ông Lê Quý Quỳnh ở Hưng Yên - miền đồng bằng. Cả hai ông đều có sáng kiến "khoán sản phẩm tới xã viên hợp tác xã nông nghiệp". Hưng Yên từ năm 1963 đã có thí điểm "khoán chui" tại một đội sản xuất ở xã Đức Hợp, huyện Kim Động. Còn ở Vĩnh Phú khoán sản phẩm từ năm 1967. Song song với phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp - những năm đầu của thập kỷ sáu mươi (1960-1963) của thế kỷ trước, Hưng Yên nổi lên nhất miền Bắc về phong trào làm thuỷ lợi, bổ túc văn hoá và xây dựng gia đình văn hoá mới, xây dựng nếp sống mới. Năm 1961 - 1963 Hưng Yên đón nhận lá cờ đầu của Trung ương, "Tỉnh làm thuỷ lợi khá nhất miền Bắc". Trong một bài báo dài đăng trên báo Hưng Yên số ra 25/2/1962 ông Lê Quý Quỳnh bí thư tỉnh uỷ viết có đoạn: "Trong ba năm bên cạnh cuộc cách mạng xã hội vĩ đại là hợp tác xã nông nghiệp nhân dân tỉnh ta đã đạt được thành tích to lớn trên mặt trận thuỷ lợi. Từ Cống Xuân Quan (Văn Giang) xuyên qua hệ thống Bắc Hưng Hải (Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương) tỉnh ta đã giăng một mạng lưới thuỷ lợi khổng lồ. Những mạch máu ấy đã làm cho bộ mặt Hưng Yên đang từng giờ từng phút thay da đổi thịt. Có ai quên được rằng, đã có một thời kỳ nước đối với nhân dân Hưng Yên quí hơn thuốc đối với người bệnh. Sau tám mươi năm thống trị dân ta, thực dân Pháp chỉ để lại cho đất Hưng Yên năm cái cống nhỏ và con đê mỏng manh đã từng bị vỡ mười tám năm. Và sông Hồng như người tình bạc bẽo hững hờ chảy qua Hưng Yên đổ phí hàng ngàn khối nước phù sa ra biển cả trước sự thèm khát của nhân dân. Nước cày cấy chỉ biết trông vào trời. Trời thì mỗi năm tám, chín tháng không mưa... ngày mới hoà bình (1954) trên 10 vạn người có không có gạo ăn... chỉ riêng một xã Hoàn Long (Yên Mỹ) có năm đã có 30 người chết khát và hàng trăm người bệnh tật vì uống nước bẩn.."
Từ thực tế làm thuỷ lợi thắng lợi, ông Lê Quý Quỳnh khẳng định làm thuỷ lợi ở Hưng Yên lợi nhiều mặt, về tưới tiêu lúa, rau màu, đi lại giao thông thuận tiện, nuôi cá, săn bắt thuỷ sản phát triển. Trong ba năm ấy Hưng Yên xây dựng hệ thống thuỷ lợi có độ dài 3218 km, dài gấp đôi con đường số 1 Hà Nội - Sài Gòn, với khối lượng đào đắp 24 triệu mét khối đất.
Ngày 15/9/1961, Bác về thăm Hưng Yên dự hội nghị thuỷ lợi toàn miền Bắc (họp tại nhà Thành thị xã Hưng Yên, nay là trung tâm GDTX tỉnh) đã trao tặng cờ cho nhân dân Hưng Yên. "Tỉnh làm thuỷ lợi khá nhất miền Bắc năm 1961". Ông Lê Quý Quỳnh đã thay mặt Đảng bộ, nhân dân Hưng Yên nhận phần thưởng cao quý này trực tiếp từ tay Bác trao.
Những năm tháng hào hùng ấy, Hưng Yên còn đưa hàng vạn nông dân đi khai hoang Tây Bắc. Trước khi đưa dân đi lên miền ngược phát triển kinh tế, ông Lê Quý Quỳnh đã đến Sơn La nơi bà con Hưng Yên sẽ đến - để khảo sát đặc điểm, tình hình đời sống của đồng bào dân tộc. Tại Sơn La, ông nhìn thấy từng đàn ong rừng hút mật hoa rừng, ông liền sinh ý tưởng đem ong rừng về Hưng Yên nuôi, bởi Hưng Yên có cả một rừng nhãn, cuối mùa xuân hoa nhãn vàng rực nở - đấy chính là tiềm năng - nuôi ong lấy mật nhãn. Ong lấy mật hoa nhãn, mật ong thơm đậm đến tuyệt vời. Về tỉnh uỷ, ông Lê Quý Quỳnh cử ngay ông Nguyễn Trọng Thuần, một cán bộ văn phòng tỉnh uỷ trực tiếp nuôi mấy chục hòm ong, đặt dưới các gốc nhãn xung quanh cơ quan tỉnh uỷ. Năm ấy, nhân chuyến đi thực tế ở Hưng Yên, Chế Lan Viên viết:
"Ong bay nhà khu tỉnh uỷ Hưng Yên Mật đồng bằng mùa nhãn ngọt lịm môi em" Huy Cận thì viết: "Đàn ong di động Hưng Yên Mùa hoa rồi đó trăm miền tìm hoa... Hương thơm ba ngả bốn bề Sáp thơm mật ngọt tụ về Hưng Yên"
Từ năm 1961 đến 1966 các phong trào của Hưng Yên hầu như đều nhất nhì miền Bắc. Về bổ túc văn hoá được bác Tôn Đức Thắng thay mặt BCH Trung ương Đảng trao cờ "Tỉnh dẫn đầu bổ túc văn hoá" toàn miền Bắc cho tỉnh Hưng Yên (tháng 2-1962). Ba nữ được phong tặng anh hùng lao động nông nghiệp: Phạm Thị Vách, Vũ Thị Tỵ, Lê Thị Lục. Trong 5 năm ấy, hàng trăm văn nghệ sĩ ở Trung ương về thăm và sáng tác ở Hưng Yên - có người về vài ngày, vài tháng, có người ở đến 5 năm như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Khi Hưng Yên trồng đay để xuất khẩu tơ đay, ông Lê Quý Quỳnh đã trực tiếp mời nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sang gặp để gợi ý viết bài về cây đay. Bài hát "Chim hót trên cánh đồng đay" ra đời là ý tưởng của bí thư tỉnh uỷ Lê Quý Quỳnh. Ngày tái lập tỉnh ca khúc này được chọn làm nhạc hiệu của Đài phát thanh và truyền hình Hưng Yên.
