LTS: Phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 ngày 21/11/2023 đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023-2024”, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam. Việc UNESCO vinh danh Lê Hữu Trác là một sự ghi nhận to lớn đối với những công lao, đóng góp, cống hiến của ông cho nền y học, văn học, văn hóa dân tộc Việt Nam cũng như toàn nhân loại. Nhân dịp này, Người làm báo Hưng Yên trân trọng giới thiệu đôi nét về thân thế cuộc đời, sự nghiệp của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác – Danh nhân văn hóa thế giới.
Lê Hữu Trác sinh ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn 1724 tại thôn Văn Xá, xã Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, ông là người con thứ 7 của Đệ tam Giáp đồng tiến sỹ Lê Hữu Mưu và phu nhân là Bùi Thị Thưởng.
Sau khi rời kinh thành Thăng Long về Hương Sơn, năm 1783 Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác viết xong tập ký “Thượng kinh ký sự” có giá trị cao về văn học nghệ thuật bằng chữ Hán, tả quang cảnh kinh đô, cuộc sống xa hoa trong phủ chúa Trịnh cũng như uy quyền, thế lực của nhà chúa và nhiều điều mắt thấy tai nghe khác. Cùng với đó Lê Hữu Trác bổ sung, chỉnh lý viết thêm tập “Vận khí bí điển năm 1786”. Qua các tác phẩm “Lĩnh Nam bản thảo”, “Thượng kinh ký sự”... cho thấy Lê Hữu Trác không những là danh y có nhiều cống hiến cho dân, cho nền y học nước nhà ông còn là một nhà văn, nhà thơ nhà tư tưởng lớn của thời đại, ông mất ngày 15 tháng Giêng năm Tân Hợi (1791) tại Bầu Thượng nay thuộc xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Với những đóng góp, công lao to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cho nền y học dân tộc, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân có nhiều việc làm thiết thực để tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ công lao của ông. Hiện nay, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đang được thờ tại Y miếu Thăng Long (Hà Nội), Tiên y miếu (Thừa Thiên Huế) Quần thể di tích lịch sử - Văn hóa Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đuộc xếp hạng di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990 tại huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên quê cha và huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh quê mẹ. Tên của ông được đặt cho nhiều tuyến phố, con đường, trường học, tượng đài của ông có ở 37/63 tỉnh thành trong cả nước.
Hằng năm vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch, Tỉnh ủy, HĐND-UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ dâng hương và tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại quê hương Liêu Xá (Yên Mỹ) nhằm ôn lại thân thế, sự nghiệp và tưởng nhớ Đại danh y đã có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền y học cổ truyền nước nhà.
Sinh ra và lớn lên trong một dòng tộc có bề dầy về gia phong, nền nếp và đậm nét lễ giáo phong kiến. Ông nội Lê Hữu Trác là cụ Lê Hữu Danh đỗ Hoàng giáp năm 1670. Bác ruột của Lê Hữu Trác là Lê Hữu Hỷ, chú ruột là Lê Hữu Kiểu và Lê Hữu Dung em họ Lê Hữu Trác đều đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ nên Lê Hữu Trác được giáo dục chu đáo và nghiêm khắc từ nhỏ. Với tư chất thông minh, tài năng thiên bẩm Lê Hữu Trác nuôi chí làm quan để nối nghiệp cha ông về con đường khoa bảng và quan trường.
Năm 1739, cụ thân sinh qua đời, khi ấy Lê Hữu Trác mới 15 tuổi đã phải chịu cảnh mồ côi cha, ông dời kinh thành Thăng Long về quê chịu tang cha. Thời gian này, ông vừa chăm lo việc nhà vừa tiếp tục đèn sách. Tuy nhiên, bối cảnh nước Đại Việt ngày ấy vô cùng rối loạn, vua Lê chúa Trịnh ở đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở đàng Trong luôn hạch sách nhũng nhiễu nhân dân. Nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra ở Bắc, Trung, Nam. Lê Hữu Trác phải tạm gác bút nghiên, tập luyện võ nghệ, nghiên cứ binh thư để gia nhập quân đội. Ở môi trường quân đội không lâu Lê Hữu Trác nhận thấy bản chất thực của chính quyền đàng Ngoài tuyển quân không phải để bảo vệ quốc gia mà để đàn áp khởi nghĩa nông dân nên ông đã viện cớ để được về quê phụng dưỡng mẹ già và nuôi cháu nhỏ thay người anh mới qua đời để rời quân ngũ.
