Lối thoát nào cho rác thải nông thôn: Lò đốt rác hay dân tự thu gom chế biến?
Thứ tư - 02/12/2020 16:30
Cũng như trên toàn quốc, vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có rác thải nông thôn đã nóng nghị trường kì họp HĐND tỉnh Hưng Yên lần thứ 14 khóa XVI vào những ngày đầu tháng 12/2020. Tổng hợp kiến nghị của cử tri do bà Chủ tịch MTTQ tỉnh Phạm Thị Tuyến đọc tại diễn đàn kì họp cũng có nhiều đoạn nêu kiến nghị của cử tri về tình hình ô nhiễm môi trường tại các làng quê cũng như tại các con sông: sông Bần, sông Ngưu Giang, sông Cửu An, kênh C9 Cẩm Xá (Mĩ Hào)...
Tại buổi thảo luận tổ số 2 và tổ số 4 HĐND tỉnh cũng có một số đại biểu nêu về tình trạng ô nhiễm môi trường. Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu - Nguyễn Văn Thắng cho biết ít nhất mỗi ngày huyện có 100 tấn rác thải, và rác thải đang bủa vây nhiều khu dân cư.
Chất vấn tại nghị trường, cũng có nhiều đại biểu quan tâm về vấn đề công nghệ xử lý rác thải nông thôn. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đoàn Phù Cừ và đại biểu Lê Thị Diệu Hồng đoàn Khoái Châu đã chất vấn Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã thẩm định công nghệ xử lý chất thải ra sao để tỉnh ta có thể áp dụng. Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết Sở đã phối hợp với các sở ban ngành của tỉnh và phối hợp với các nhà khoa học để thẩm định lò đốt chất thải rắn sinh hoạt Model RS-VINABIMA có công suất đốt khoảng 80 tấn/ngày. Đây là công nghệ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp phép. Giá một lò đốt khoảng vài chục tỷ. Tỉnh ta đã có một lò đốt loại này đặt tại thị xã Mĩ Hào. Ông Vương Văn Đức, nguyên Bí thư thị ủy cho biết lò tại Mĩ Hào công suất loại nhỏ (khoảng 40 tấn) mỗi ngày đêm và chỉ đủ cho vài phường của thị xã.
Nhưng việc sử dụng loại lò đốt này cũng phải cần một thời gian nhất định để chuẩn bị xử lý rác (ướp và phơi rác trong một chu trình 27 ngày) và cần có thời gian để nâng dần công suất của máy. Và điều quan trọng nhất là chi phí khi đốt không hề nhỏ (khoảng 400 nghìn đồng cho một tấn rác thải). Với giá như vậy, huyện Khoái Châu đốt 100 tấn rác mỗi ngày cần chi 40 triệu đồng -Một con số không hề nhỏ và dường như nó quá sức chịu đựng của ngân sách, cũng như từ nguồn đóng góp trong dân. Tất nhiên, một khi kinh tế khá giả, dân có thể đóng góp để chi phí cho việc đốt rác.
Trong khi rác thải đang bủa vây nông thôn, các ao hồ sông ngòi đang chết vì phân rác xả thẳng mỗi ngày, chúng ta chờ lò đốt hay là tự cứu mình bằng một phương cách khác: Phương cách phân rác nhà nào nhà đó tự lo xử lý và cấm không cho thải ra xung quanh. Biết làm thế là khó. Nhưng ông cha ta đã từng làm thế. Tức là ông cha ta không đổ rác ra đường làng và càng không bao giờ đổ phân rác xuống sông ao, sông ao luôn xanh trong, sông ao luôn là nơi ta tắm mát giặt rửa mỗi ngày... Và cũng nhìn rộng ra trên thế giới, xem có nước nào tệ bạc với môi trường sống như nước ta hiện nay không?
Muộn còn hơn không. Hãy thay đổi cách đối xử với sông ao, với đường làng đồng ruộng, đừng tệ bạc với nơi mình sinh ra, đừng đổ phân rác xuống sông ao... Nếu từng nhà thu gom được phân rác, sẽ có một nguồn phân hữu cơ chăm bón cho đồng ruộng đang nghèo kiệt vì phải chịu quá nhiều phân đạm phân lân và các loại thuốc sâu. Làm được như thế, làng sạch mà đồng ruộng tốt tươi, rau quả cũng ngon và bổ, lợi đơn lợi kép.