Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIV của Đảng làm việc với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng
Thứ tư - 31/07/2024 10:47
Ngày 30/7, tại Ninh Bình, Đoàn Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng do đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tiểu ban Kinh tế-Xã hội làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát, làm việc với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.
Dự buổi làm việc có lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển.
Đồng thời, các tỉnh đề xuất, kiến nghị với Trung ương một số nội dung như: Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các bộ luật, các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng thống nhất, đồng bộ, ổn định lâu dài để xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là các quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng.
Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là những dự án giao thông, thủy lợi trọng điểm có tính kết nối, liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với đặc trưng, vai trò và thực tiễn đối với những địa phương sở hữu di sản được UNESCO ghi danh; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Đồng bằng sông Hồng cùng với Đông Nam Bộ chính là 2 điểm sáng, đóng vai trò, vị trí chiến lược về chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Nêu lên những tồn tại, hạn chế, trao đổi, làm rõ đề xuất, kiến nghị của các tỉnh, thành phố trong vùng, Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, các địa phương trong vùng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ những thế mạnh riêng có, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng nâng cao hiệu quả, chất lượng và tính bền vững, trọng tâm là đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI, phát triển nông nghiệp đa giá trị, tiếp tục đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.
Riêng về cơ cấu kinh tế, bên cạnh việc tập trung cho các ngành mang tính chất đại diện cho xu thế của thời đại, các địa phương cần chú trọng phát triển theo mô hình kinh tế tự nhiên hài hòa, một nền kinh tế độc lập, tự chủ, kinh tế trí thức, kinh tế sáng tạo trên cơ sở phát huy giá trị tự nhiên, giá trị di sản; …
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp đề xuất danh mục các dự án, mục tiêu ưu tiên, động lực, đột phá để nâng cao giá trị của từng địa phương, từng vùng và Việt Nam với thế giới, đồng thời quan tâm đến vai trò tham mưu, hoàn thiện thể chế, chính sách của các địa phương để khơi thông nguồn lực cho sự phát triển.
Vùng Đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố, trong đó có 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng.
Thời gian qua, phát huy những tiềm năng, lợi thế to lớn, vượt trội, kinh tế, văn hóa-xã hội của vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng.
Vùng luôn khẳng định được vị trí, vai trò của một vùng kinh tế động lực, có đóng góp to lớn, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế của cả nước; thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kinh tế vùng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm. Quy mô kinh tế của vùng luôn được mở rộng. Tỷ trọng đóng góp vào GDP cả nước tăng từ 26,9% năm 2010 lên 29,4% năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm, cao hơn 1,3 lần so với bình quân cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước của vùng chiếm tới 32,7% tổng thu ngân sách của cả nước; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm 35,1% (đứng đầu cả nước).
Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, vùng Đồng bằng sông Hồng có môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp công nghệ số, là điểm đến thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới; có sự hợp tác giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước và trong vùng, vì vậy vùng dẫn đầu doanh thu cả nước về công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, chiếm 55,35% của cả nước về doanh thu công nghệ thông tin, điện tử viễn thông.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong những vùng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt đạt 133,8 triệu đồng/ha năm 2021, cao hơn so với giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt của cả nước là 105,2 triệu đồng/ha (cả nước năm 2023 đạt 118,3 triệu đồng/ha). Vùng Đồng bằng sông Hồng cũng là vùng đầu tiên và duy nhất (tính đến thời điểm này) đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vùng là trung tâm hàng đầu về y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ với đội ngũ trí thức giỏi và đông đảo lực lượng lao động có chất lượng cao; là cái nôi sản sinh, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu có uy tín. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo đạt 37% (cao nhất cả nước).