Thời gian đang ở quê mẹ Hương Sơn, Hà ĩnh, Lê Hữu Trác mắc trận ốm nặng, sức khỏe sa sút nghiêm trọng song ông vẫn phải gánh vác nhiều công việc gia đình nên sức khỏe lại càng yếu. Chỉ đến khi vượt sông Lam sang Nghệ An, ông được thầy thuốc Trần Độc chữa trị gần 1 năm trời thì khỏi bệnh. Đây cũng là thời gian ông “bén duyên” với nghề y. Vì tin tưởng và yêu mến nên thầy Trần Độc đã truyền trao sở học và tay nghề làm thuốc cứu người cho Lê Hữu Trác. Với tư chất thông minh lại ham học hỏi nên Lê Hữu Trác nhanh chóng tiếp thu và hiểu sâu y lý, càng ngày càng thêm say mê về y thuật và quyết chí theo đuổi nghề bốc thuốc cứu người.
Ở quê mẹ Hương Sơn ông làm nhà cạnh bìa rừng, đặt tên hiệu Hải Thượng Lãn Ông với ý nghĩa; Hải Thượng là hai chữ đầu tiên của quê hương ông (tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng), Lãn Ông – nghĩa là Ông Lười với ngụ ý chán công danh, quyền thế.
Suốt mấy chục năm hành nghề bằng những cây cỏ mọc trong rừng, trong vườn nhà, ngoài bìa đường như: quế chi, hà thủ ô, rau ngải... Lê Hữu Trác đã chữa khỏi bệnh cho hàng ngàn người. Không chỉ tâm huyết, trong việc chữa bệnh cứu người, Lê Hữu Trác còn dành nhiều công sức, thời gian để dạy dỗ học trò và viết sách về y học để lại cho hậu thế. Từ khi hành nghề chữa bệnh cứu người, Lê Hữu Trác đã nhiều lần ra kinh thành Thăng Long để học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, trao đổi y thuật, nâng cao tay nghề. Lần thứ nhất ông ra kinh đô Thăng Long là vào năm 1756. Đến ngày 12 tháng 1 năm Cảnh Hưng 43 (1782) Lê Hữu Trác nhận được lệnh chúa triệu về kinh, lúc này ông đã 62 tuổi, sức yếu, lại muốn xa lánh chốn công danh, nhưng do theo đuổi nghiệp y đã mấy chục năm mà bộ “Tâm lĩnh” chưa in được, “không dám truyền thụ riêng ai, chỉ muốn đem ra công bố cho mọi người cùng biết, nhưng việc thì nặng, sức lại mỏng, khó mà làm được...” (Thượng kinh ký sự), ông hy vọng ra kinh đô lần này có thể thực hiện việc in bộ sách. Vì vậy ông vâng lệnh chiếu chỉ của chúa Trịnh Sâm, chia tay gia đình, học trò rời Hương Sơn lên đường ra kinh đô vào phủ chúa bắt mạch, kê đơn thuốc cho thế tử Trịnh Cán. Ông được chúa Trịnh Sâm khen “hiểu sâu y lý” ban thưởng cho 20 suất lính hầu và bổng lộc ngang với chức quan kiểm soát bộ Hộ để giữ ông ở lại kinh thành. Thời gian ở kinh đô, chúa Trịnh cho phép ông về thăm cố hương Liêu Xá, không lâu sau ông lại có lệnh triệu về kinh do chúa Trịnh Sâm bị ốm nặng. Về kinh, ông chữa cho Trịnh Sâm khỏi bệnh, rồi miễm cưỡng tiếp tục chữa bệnh cho Trịnh Cán. Trịnh Sâm lại trọng thưởng cho ông.
Trở lại công việc viết sách của Lê Hữu Trác, sau mấy chục năm tận tụy với nghề nghiệp, Lê Hữu Trác nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển; Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ..., kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, hệ thống hóa tinh hoa của lý luận đông y, cùng với những sáng tạo đặc biệt... Lê Hữu Trác viết nên bộ “Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển nội dung bao hàm đủ các mặt về y học, y đức, y lý, y thuật, Dược, Di dưỡng. Tác phẩm kế thừa quan điểm chữa bệnh của Thiền sư Tuệ Tĩnh “Nam dược trị Nam nhân” với sự bổ sung hơn 300 vị thuốc, thu thập gần 3000 bài thuốc lưu truyền trong dân gian.