“Những bài viết, bức ảnh, thước phim ra đời trong những ngày nóng bỏng, sục sôi nhiệt huyết, quyết tâm chống dịch đã kịp thời chuyển tải các chủ trương, giải pháp chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong việc chung tay ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh...” - Chủ tịch Hội Nhà báo Bắc Giang Trịnh Văn Ánh khẳng định khi chia sẻ về Giải Báo chí Thân Nhân Trung và Bắc Giang trên tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Vừa qua, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang đã trao Giải Báo chí Thân Nhân Trung - giải báo chí lớn nhất, uy tín nhất của tỉnh Bắc Giang, mỗi năm một lần nhằm tôn vinh những tác giả có tác phẩm xuất sắc.
Như đánh giá của nhà báo Trịnh Văn Ánh - Tổng Biên tập báo Bắc Giang, Chủ tịch Hội Nhà Báo Bắc Giang thì năm 2020 có gần 200 tác phẩm báo chí tiêu biểu tham dự giải và là năm có số bài dự thi nhiều nhất trong hơn 20 năm qua (nhiều nhất kể từ khi Giải Báo chí Thân Nhân Trung được hình thành).
Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, phản biện sâu, bám sát vấn đề, có hiệu quả xã hội tích cực. Các mảng đề tài được đề cập khá toàn diện, trong đó đề tài về xây dựng Đảng tiếp tục được phản ánh sâu đậm. Tiêu biểu như các tác phẩm “Có một nghị quyết của Đảng khơi dậy sức dân”, “Nhận diện, đấu tranh phản bác thông tin xấu độc trước thềm đại hội đảng các cấp”, “Dấu ấn nhiệm kỳ và khát vọng vươn lên”...
Mảng đề tài thời sự nổi bật là phòng, chống đại dịch COVID-19 được quan tâm, tiêu biểu như các tác phẩm: “Những pháo đài chống dịch”, “Những chiến binh áo trắng nơi tuyến đầu”, “Phòng chống dịch Covid - cả hệ thống chính trị vào cuộc”...
“Năm nay, khi mọi công việc chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, hội viên nhà báo tỉnh đang sôi nổi thi đua hướng về ngày truyền thống của báo chí cả nước thì đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trên địa bàn tỉnh. Chỉ sau ít ngày, Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước; mọi hoạt động KT-XH bị ảnh hưởng nặng nề; sinh hoạt, đời sống của nhân dân bị đảo lộn. Những người làm báo tỉnh bằng nhiệt huyết, trách nhiệm của mình đã hăng hái, xông pha trên mọi mặt trận, tích cực, chủ động tuyên truyền công tác phòng, chống dịch COVID-19” - nhà báo Trịnh Văn Ánh nhấn mạnh.
Với những nỗ lực và tinh thần xung kích, thông qua Giải Báo chí Thân Nhân Trung cho thấy, các cơ quan báo chí của tỉnh nói chung, đặc biệt là các tác phẩm đoạt giải đã bám sát nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền kịp thời các chủ trương lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền trên các lĩnh vực; Tích cực tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, biểu dương nhân rộng điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Đồng thời, thẳng thắn đấu tranh, phê phán những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật...
Chủ tịch HNB tỉnh Bắc Giang Trịnh Văn Ánh chia sẻ: “Việc trao Giải Báo chí Thân Nhân Trung cũng là sự ghi nhận đóng góp của những người làm báo trong tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương. Mỗi mùa giải qua đi lại thêm một lần đánh dấu sự phát triển đi lên của các cơ quan báo chí của tỉnh; đồng thời khẳng định bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ, năng lực của đội ngũ những người làm báo tỉnh Bắc Giang ngày càng trưởng thành”.
Có thể nhận định như vậy khi nhắc đến cuộc thi “Bắc Giang trên tuyến đầu chống dịch COVID-19”. Đầu tháng 5 vừa qua, dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên địa bàn tỉnh. Chỉ sau ít ngày Bắc Giang trở thành tâm dịch COVID-19 của cả nước. Trên mặt trận tuyên truyền, hàng trăm phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương đã kịp thời tác nghiệp tại Bắc Giang. Trong thời điểm muôn người như một cùng chung sức đồng lòng trên trận tuyến chống dịch, Báo Bắc Giang phát động cuộc thi “Bắc Giang trên tuyến đầu chống dịch COVID-19”.
