Người thiệt vẫn là nông dân

Thứ năm - 16/12/2021 13:54

Tình trạng ùn ứ hàng ngàn xe chở nông sản Việt Nam ở một số cửa khẩu để xuất qua Trung Quốc ngày càng trầm trọng do số phương tiện vượt quá năng lực thông quan.

Chỉ tính riêng cửa khẩu Lạng Sơn đã có tới 4.300 xe đang chờ được thông quan. Điều đáng nói là việc Trung Quốc ngưng nhập hàng dịp tết, tạm ngưng nhập hàng đông lạnh... đã được cả phía Trung Quốc và Việt Nam thông báo trước. Nhiều doanh nghiệp (DN) cũng thừa nhận, họ đã nhận được thông tin này. Nhưng xe đầy nông sản vẫn tới tấp chở lên các cửa khẩu.

111
Xe chở hàng nông sản xuất đi Trung Quốc bị ùn tắc nghiêm trọng tại cửa khẩu biên giới Lạng Sơn

Thực ra, việc ùn ứ tại đây cũng khiến các DN thiệt hại không kém do hàng hóa bị giảm chất lượng, hư hỏng. Bản thân tài xế phải ăn chầu nằm trực, hết sức vất vả cũng như đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Thế nhưng có lẽ, họ chẳng còn cách nào. Chuyển hướng sang thị trường khác thì cần chiến lược, thời gian, chất lượng phù hợp chứ hàng đã thu hoạch rồi không thể nói chuyển là chuyển ngay được. Quay về thị trường nội địa thì cũng chỉ có thể giải quyết một số lượng nhất định chứ không thể "choàng" hết được Trung Quốc, thị trường lớn của nông sản Việt Nam. Còn chuyển sang chính ngạch, điều mà các nhà chức trách, các chuyên gia kinh tế trong nước đã khuyến khích, kêu gọi bao năm nay... không ăn thua. Huống chi đang tình thế khẩn cấp này.

Thế bế tắc này nhìn lại thì "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Trước đây, Trung Quốc nổi tiếng về việc "dễ tính", hàng cao cấp, trung cấp và cả thấp cấp, đều có thể tiêu thụ. Tình hình giờ đã khác. Nước này ngày càng siết chặt các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng, về an toàn thực phẩm, chưa kể các chính sách xuất nhập khẩu liên tục thay đổi. Thế nhưng rất nhiều DN của ta vẫn giữ nguyên cung cách, quan điểm làm ăn như trước, vẫn chọn cách dễ nhất, thu mua rồi bán tiểu ngạch. Thị trường ứ hàng thì giảm giá thu mua, thậm chí ngưng thu mua thay vì đầu tư vùng nguyên liệu, xây dựng kho bãi, chế biến... để hóa giải vấn nạn "được mùa mất giá", trồng chặt - chặt trồng của nông nghiệp Việt Nam. Vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng nuôi trồng cũng chưa được thực hiện bài bản, quyết liệt. Hệ quả là đến hẹn lại lên cảnh xe ùn ứ, thậm chí phải đổ bỏ nông sản, lại diễn ra ở các cửa khẩu, ở các vùng trồng.

Trong một thị trường đầy sự cạnh tranh như hiện nay không có chỗ cho nuôi trồng hồn nhiên, mua bán hồn nhiên hay “nước tới chân mới nhảy” mãi được. Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, việc xây dựng và quy hoạch một nền nông nghiệp bền vững dựa trên những cơ sở khoa học về nhu cầu cũng như văn hóa tiêu dùng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng và thương hiệu, công nghiệp chế biến cho tới bảo quản, kho bãi, bao bì... phải được tính toán và quyết liệt thực hiện.

Vẫn là chuyện "biết rồi, khổ lắm..." nhưng không thể không nói bởi người thiệt thòi lớn nhất trong câu chuyện này chính là người nông dân. Là người trực tiếp nuôi trồng ra các nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng bao năm qua, họ vẫn chưa khá lên được.

Nghịch lý này cần phải đặt câu hỏi về trách nhiệm của cả cơ quan quản lý và DN.


Theo Thanh niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây