Chuyên gia Phạm Chi Lan: Nền kinh tế sẽ khó khăn khi doanh nghiệp FDI lớn rút chân!

Thứ tư - 17/02/2021 10:45
“Người ta vẫn nói kinh tế Việt Nam sẽ khó khăn rất nhiều khi các doanh nghiiệp FDI lớn rút chân đi, điều này rất đúng bởi loại bỏ FDI, chúng ta còn có những gì làm trụ cột quốc gia?”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.
111
Bà Phạm Chi Lan: Rất đáng lo ngại khi xuất nhập khẩu hiện nay có đến 70% giá trị nằm trong tay các doanh nghiệp FDI.

Xuất, nhập khẩu nằm trong tay doanh nghiệp FDI 

Chia sẻ với báo chí mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại nền kinh tế quá phụ thuộc vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không chỉ nguy cơ hình thành hai nền kinh tế của một quốc gia mà còn đầy rủi ro khi FDI rút chân, kinh tế Việt Nam rơi vào trạng thái “rỗng ruột”.

Theo bà Lan, hiện tượng này càng đáng lo ngại hơn bởi xuất nhập khẩu hiện nay có đến 70% giá trị nằm trong tay các doanh nghiệp FDI, trong khi đó, yêu cầu, điều kiện để các TNCs lớn trên thế giới ở Việt Nam phải chuyển giao công nghệ, đầu tư chiều sâu bằng nghiên cứu, phát triển (R&D) vẫn khá mù mờ.

Bà Lan cho rằng trong khi FDI phần lớn là sử dụng Việt Nam làm điểm gia công hàng hóa, cầu xuất khẩu do tự doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chỉ chiếm chưa đến 30%, còn 72% giá trị xuất khẩu vẫn thuộc về FDI nên Việt Nam đang ở trạng thái rủi ro, khó khăn.

“Người ta vẫn nói Việt Nam nguy cơ trở thành nền kinh tế rỗng ruột khi FDI rút chân đi, điều này rất đúng bởi loại bỏ FDI, chúng ta còn có những gì làm trụ cột quốc gia?”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói.

Bà Lan cho rằng, mô hình và cách thức đầu tư nước ngoài chưa thay đổi, họ vẫn dựa vào Việt Nam như là nơi tận dụng nhân công giá rẻ để xuất khẩu, sử dụng công nghệ thấp nên giá trị gia tăng thấp... Tất cả nhân tố thấp ở Việt Nam vẫn được duy trì, coi như thế mạnh của Việt Nam. Việt Nam còn định kéo dài đến bao giờ tình trạng này mà không thay đổi? 

Vốn FDI đổ vào nhiều nhưng VN vẫn chưa có nền tảng công nghiệp hiện đại

111

Nữ chuyên gia nhấn mạnh: Trong khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là cơ hội Việt Nam chuyển mình, tiếp nhận đầu tư từ các nước châu Âu vào công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao để tự chủ chuỗi cung ứng. Đến khi Covid-19 xuất hiện, nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Bên cạnh đó, hiện Nhật Bản khuyến khích doanh nghiệp của họ chuyển khỏi Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) cũng có nhu cầu tìm kiếm chuỗi cung ứng mới. Việt Nam và Singapore có cơ hội này nhưng Singapore không có FTA với châu Âu, Singapore cũng không phải cứ điểm sản xuất nên Việt Nam gần như rơi vào vị trí tốt nhất để lựa chọn, nhưng Việt Nam chưa làm được gì nhiều để chuẩn bị lôi cuốn được nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam.

“Các nhà đầu tư châu Âu vẫn nói so với nước khác thì Việt Nam vẫn chưa đạt chuẩn để chuyển vốn vào, thiếu hụt nguồn nhân công làm công nghệ cao, Việt Nam mới chỉ sẵn sàng làm khâu lắp ráp cuối cùng còn sản phẩm tinh hoa, trung gian khác thì Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa sẵn sàng có đội ngũ kỹ sư, quản trị hiện đại như các nước phát triển, bà Lan phân tích", bà Lan nói.

Cũng theo chuyên gia Phạm Chi Lan, nói về quy mô doanh nghiệp, Việt Nam còn có nhiều doanh nghiệp cỡ nhỏ, thiếu doanh nghiệp tầm trung để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, các đại gia lớn lại đi theo con đường riêng của họ, chủ yếu hướng vào bất động sản chứ chưa nhiều doanh nghiệp quan tâm, mặn mà làm công nghiệp hỗ trợ. Nói chung, chúng ta thiếu các nền tảng cho công nghiệp hiện đại.

Bà Lan cho rằng, về cơ bản, các đại doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn tự tìm cho họ mối quan hệ, tự xoay sở, từ đấy khôn lên biết lựa chọn để phát triển. Nhiều doanh nghiệp ban đầu cũng dựa vào đất đai, bất động sản, nhưng rất may là sau đó nhiều ông lớn đã chuyển hướng sang sản xuất công nghệ đủ sức mạnh để đi vào công nghệ lõi.

Trong khi tất cả cơ hội kinh doanh trong sản xuất công nghiệp, thương mại có giá trị gia tăng cao lại thuộc về các doanh nghiệp Nhà nước hoặc khu vực FDI làm hết. Mảng còn lại để doanh nghiệp Việt làm là nông nghiệp lại rất khó làm, chả ai muốn cả, khó nhằn nhất vì đất đai phân tán, nông dân làm ăn manh mún, rủi ro thiên tai, dịch bệnh thường trực và lợi nhuận thấp. 

Doanh nghiệp trong khu vực đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đang tập trung vào ngành kinh tế công nghiệp, hướng vào xuất khẩu, chiếm giá trị xuất khẩu lớn, có công nghệ cao hơn và thoát ly khỏi nền kinh tế. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp Việt vẫn chưa vào được chuỗi giá trị tăng trưởng toàn cầu được.

Lấy ví dụ ở sự thành công của Hàn Quốc, bà Lan cho rằng họ có cách tiếp cận đúng đắn hơn là phát triển bộ phận doanh nghiệp dân tộc đủ lớn, sau đó bắt tay với các doanh nghiệp FDI, cùng phát triển. Điều này khác với Việt Nam, mở cửa đón doanh nghiệp ngoại, sau đó doanh nghiệp nội khó khăn, bị chèn ép.

“Cách làm của cựu Tổng thống Park Chung Hee đưa đất nước phát triển theo các riêng, họ học hỏi Nhật Bản - Mỹ - Đức và vận dụng để phát triển các doanh nghiệp thân tộc, chứ không mời FDI vào vội mà sau khi doanh nghiệp nội có tiềm lực, họ mới vào để lấy làm đối sánh với nhau. Chủ trương quan trọng nhất của ông ấy là học xong về làm lấy, vay thì có thể vay nhưg không đưa nước ngoài vào. Mình yếu, mình nhỏ thì vào họ khống chế hết, khi nào mình đủ trình độ tiếp nhận công nghệ thì mới có lợi cho mình, chứ mình yếu thì họ vào có lợi, họ chèn doanh nghiệp mình không thể lớn được”, chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích.

 

Theo Hà Nguyễn/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây