Hồn Nước - tờ báo của những người trẻ Hà thành yêu nước

Thứ ba - 01/09/2020 07:45
Một điều rất đặc biệt về đội Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu cũng là nét rất đặc biệt trong hoạt động yêu nước của những thanh niên, sinh viên Hà Nội những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa là việc họ đã có cho mình một tờ báo riêng mang tên Hồn Nước.

“Theo chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng cuối tháng 2/1943, mỗi thành phố lớn phải có một Ban Thanh vận và ra một tờ báo riêng của thanh niên. Đến giữa năm 1944, Ban Cán sự Đảng Hà Nội mở lớp học cho Đảng viên mới, Lê Quang Đạo được giao huấn luyện.

Sau lớp học, đồng chí Lê Quang Đạo đã giao trách nhiệm làm báo cho tôi và lấy tên báo là Hồn Nước - tiếng nói của nam, nữ thanh niên thành Hoàng Diệu. Tôi lo cả bài vở và tổ chức khâu in ấn. Nhà in lấy tên là Ký Con - Ðoàn Trần Nghiệp” - ông Lê Đức Vân (tức Nguyễn Hữu Phúc) nhớ lại.

Không chỉ là tờ báo dành cho những người trẻ, những người góp phần tạo ra Hồn Nước cũng phần lớn là những học sinh, sinh viên vừa rời ghế nhà trường. “Lúc đó, tôi và anh em còn quá trẻ, chưa viết được bài xã luận, chỉ những tin tức thời sự tôi trực tiếp viết hoặc dẫn lại nguồn tin từ các tờ báo khác. Còn bài xã luận có tính định hướng do các anh Lê Quang Đạo, Vũ Oanh, Nguyễn Khang… viết” - ông Lê Đức Vân hé lộ.

111
Báo Hồn Nước, cơ quan tuyên truyền của nam nữ thanh niên cứu quốc khu Hoàng Diệu, số 5 ra ngày 01/07/1945.

Cũng theo ông Lê Đức Vân, Hồn Nước được xuất bản trong hoàn cảnh tuyệt đối bí mật, tại số nhà 15 phố Hàng Phèn, với 4 trang khổ nhỏ nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Việt Minh, phản ánh hoạt động của Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu. Điều kiện khó khăn khiến phương pháp in phải thay đổi liên tục. Lúc đầu dùng thạch tím để in nhưng không thành công, sau đó chuyển sang in bằng bột đá nhào với nước làm khuôn in, dùng mực tím viết lên giấy dài rồi đặt lên khuôn lăn đến khi được thì bóc giấy ra.

Mỗi lần in như thế được khoảng 10 đến 15 bản, muốn in tiếp phải viết và làm lại từ đầu nên mất rất nhiều thời gian” - ông Lê Đức Vân nhớ về những ngày làm báo đầy gian khó. Cũng vì lẽ đó, Hồn Nước sau đó lại được chuyển sang in li-tô (in trên đá cứng) đồng thời chuyển địa điểm in đến làng Giáp Nhất (nay thuộc quận Thanh Xuân), nhưng cũng chỉ được ba số lại phải chuyển địa điểm do bị lộ. “6 số báo xuất bản trong 2 năm (1944-1945), 5 lần chuyển địa điểm “tòa soạn”” - trong ký ức của ông Lê Đức Vân, có lẽ chưa bao giờ việc xuất bản một tờ báo lại gian nan đến thế.

Với khoảng 200 tờ báo của 5 số báo lưu hành bí mật (số 6 in xong chưa kịp phát hành thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ), những người làm báo Hồn Nước có thể tự hào mà rằng dù khoảng thời gian hiện diện ngắn ngủi, thì Hồn Nước cũng đã góp phần tuyên truyền đường lối giải phóng dân tộc của Mặt trận Việt Minh; động viên, cổ vũ tinh thần đấu tranh của thanh niên.

Theo NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây