Cần sửa Luật Ngân sách nhà nước theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương
Thứ sáu - 25/10/2024 15:41
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, cần sửa Luật Ngân sách nhà nước theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương để tạo tính chủ động trong thu, chi ngân sách, cũng như công tác dự báo tình hình ngân sách của năm 2025 đúng, trúng, sát với tình hình thế giới, tình hình trong nước.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2024, dự toán thu ngân sách nhà nước thực hiện 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2023. Đánh giá cả năm ước tăng 10,1% so dự toán; cơ bản ước các lĩnh vực thu ngân sách nhà nước đều đạt và vượt dự toán giao. Về chi ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 59,3%, ước cả năm 2024 tăng 7,7% so dự toán.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cử tri, Nhân dân. Bởi, ngân sách nhà nước không chỉ tác động đến việc điều hành kinh tế trong ngắn hạn, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế trong dài hạn.
Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Chính phủ Báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.
Bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho rằng, Chính phủ cần sớm đề xuất Quốc hội sửa đổi một số điều của Luật Ngân sách nhà nước để phù hợp với các luật hiện hành, theo phương án một luật sửa nhiều luật.
+ Thưa Đại biểu Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Đại biểu đánh giá như thế nào về việc thực hiện ngân sách nhà nước trong thời gian qua?
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng: Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024 cho thấy, những cơ hội và thách thức đan xen, nhiều khó khăn khôn lường, đặc biệt là tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, không đồng đều và được dự báo sẽ giảm, sự trỗi dậy của làn sóng bảo hộ thương mại… ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và nguồn thu thiếu tính ổn định.
Hơn nữa, cơn bão số 3 xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình thu ngân sách, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống Nhân dân.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, năm 2024, thu ngân sách vượt trên 10,1%. Điều này cho thấy thu ngân sách đảm bảo cân đối chi, nhờ vậy chi đầu tư công, chi đầu tư phát triển xã hội cũng được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ.
Tuy nhiên, công tác dự báo, xây dựng dự toán thu ngân sách năm 2024 vẫn chưa sát, chưa đúng, chưa trúng, nên ảnh hưởng đến chính sách tài khóa, nhất là chi ngân sách. Do vậy, cần có sự phân tích sâu hơn, kỹ hơn về nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan để xây dựng dự toán ngân sách hàng năm hiệu quả hơn.
+ Trong bối cảnh còn khó khăn, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, đặc biệt là chuẩn bị vốn cho các đại dự án như đường sắt tốc độ cao, các dự án giao thông trọng điểm… Theo Đại biểu, việc quản lý ngân sách nhà nước trong thời gian tới cần lưu ý vấn đề gì?
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng: Tôi cho rằng, để quản lý ngân sách nhà nước trong thời gian tới tốt hơn, đảm bảo an toàn về nợ công, bội chi ngân sách, cũng như tăng các nguồn thu mang tính chủ động, Chính phủ cần sớm đề xuất Quốc hội sửa đổi một số điều của Luật Ngân sách nhà nước để phù hợp với các luật hiện hành, theo phương án một luật sửa nhiều luật.
Trong đó, việc sửa Luật Ngân sách nhà nước theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương để tạo tính chủ động trong thu, chi ngân sách, cũng như công tác dự báo tình hình ngân sách của năm 2025 đúng, trúng, sát với tình hình thế giới, tình hình trong nước. Việc sửa luật cũng sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, chủ động, linh hoạt và đẩy nhanh tiến độ giao vốn cho các công trình, dự án này.
Ngoài ra, cũng cần cân đối thu, chi ngân sách để đảm bảo vốn cho các công trình quan trọng quốc gia như hệ thống đường cao tốc. Đặc biệt là chuẩn bị nguồn vốn đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao cần nguồn vốn lớn, cần dự báo, phân tích kỹ hơn về tình hình nợ công, kiểm soát lạm phát để trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua có đầy đủ cơ sở thực tiễn, cùng với Chính phủ trong quá trình điều hành tài chính, ngân sách đảm bảo linh hoạt, an toàn, bền vững.
Tôi cũng nhất trí với kiến nghị của Chính phủ, theo đó, trong năm 2025 sẽ hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách có tác động giảm thu ngân sách nhà nước để bảo đảm huy động đủ nguồn ngân sách cho các nhiệm vụ chi quan trọng quốc gia. Đồng thời, xử lý bù mặt bằng chi ngân sách cho một số địa phương không thấp hơn dự toán năm 2023 và tăng số bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương. Trong năm 2025, chưa xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tăng lương khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp người có công.
+ Cũng tại Kỳ họp này, Chính phủ báo cáo Quốc hội Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027, Đại biểu đánh giá như thế nào về phương án Chính phủ trình và cần tập trung ưu tiên vào lĩnh vực gì?
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng: Điều hành ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027 là nhiệm vụ quan trọng, tác động trực tiếp đến kinh tế-xã hội của đất nước, cũng như vấn đề nợ công và kiểm soát lạm phát. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ phân tích, rà soát kỹ ngân sách dành cho công tác cải cách tiền lương, đảm bảo nguồn chi hợp lý, đúng lộ trình như Nghị quyết của Quốc hội. Phân tích nguồn thu, đặc biệt là có các chính sách nuôi dưỡng nguồn thu và dự báo sát, đúng, trúng hơn.
Thời gian qua, việc xây dựng dự toán nguồn thu, trong đó có giá dầu thô (70-80.000 đồng/thùng) vẫn chưa có cơ sở; hay cần phân tích rõ hơn thu từ đất đai khi Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở được thông qua cũng có tác động đến nguồn thu; phân tích kỹ hơn nguồn thu từ việc thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước… Đây là những nguồn thu lớn, cần có dự báo, phân tích kỹ lưỡng để công tác điều hành chi ngân sách phù hợp, trong đó cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các dự án quan trọng quốc gia đang trông chờ vào nguồn thu lớn này.