VĨNH BIỆT PHÓ GIÁO SƯ, DỊCH GIẢ PHAN VĂN CÁC
Phó Giáo sư, dịch giả Phan Văn Các (bút danh Phác Can) sinh ngày 21/6/1934 tại xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình có truyền thống Nho học. Thân phụ ông là một nhà Nho, không có bằng cấp, học vị gì, nhưng là thầy đồ dạy chữ Hán, và dạy chữ quốc ngữ cho con em trong gia đình và trong làng xóm. Phan Văn Các cũng được cha đã dạy chữ Hán từ bé, mới lên 5, lên 6 tuổi, và thường được nghe ông cụ ngâm nga thơ Đường, cho nên thơ Đường, thơ Trung Quốc đối với ông dường như có một sức thu hút từ rất sớm và rất tự nhiên.
Sống với gia đình ở quê và được giáo dưỡng rất nghiêm. Đến năm 1946, ông tốt nghiệp Sơ học yếu lược. Năm 1947, ông về quê nhà học ở Trường Trung học Phan Đình Phùng tại thị trấn Đức Thọ. Năm 1952, sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông trở về quê tham gia công tác, đi dạy truyền bá quốc ngữ, dạy bổ túc văn hoá, đi làm thuế nông nghiệp, v.v... và được bầu làm Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc thôn Lạc Đình, xã Đức Lạc.
Tháng 10 năm 1954, ông sang học 2 năm tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung văn ở Khu học xá Nam Ninh – Trung Quốc. Năm 1956, tốt nghiệp về nước, ông bắt đầu công việc nghiên cứu về Trung Quốc mà thoạt đầu là đi từ Hán ngữ hiện đại. Sau đó do hứng thú với văn học Trung Quốc, ông bắt đầu nghiên cứu văn học Trung Quốc và tiến hành dịch các tác phẩm văn học Trung Quốc từ năm 1957. Đến năm 1959, cuốn sách dịch đầu tiên của ông ra đời, là Tuyển thơ Quách Mạt Nhược (nhưng đến năm 1964 mới có điều kiện xuất bản). Phó Giáo sư Phan Văn Các từng tâm sự: “… Lúc tôi học hết phổ thông, học hết trung học phổ thông vào năm 1952 thì do nhà nghèo tôi không thể đi học ở đâu được. Lúc đó, các bạn cùng lứa với tôi có điều kiện một chút, tức là gia đình họ sung túc hơn một chút thì họ đến Thanh Hóa học dự bị đại học, rồi từ dự bị đại học họ được phân công vào các ngành khoa học cơ bản, như khoa học tự nhiên thì có toán học, vật lý, hóa học, sinh vật... hay khoa học xã hội thì được phân học văn, học sử... Tôi thì không có điều kiện để đi học dự bị đại học, ở nhà làm công tác xã... Thế rồi đến năm 1954, có chủ trương đưa học sinh sang Khu học xá để đào tạo, lúc đó Chính phủ kháng chiến của ta đã nhìn thấy trước việc phải xây dựng đất nước sau hòa bình lập lại cho nên đã đào tạo. Phân công cái gì thì học cái ấy, tôi sang thì được phân công học sư phạm Trung văn thì cứ thế mà học thôi, chứ tôi có được lựa chọn đâu... Cùng học với tôi thì cũng có nhiều người nhưng về sau thì họ hoặc là cứ tiếp tục dạy Trung văn hoặc là họ chuyển sang ngành khác, có người đi làm thư viện rồi đi làm các công việc khác ở các ngành. Riêng tôi thì nhờ có cái hứng thú từ nhỏ, có truyền thống gia đình tác động đến tôi là tôi hứng thú với văn học, văn hóa Trung Quốc cho nên tôi tiếp tục đi sâu vào, từ tiếng Hán hiện đại tôi được học thêm tiếng Hán cổ đại. Chính việc học tiếng Hán cổ đại làm cho tôi có điều kiện để có thể tiếp xúc với nền văn hóa cổ của Việt Nam chủ yếu lưu giữ trong kho sách Hán Nôm và vì thế việc nghiên cứu Trung Quốc của tôi lại gắn được với việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam... Đến bây giờ, tôi thấy mình có một cái may mắn, một niềm hạnh phúc là trong công việc của mình, mình lại hiểu biết sâu hơn về văn hóa của cha ông mình, văn hóa Việt Nam trong mối quan hệ với văn hóa Trung Hoa...”.
Sau khi từ Trung Quốc trở về Việt Nam, Phan Văn Các về dạy Trung văn cho trường Đại học Nông Lâm… Khởi đầu sự nghiệp nghiên cứu Trung Quốc của mình bằng công việc chính là giảng dạy, và sau đó từ giảng dạy chuyển sang nghiên cứu. Có thể nói niềm say mê và hứng thú đối với văn học Trung Quốc nói riêng cũng như đối với nền văn hóa Trung Quốc nói chung của ông được khởi nguồn từ những năm tháng ấu thơ.
Năm 1962, do có năng lực sư phạm nổi trội, ông được mời về giảng dạy tại khoa Trung văn Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 1976, nhà trường cho Phan Văn Các đi tiến tu tại trường Đại học Nam Kinh trong thời gian 2 năm. Tại đó, ông học một chương trình tiến tu về Hán ngữ cổ đại. Sau 2 năm ông nhận bằng gọi là Tiến tu sinh của Đại học Nam Kinh, bây có thể xem như bằng Thạc sĩ về tiếng Hán cổ.
Năm 1984, ông được điều về làm công tác nghiên cứu tại Viện Hồ Chí Minh thuộc Viện Mác - Lênin (Nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Được phong Học hàm Giáo sư I (nay là Phó Giáo sư). Và cũng tại đây, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tham gia Hội Nhà văn Việt Nam.
Năm 1990, Phó Giáo sư Phan Văn Các được điều động về đảm nhận chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Mười năm công tác tại Viện, ông đã lãnh đạo Viện làm việc có hiệu quả cả về xây dựng tổ chức lẫn nghiên cứu khoa học; nghiên cứu giới thiệu được nhiều công trình, xuất bản nhiều ấn phẩm quan trọng
Hơn sáu mươi năm giảng dạy và nghiên cứu, Phan Văn Các đã đóng góp hàng trăm công trình có giá trị, được các học giả trong nước và ngoài nước đón nhận và đánh giá cao. Ngoài các công trình khoa học đã công bố, bao gồm hàng chục tác phẩm do ông viết, chủ biên và đồng tác giả, thuộc các thể loại Giáo trình - sách giáo khoa; Từ điển - sách công cụ; Sách nghiên cứu - chuyên khảo; Phó Giáo sư Phan Văn Các còn để lại hàng chục tác phẩm dịch từ văn học và văn hóa Trung Quốc: Cùng cất lời ca (thơ Hạ Kính Chi, 1960); Chị cả Lại (tập truyện ngắn, 1963); Thơ Quách Mạt Nhược (đồng dịch giả, 1964); Ca dao cờ đỏ (đồng dịch giả, 1965); Bài ca Lôi Phong (thơ Hạ Kính Chi, 1965); Một nửa đàn ông là đàn bà (tiểu thuyết đương đại, đồng dịch giả, 1989); Ngôi sao của bà (tập truyện ngắn, dịch chung, 1989); Phong cách nam nhi (tiểu thuyết đương đại, 2 tập, 1994); Lửa ghen (tập truyện ngắn Đài Loan, 1995); Lịch sử văn hóa Trung Quốc (đồng dịch giả, 1993); Trung Quốc nhất tuyệt (2 tập, đồng dịch giả, 1997); Những câu chuyện tình (Kho tàng truyện ngắn thế giới, nhiều tập, đồng dịch giả, 1995); 100 truyện ngắn hay Trung Quốc (3 tập, đồng dịch giả, 1998); Trung Quốc lịch triều hoàng cung sinh hoạt toàn thư (5 tập, đồng dịch giả, 1999)… Và các tác phẩm dịch văn học chữ Hán Việt Nam: Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh ngoài Ngục trung nhật kí (sưu tầm, phiên dịch, chú thích, 1990); Thơ văn Nguyễn Cao (sưu tầm, phiên dịch, chú thích, giới thiệu, 1992); Tổng tập tiểu thuyết Hán văn Việt Nam (đồng dịch giả, 1997); Hoa viên kì ngộ (dịch và giới thiệu, 1997); Cổ duệ từ (tập từ của Tùng Thiện Vương, 2000)
