Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tri ân những người “truyền lửa”
Thứ tư - 20/11/2024 09:42
Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục; xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác.
ZaloFacebookTwitterBản inCopy link
Tại Việt Nam, ngày 20/11 hằng năm không chỉ đơn thuần là một ngày lễ của riêng những thầy cô giáo, mà còn là dịp để toàn xã hội tôn vinh những người làm công tác giáo dục.
Những cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc, những câu chuyện chân tình trong ngày lễ thiêng liêng này luôn mang đến cho chúng ta những khoảnh khắc quý giá, nhắc nhở mỗi người nói riêng và toàn xã hội nói chung về trách nhiệm chung tay cùng các thầy cô giáo truyền lại ngọn lửa tri thức và đạo đức cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tri ân những người “truyền lửa”
Truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam đã được xây dựng qua hàng ngàn năm lịch sử. Trong thời kỳ phong kiến, các kỳ thi Đình, thi Hương không chỉ là cơ hội để các sỹ tử thể hiện tài năng, mà còn là con đường vinh quang nhất để mỗi người khẳng định vị thế trong xã hội.
Cũng vì thế, trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, các gia đình luôn khuyến khích con cái học hành chăm chỉ, coi đó là niềm tự hào, là danh dự và nghề thầy giáo cũng luôn được đặt ở vị trí hàng đầu: “Nhất quý nhì sư," “Không thầy đố mày làm nên”…
Người thầy được coi là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của tri thức, đạo đức và nhân cách để học trò noi theo mà trở thành người có đức, có tài, đứng ra giúp nước. Những giá trị này này ăn sâu vào tâm thức mỗi người, trở thành truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong văn hóa Việt được lưu truyền trong hàng thế kỷ qua.
Truyền thống tốt đẹp ấy được tiếp nối qua các thế hệ, tỏa sáng trong mọi thời đại, là mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta. Trong thời đại Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta đã thể hiện khát vọng và tầm nhìn lớn lao, sâu sắc về giáo dục: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành."
Trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919, một trong tám nội dung cơ bản được Người nêu lên là: Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ. Với tư tưởng đó, cả đời Người không bao giờ ngừng học tập rèn luyện. Và bản thân Người cũng là một người thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, một Danh nhân văn hóa thế giới trên con đường giải phóng dân tộc, giải phóng con người.
Người khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa."
Kế thừa và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc, luôn hết sức chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tạo với những quyết sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có đội ngũ thầy, cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục.
Năm 1982, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 được tổ chức lần đầu tiên, nhằm tôn vinh những người làm công tác giáo dục. Sự kiện này không chỉ ghi nhận những đóng góp của các thầy cô giáo mà còn phản ánh sự trân trọng của xã hội đối với nghề dạy học, đồng thời là dịp để học sinh bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô, những người đã dìu dắt họ trên con đường đến với tri thức và xây dựng nhân cách.
Giáo dục và đào tạo là tương lai dân tộc
Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc. Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục; xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác. Vì thế, ngành giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, phản ánh sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống giáo dục và Chính phủ.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, tiếp tục khẳng định quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu." Trên cơ sở đó, Nhà nước dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông ở nước ta là 1,25 triệu người (tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022-2023) và gần 99.500 cán bộ quản lý. Tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo luật Giáo dục 2019 của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là 93,23%, tăng cao so với chỉ khoảng 50% vào năm 2013. Đây là những kết quả đáng tự hào cho thấy nỗ lực của Nhà nước ta trong mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy.
Bên cạnh đó, các chế độ đãi ngộ cho giáo viên cũng được cải thiện. Mức lương trung bình của giáo viên đã tăng lên đáng kể trong những năm qua, góp sức cùng các thế hệ nhà giáo Việt Nam khắc phục khó khăn, giữ vững ngọn lửa đam mê, không ngừng đổi mới, sáng tạo, thi đua dạy tốt; là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, tâm huyết với nghề. Có không ít những thầy giáo, cô giáo đã hy sinh cả tuổi xuân, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em ở những vùng sâu vùng xa, vùng điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, vùng biên giới, hải đảo. Nhờ đó, giáo dục nước ta có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và duy trì được các thành tựu đã có. Đến nay trên 99% người dân trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi biết chữ, gần 100% trẻ em 5 tuổi được đến trường.
Giáo dục đại học đã và đang thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nghề hướng tới đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Hiện nay, 241 trường đại học của Việt Nam có chuyên gia và tổ chức đào tạo hầu hết các ngành nghề có trong danh mục các ngành nghề trên toàn thế giới, kể cả những nghề mới nhất.
Số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới như Đại học Bách Khoa Hà Nội; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh…
Các đội tuyển học sinh Việt Nam tham gia thi Olympic quốc tế thường xuyên giành được thứ hạng cao. Ngành giáo dục và đào tạo cũng tiên phong trong việc chuyển đổi số.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoảng 80% trường học hiện nay đã sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý, một con số tăng đáng kể so với chỉ khoảng 30% vào năm 2013. Những thành tựu này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, vai trò của giáo dục và nhà giáo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhà giáo không chỉ là người dạy kiến thức mà còn là người hướng dẫn học sinh phát triển nhân cách và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Có thể nói, giáo dục hiện nay yêu cầu sự linh hoạt và sáng tạo hơn bao giờ hết. Các thầy cô cần phải cập nhật kiến thức mới nhất và áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại để phù hợp với nhu cầu của thế hệ trẻ. Việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy cũng đang trở thành một yêu cầu tất yếu trong môi trường giáo dục hiện đại.
Trong bài phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (ngày 18/11/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước được xác định là cốt lõi. Để hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, nhân lực chất lượng cao tiếp tục được xác định là đột phá chiến lược, và đổi mới giáo dục đào tạo là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược của Đại hội XIV.
Vì thế, Tổng Bí thư cho rằng mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện cho bằng được là hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trách nhiệm vinh quang đó đòi hỏi những nỗ lực lớn lao, sự bứt phá mạnh mẽ, sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà trước hết và trực tiếp nhất chính là đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Đó là một trọng trách lớn lao, nhưng với một dân tộc có truyền thống hiếu học, quý trọng hiền tài; với đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, gắn bó với nghề, cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, toàn ngành giáo dục sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo./.