Chia sẻ về cuộc thi, Tổng Biên tập Báo Bắc Giang Trịnh Văn Ánh cho biết: “Với tinh thần xung kích trên trận tuyến tuyên truyền, chỉ trong 3 tháng phát động (từ ngày 1/5 đến 30/7/2021), Báo Bắc Giang nhận được hơn 200 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả từ hơn 21 cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương gửi tác phẩm dự thi.... Qua các vòng sơ khảo, chung khảo với sự thẩm định, chấm giải của một số nhà báo có kinh nghiệm của Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài PT&TH tỉnh, Ban Tổ chức quyết định trao giải cho 34 tác phẩm tiêu biểu”.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, cuộc thi “Bắc Giang trên tuyến đầu chống dịch COVID-19” có nhiều điểm mới so với Giải Báo chí Thân Nhân Trung. Nổi bật là thời gian tổ chức ngắn nhất song cuộc thi có phạm vi rộng nhất bởi bên cạnh tác phẩm đăng Báo Bắc Giang, những tác phẩm đăng ở các báo, đài, tạp chí ở Trung ương và địa phương cũng được dự thi.
Đánh giá về các tác phẩm, nhà báo Trịnh Văn Ánh cho biết: “Chất lượng các tác phẩm cũng rất cao, thể hiện ở mỗi chủ đề, đề tài, các tác giả đều có sự tìm tòi, đưa ra những dẫn chứng từ thực tiễn phong phú, sinh động của công tác phòng, chống dịch. Nhiều tác giả thể hiện tâm huyết, trách nhiệm qua việc lao thẳng vào khu vực cách ly, phong tỏa, cơ sở điều trị khai thác thông tin, ghi lại hình ảnh về tinh thần làm việc quên mình của các lực lượng tuyến đầu chống dịch”.
Có thể kể đến người lính - nghệ sĩ nhiếp ảnh Giang Sơn Đông vượt hơn 2.000 cây số từ TP. Hồ Chí Minh ra tâm dịch Bắc Giang tham gia hỗ trợ các lực lượng và ghi lại những hình ảnh, video Clip về cuộc chiến cam go chống giặc COVID-19 ở Bệnh viện dã chiến số 2 tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh.
Từng tác nghiệp tại nhiều tâm dịch, những phóng viên - người lính của Báo Quân đội nhân dân có mặt tại Bắc Giang từ rất sớm để ghi lại cuộc chiến chống dịch tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 tại Trung đoàn 831 Bộ CHQS tỉnh; cùng cán bộ, nhân viên Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, Học viện Quân y vào nơi “lôi virus ra ánh sáng”, rồi “ba cùng” với các chiến sĩ dân quân, tự vệ tại nhiều chốt kiểm soát phòng dịch...
Các phóng viên Minh Quang, Thế Hùng cùng nhiều đồng nghiệp ở Đài PT-TH tỉnh, Báo Bắc Giang liên tục tác nghiệp xuyên đêm tại tâm dịch Việt Yên. Trong đó có những phóng viên phải đi cách ly tập trung nhiều lần.
Đặc biệt, còn nhiều phóng viên không quản khó khăn vất vả, nguy cơ nhiễm bệnh thường trực song luôn có mặt tác nghiệp ở những điểm nóng chống dịch để cho ra đời những bài viết, bức ảnh, thước phim để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc về tinh thần tận tụy, sự hy sinh quên mình của các lực lượng tuyến đầu với mong muốn trước hết, trên hết là sớm đẩy lùi, tiến tới kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nổi bật là loạt tác phẩm gồm 6 bài với tiêu đề “Đánh giặc COVID-19 ở vùng tâm dịch Bắc Giang” của nhóm tác giả báo Quân đội nhân dân; Loạt 3 bài “Sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất”, Loạt bài 2 kỳ “Dịch bệnh đi qua, nghĩa tình ở lại” của nhóm tác giả Báo Bắc Giang; Loạt tác phẩm gồm 3 bài “Hơn 60 ngày chống dịch ở Bắc Giang và những bài học quý” của nhóm tác giả Báo Công lý...
Đó là những phóng sự truyền hình, phóng sự ảnh làm lay động bạn đọc, công chúng, tiêu biểu như: Phóng sự “Những chiến sỹ áo trắng” của nhóm phóng viên Đài PT&TH tỉnh; phóng sự ảnh “Những hình ảnh riêng của Tuổi Trẻ Online trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19” của nhóm phóng viên Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh...
Có thể nói, những bài viết, bức ảnh, thước phim ra đời trong những ngày nóng bỏng, sục sôi nhiệt huyết, quyết tâm chống dịch đã kịp thời chuyển tải các chủ trương, giải pháp chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong việc chung tay ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh...
Các tác phẩm còn góp phần lan tỏa những cách làm hay, giải pháp sáng tạo của tỉnh trong việc vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, vừa chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; vừa chống dịch, vừa tổ chức tiêu thụ nông sản, nhất là vải thiều; vừa chống dịch, vừa chăm lo đời sống người dân, công nhân...
Theo Sông Mây/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên