Đội ngũ báo chí quê Nhãn đang có niềm vui khi đoạt 2 giải Quốc gia - giải danh giá nhất của nghề Báo trong mùa giải 2020.
Đây là niềm vui, là điểm sáng mới của báo chí Hưng Yên khi cả 2 cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh là Đài PTTH và Báo Hưng Yên đều có giải.
Đây là niềm vui, là điểm sáng bởi vì sau 15 năm có Giải báo chí Quốc gia, lần đầu tiên báo Hưng Yên đoạt giải. Và Đài Hưng Yên đã 3 năm liền, từ năm 2018, đều đoạt giải BCQG, trong đó có giải A phim tài liệu “Dấu son người con gái xứ Nhãn” của nhóm tác giả Ngọc Anh, Minh Đức cùng Ê kíp của mùa giải Báo chí 2018.
Đây là niềm vui, là điểm sáng, bởi phải trải qua nhiều vất vả, nhiều tìm tòi, nhiều dấn thân, nhiều “gạch đi viết lại”... các tác giả mới được vinh danh, để đến khi nhận giải rồi, có người reo lên cho rằng “Đó một phần là do may mắn”. Quả thật, các trận thi đấu ắt có vui có buồn. Thi mãi không đoạt giải, thì thật sự là nỗi buồn và thất vọng tái tê của những người làm nghề, trong đó có nghề Báo. Như vậy là Hội Nhà báo Hưng Yên đã có giải, và không phải “trắng tay” như một số Hội bạn. Một số Hội trong khu vực cũng vinh dự đoạt 1 giải gồm Quảng Ninh giải C thể loại phát thanh với tác phẩm “Cánh diều chao nghiêng”, Thái Bình giải C phóng sự truyền hình tác phẩm “Đêm trắng đưa rừng về biển”, Hải Phòng giải Khuyến khích thể loại tọa đàm truyền hình tác phẩm “Lắng nghe lời Đất tiếng Sông”, Ninh Bình giải Khuyến khích thể loại phim tài liệu truyền hình tác phẩm “Giấc mơ xa”.
Mùa giải năm nay cũng ghi nhận những thành công xuất sắc của Hội Nhà báo các tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Quảng Bình... Hội Nhà báo Vĩnh Long đoạt 3 giải gồm 2 giải C của báo Vĩnh Long và 1 Khuyến khích của Đài PTTH tỉnh; Hội Nhà báo Thanh Hóa đoạt 1 giải A và 1 giải C cùng thuộc về Đài Thanh Hóa với thể loại phim tài liệu và phóng sự truyền hình; Đài Quảng Ngãi đoạt giải A thể loại phóng sự phát thanh; Hội Nhà báo Quảng Bình đoạt 3 giải gồm giải C phát thanh, Khuyến khích truyền hình và Khuyến khích giải Ảnh báo chí. Tác giả của giải A thể loại phóng sự phát thanh 4 kì “Rừng giữ đất quê hương” Từ Thị Xuân Yến Đài Quảng Ngãi kể: Chính vào mùa lũ thảm khốc nhất của miền Trung hồi tháng 10/2020, trước nhiều tan hoang của những vụ sạt lở đất bởi thiên tai và bởi cả nhân tai vì nạn phá rừng kéo dài để làm nương, lấy gỗ, làm thủy điện, thậm chí là cả những dự án “trồng rừng” cũng hủy hoại vốn rừng còn ít ỏi, phóng sự được hình thành và phát sóng. Nhà báo Xuân Yến nói “Rừng mất nhiều, núi sạt nhấn chìm mấy thôn làng, may mà đồng bào đã kịp rời đi. Lúc em làm phóng sự cũng là lúc đại biểu Quốc hội H'bơ Khap chất vấn về phá rừng... Tất cả đã thôi thúc em nhiều...”. Còn nhà báo Lê Quỳnh Trang - người đoạt giải A thể loại phim Tài liệu của Đài Thanh Hóa cho biết: Năm 2018, cả nhóm đã làm phóng sự ngắn về tình bạn cảm động của đôi bạn trẻ Hiếu và Minh để phát sóng. Và khi tư liệu đầy đủ hơn, cuối năm 2020 Ê kíp chuyển sang làm phim tài liệu. Sau 2 tháng, bộ phim hoàn thành. Phim không có lời bình mà để nhân vật tự kể về mình...
Trở lại với 2 tác phẩm của Hội Nhà báo Hưng Yên đoạt Giải Báo chí Quốc gia vừa qua, cần khẳng định 2 đề tài đều trúng với yêu cầu của cuộc sống, để thấy rằng hai nhóm tác giả đã có sự tìm tòi phát hiện cái mới và có sự dấn thân khi thể hiện tác phẩm. Trong một lần tọa đàm tại Chi hội nhà báo Báo Hưng Yên, nhà báo Minh Nghĩa kể Ê kíp đã được Ban Biên tập tạo điều kiện tối đa, và cả nhóm đã mất 3 tháng để đi về các doanh nghiệp, các huyện thị, các sở ngành và một số chuyến đi Hà Nội để nắm bắt tìm hiểu những lý do làm cho tỉnh Hưng Yên thường xếp nửa sau (Nếu không muốn nói là gần cuối bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI) và nêu ra những giải pháp nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh... Loạt bài 3 kì với rất nhiều áp lực, và Minh Nghĩa, Mai Nhung, Phạm Đăng đã lần đầu tiên mang Giải Quốc gia vể cho Báo Hưng Yên.
Khác với Minh Nghĩa và Ê kíp của Báo Hưng Yên, Ngọc Oanh và Ê kíp của Đài Hưng Yên đã có tới 3 lần đoạt giải Báo chí Quốc gia. Điều đáng mừng hơn là Ngọc Oanh và Ê kíp đã “đổi màu” danh hiệu của mình từ Khuyến khích lên giải C Quốc gia năm 2020. Ngọc Oanh và Ê kíp làm phóng sự giới thiệu một thanh niên trẻ quê thành phố Hưng Yên đã sáng tạo ra một hệ thống thiết bị dựa trên nền tảng công nghệ số để áp dụng vào chăn nuôi. Nhờ hệ thống công nghệ này mà các chủ trang trại đi xa hàng trăm cây số vẫn có thể biết độ nóng, độ ẩm cùng tình hình dịch bệnh trong trang trại chăn nuôi gà lợn của mình. Cũng thông qua hệ thống, các chủ trang trại có thể kết nối ngay với các chuyên gia, kĩ sư chăn nuôi hay các trung tâm giống, thức ăn gia súc để liên hệ công tác. Sau một thời gian, đã có hàng ngàn trang trại ở 29 tỉnh thành trong cả nước, và đã có cả trang trại ở nước ngoài áp dụng công nghệ của chàng trai Phạm Hồng Sơn. Tác phẩm đã khắc họa được một thanh niên dám nghĩ dám sáng tạo và đã thành công. Và tất nhiên, việc phát hiện ra một “cách làm hay” đã đem lại thành công cho Ê kíp của Đài Hưng Yên.
Nghề Báo là một cuộc đua đường trường. Làm sao để ngày hôm nay viết tốt hơn ngày hôm qua. Làm sao để có được một tác phẩm xứng tầm để dự thi vào mùa giải 2021 cũng như nhiều cuộc thi Báo chí - Cuộc thi Giải ngành. Điều đó nhắc nhở đội ngũ những người làm Báo quê Nhãn cần có sự trăn trở suy nghĩ tìm tòi và đầu tư cho tác phẩm. Cũng là sự đòi hỏi các Ban Biên tập có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và hiệu quả. Bởi mùa Giải Báo chí Quốc gia năm 2021 đã gọi tên các Hội Nhà báo và các Liên Chi hội báo chí trong cả nước. Hãy nghĩ suy, hãy sáng tạo và hãy dấn thân để có những tác phẩm báo chí xuất sắc tác động tốt tới cuộc sống và để dự thi Giải Báo chí Quốc gia và các Giải Báo chí trong năm 2021.
NGUYỄN CÔNG ĐÁN
CHỦ TỊCH HNB HƯNG YÊN