Do tuổi cao sức yếu, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được các thầy thuốc và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng ông không qua khỏi, Phó Giáo sư, dịch giả Phan Văn Các đã từ trần vào hồi 11 giờ 22 phút ngày 06/10/2020 tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi. 87 tuổi đời với hơn 60 năm học tập, lao động và cống hiến, để có được những thành quả to lớn như vừa kể ở trên, chắc chắn không chỉ có trí tuệ và lòng đam mê thôi mà đủ. Điều tâm đắc nhất mà Phó Giáo sư Phan Văn Các cảm nhận được trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy của mình, theo ông tâm sự, là “Trong chiều hướng chung của thế giới thì Trung Quốc sẽ là một đề tài mà cả thế giới phải chú ý và nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển mọi mặt của thế giới. Cho nên, trước đây tôi đã nghĩ và bây giờ tôi cũng nghĩ như thế, tức là Việt Nam sẽ phải duy trì và phát triển một cách lâu dài nếu không nói và vĩnh viễn việc nghiên cứu Trung Quốc. Đối với thế giới đã là như vậy thì đối với Việt Nam lại càng phải như vậy bởi vì việc nghiên cứu Trung Quốc đối với chúng ta là hết sức thiết thân.... Hơn ai hết người Việt Nam cần phải đi sâu vào việc nghiên cứu Trung Quốc. Đó không đơn thuần là vấn đề học thuật mà nó là vấn đề sống còn, là vấn đề thiết thân của bản thân sự phát triển của dân tộc trên mọi mặt...”.
Xuất phát từ thực tế Văn hóa truyền thống Việt Nam luôn có sự tương đồng trong mối liên hệ với văn hóa Trung Hoa; trong bối cảnh đời sống chính trị của hai nước nói riêng cũng như thế giới và khu vực nói chung luôn có những thăng trầm, bằng tư cách của một nhà khoa học, ông nhận định: “Thực ra, nếu bình tâm và công bằng mà nói thì cả khi quan hệ anh em tốt đẹp, lẫn khi thù địch thì chúng ta vẫn rất cần nghiên cứu Trung Quốc, hiểu biết Trung Quốc. Chính cha ông ta là những người đã sớm nhận thức được điều đó và đã trở thành mẫu mực về việc nghiên cứu Trung Quốc để mà ứng xử với Trung Quốc cho có hiệu quả. Tôi thường nói với các học trò của tôi là: cha ông ta là những nhà Trung Quốc học bậc thầy, những nhà Trung Quốc học có hiệu quả nhất, mà cái hiệu quả lớn nhất là sự tồn tại của đất nước Việt Nam, bên cạnh Trung Hoa như thế mà ta tồn tại được, phát triển được, chứng tỏ là ta rất hiểu và đã có cách ứng xử khôn ngoan, đúng đắn để có thể tồn tại được, phát triển...”.
Những lời tâm huyết đó giờ đây ngẫm lại, càng thấm thía rằng đó không phải chỉ là kiến thức, là quan điểm nghiên cứu, mà đó còn là một triết lý ứng xử mang tầm dân tộc, được nói lên từ tâm huyết của một nhà văn...
Xin thành kính tiễn đưa ông về cõi.
_______
* Bài viết có sử dụng tài liệu của các đồng nghiệp trên báo bạn.
Tác giả: Lương Ngọc An
Nguồn Văn nghệ số 42/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên