“Sữa giả, thuốc giả, lòng se điếu giả, chỉ có bệnh ung thư là thật” - một câu nói châm biếm nhưng thật đắng lòng, phản ánh hiện trạng hàng giả tràn lan trong xã hội, nơi mà cái giả chiếm lĩnh thị trường, còn cái thật lại là bệnh tật và nỗi đau mà người dân phải gánh chịu.
Hàng giả hoành hành, sức khỏe người dân bị đe dọa
Từ sữa bột cho trẻ em, thuốc điều trị bệnh, thực phẩm chức năng, cho đến cho đến những món ăn rất đời thường “lòng se điếu” - không thứ gì là không thể bị làm giả. Thị trường xuất hiện ngày càng nhiều loại sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, đánh lừa người tiêu dùng bằng mẫu mã tinh vi và quảng cáo mập mờ.
Hiện trường số thuốc giả cơ quan chức năng phát hiện tại Thanh Hóa thời gian gần đây
Trong khi đó, hệ quả thực tế lại là những ca ngộ độc, dị ứng, suy gan, suy thận, thậm chí ung thư – những căn bệnh quái ác ngày càng phổ biến, đặc biệt ở người trẻ. Điều đáng sợ là, trong khi mọi thứ đều có thể bị làm giả, thì bệnh tật lại là thật. Ung thư, một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay – lại đang gia tăng không ngừng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam ghi nhận trên 180.000 ca mắc ung thư mới và trên 120.000 ca tử vong, với hơn 354.000 người đang sống chung với bệnh. Đáng lo ngại, tỷ lệ mắc ung thư đang gia tăng và ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Mỗi người trong chúng ta ai cũng đặt câu hỏi: Tại sao ung thư lại ngày càng phổ biến, đặc biệt ở những người trẻ? Một trong những câu trả lời không thể bỏ qua chính là việc con người đang bị đầu độc bởi thực phẩm bẩn, thuốc kém chất lượng, hóa chất độc hại len lỏi vào sinh hoạt hằng ngày. Tình trạng này không chỉ là câu chuyện về đạo đức kinh doanh, mà còn là một vấn đề an ninh sức khỏe cộng đồng đáng báo động.
Khủng hoảng niềm tin trong xã hội
Bộ Công an công bố danh sách 84 sản phẩm sữa đã thu giữ trong vụ án sữa giả
Khi cái giả có thể len lỏi khắp nơi, từ bàn ăn đến tủ thuốc – thì điều dễ mất nhất chính là niềm tin. Khi niềm tin vào thị trường bị phá vỡ, khi người tiêu dùng không còn biết đâu là thật, đâu là giả, thì hệ quả xã hội không chỉ dừng lại ở những con số thương vong. Đó là sự lo lắng, hoang mang kéo dài, là tâm lý “sống chung với rủi ro”, là khoảng cách ngày càng xa giữa người dân và niềm tin vào cơ quan quản lý. Khủng hoảng niềm tin chính là thứ virus nguy hiểm nhất trong xã hội hiện đại – không có thuốc đặc trị và lây lan theo từng vụ việc bị phanh phui.Người dân trở nên hoang mang, hoài nghi mọi thứ. Họ không còn dám tin vào tem chống hàng giả, không tin vào lời quảng cáo, thậm chí nghi ngờ cả các chứng nhận và kiểm định được cấp bởi cơ quan chức năng.
Lòng se điếu trắng bóng bắt mắt nhưng có thể chứa hóa chất độc hại
Sự khủng hoảng niềm tin này là hệ lụy lớn và lâu dài. Nó không chỉ làm rạn nứt mối quan hệ giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, mà còn đẩy xã hội vào trạng thái phòng thủ, dè chừng, nơi mọi người sống trong tâm thế sợ hãi, nghi ngờ và cam chịu.
Trách nhiệm không thể đổ cho người dân
Rõ ràng, người dân không có đủ điều kiện và công cụ để phân biệt thật – giả giữa một rừng sản phẩm được bày bán công khai. Trách nhiệm ở đây thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, những đơn vị có chức năng kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.
Đường dây thuốc giả "khủng" hoạt động suốt 4 năm, tuồn khắp thị trường
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm, thuốc giả có thể bị phạt đến 20 năm tù hoặc chung thân nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong thực tế, số vụ việc được đưa ra ánh sáng còn ít so với thực trạng. Việc xử lý cũng chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng “nhờn luật” ngày càng phổ biến.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí và pháp luật
Báo chí đóng vai trò then chốt trong việc phanh phui những đường dây sản xuất, phân phối hàng giả. Nhiều phóng sự điều tra đã góp phần đưa các vụ việc ra ánh sáng, thúc đẩy cơ quan chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, báo chí không thể đơn độc trong cuộc chiến này. Pháp luật cần được thực thi nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời, người tiêu dùng cần được hỗ trợ về mặt thông tin, được bảo vệ quyền lợi một cách thực chất, không chỉ bằng lời hứa.
Các bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Khoa Hóa trị, Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy
10 loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam năm 2020 gồm: ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng,
ung thư trực tràng, bệnh bạch cầu, ung thư tuyến tiền liệt , ung thư vòm họng và ung thư tuyến giáp.
“Chỉ có bệnh ung thư là thật” không chỉ là một câu nói mang tính châm biếm, mỉa mai. Mà là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc về một xã hội nơi lòng tham đang lấn át lương tri, nơi cái giả có thể được sản xuất hàng loạt, nhưng cái chết và bệnh tật là điều không ai có thể làm giả. Khi những điều giả dối tiếp tục tồn tại và hoành hành, thì chính con người, với những nỗi đau thật sự, là người phải trả giá. Nếu chúng ta không hành động ngay hôm nay: bằng luật pháp, bằng đạo đức nghề nghiệp, bằng sự tỉnh táo và dũng cảm, thì ngày mai, cái “thật” duy nhất còn lại có thể sẽ không chỉ là… ung thư.