Là người có năng lực, uy tín, học tập đạo đức tư tưởng Bác Hồ, ông Lê Quý Quỳnh sống giản dị, gần dân, gần gũi đồng chí, được cấp trên, dưới kính nể tôn trọng. Từ năm 1959 đến năm 1968 suốt ba nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá IV, (1959-1960), khoá V (1960-1963), Khoá VI (1963-1968) ông đều đắc cử Bí thư tỉnh uỷ với số phiếu cao. Tháng 2-1968 quốc hội có quyết định sát nhập Hưng Yên với Hải Dương - Thành tỉnh Hải Hưng, ông được Trung ương Đảng chỉ định làm bí thư tỉnh uỷ, rồi phó bí thư thường trực tỉnh uỷ Hải Hưng hai nhiệm kỳ... sau đó lần lượt giữ các cương vị thứ trưởng bộ nông nghiệp, phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội nuôi ong Trung ương. Suốt trên 10 năm ở cương vị bí thư tỉnh uỷ, ông được đón Bác Hồ 8 lần về thăm Hưng Yên. Trong tổng số 10 lần, hai lần trước Bác về Hưng Yên là năm 1946.
Ông Lê Quý Quỳnh là một bí thư tỉnh uỷ mẫu mực, gương mẫu, làm trước nói sau. Ông có một con trai độc nhất là Vương Đình Cung, năm 1965 đang là sinh viên năm thứ hai trường Đại học nông nghiệp 1 đã hăng hái tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu và anh đã hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên.
Trước khi viết đơn nhập ngũ Cung có hỏi ý kiến ông. Không một chút lăn tăn, do dự, ông trả lời: "Với con cần phải nhập ngũ vì đất nước lúc này miền Nam đang cần miền Bắc chi viện cho miền Nam... mà con là thanh niên trẻ khoẻ mà...". Là con trai độc nhất của một cán bộ cấp cao, Vương Đình Cung không ỷ lại vào quyền lực của cha để ở lại học tập. Chắc chắn thời ấy, ở miền Bắc chưa có một ông bí thư tỉnh uỷ nào như ông Lê Quý Quỳnh dám cho con mình đi vào Nam chiến đấu, để sẵn sàng cận kề với sự sống còn như thế.
Ông Lê Quý Quỳnh là một người như vậy! Ông coi Tổ quốc trên hết, vì đồng bào, đồng chí Hưng Yên trên hết. Nếu xét quá trình hình thành và phát triển của đất và người Hưng Yên - thời kỳ hưng thịnh của phố Hiến thế kỷ 17 là do đóng góp công lao không nhỏ là trấn thủ Sơn Nam Lê Đình Kiên, thì thời kỳ 1958-1968 bí thư tỉnh uỷ Hưng Yên Lê Quý Quỳnh đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Hưng Yên góp phần làm lên những bảng vàng thành tích rực rỡ trên mọi lĩnh vực đảy lùi hạn hán, nâng cao trình độ văn hoá trong phong trào bổ túc văn hoá, xây dựng phong trào nếp sống gia đình văn minh ... Trên hết nhân dân trong tỉnh sống trong ấm no, hạnh phúc. Đấy là cống hiến to lớn của tập thể BCH tỉnh uỷ - nhưng trên hết công đó ít nhiều thuộc về người lãnh đạo cao nhất ông Lê Quý Quỳnh.
Ông Lê Quý Quỳnh tên khai sinh là Vương Văn Thành, sinh ngày 27-6-1923 tại thôn Hoàng Lê, xã Phan Đình Phùng, huyện Mỹ Hào. Mất ngày 4-7-2012 tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 91 tuổi. Ông là niềm tự hào của nhân dân Hưng Yên, cùng với cụ Học Phi cố Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh Hưng Yên thời kỳ cách mạng tháng 8-1945. Cả hai rất xứng đáng được mang tên đường phố của thành phố Hưng Yên. Ý nguyện ấy của nhân dân Hưng Yên mong trở thành hiện thực vào dịp kỷ niệm 190 ngày thành lập tỉnh Hưng Yên, 80 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên.