Tuyên dương người làm báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Chủ nhật - 14/06/2020 09:56
Sáng 13/6, tại Hà Nội diễn ra hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự Hội nghị.

Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam có đồng chí Thuận Hữu - Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. 

Tới dự còn có các nhà báo lão thành qua các thời kỳ và 187 người làm báo tiêu biểu, đại diện cho các nhà báo, phóng viên trong cả nước.
111
Hội nghị tuyên dương người làm báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho biết 95 năm qua, kể từ ngày báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên, khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội.

Từ những ngày đầu non trẻ, báo chí đã khẳng định tính chính nghĩa cách mạng, là kênh thông tin chủ lực tuyên truyền đưa Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, đến với các tầng lớp nhân dân. Tôi luyện, trải qua từng thời kỳ cách mạng của đất nước, báo chí không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và đã trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, nhà báo là các chiến sĩ trên mặt trận ấy; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là “lời hịch cách mạng”, “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước đoàn kết, đứng lên xóa bỏ xiềng xích nộ lệ, đấu tranh giành chính quyền làm nên thắng lợi vĩ đại cánh mạng tháng 8 năm 1945 với sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới; nhân dân ta từ thân phận nộ lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành binh chủng quan trọng xung kích trên mặt trận tư tưởng. Từ trong máu lửa chiến tranh, lớp lớp các nhà báo xung phong ra trận, ngòi bút của các nhà báo cách mạng đã góp phần to lớn bồi dưỡng, hun đúc lòng yêu nước và tự hào dân tộc, hiệu triệu đồng bào xung trận góp phần tạo nên sức mạnh thời đại, đóng góp xứng đáng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…

Trong các cuộc kháng chiến anh dũng ấy, hàng trăm nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng và của dân tộc.Trong thời kỳ đổi mới, hơn 30 năm qua, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực đi đầu trong việc định hướng dư luận xã hội.
111
Tới dự hội nghị có nhiều lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo các cơ quan trung ương.
Nhiều nhà báo bằng tài năng sắc sảo, nhãn quan tinh tường, dấn thân, lăn lộn trong thực tiễn, nhạy bén với thời cuộc đã có nhiều tác phẩm có tính “khai phá, mở đường”, đấu tranh mạnh mẽ với sự trì trệ, bảo thủ; bảo vệ và cổ vũ cho những cách làm hay, mô hình sáng tạo, những đột phá trong tư duy; tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo trung ương cho biết đến nay, cùng với những thành tựu to lớn, toàn diện của đất nước, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Diện mạo, số lượng, chất lượng các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình và công nghệ làm báo…đã đạt được những bước tiến lớn. Chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, tính định hướng và kỹ thuật - nghiệp vụ của báo chí ngày càng được nâng cao.

Đội ngũ những người làm báo tăng nhanh về số lượng, trình độ nghiệp vụ làm báo được nâng cao, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại. Phát huy truyền thống đã đạt được, báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội; tích cực tuyên truyền về Chủ nghĩa Mác- Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện và cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu của công cuộc đổi mới; phản ánh những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, các giới đồng bào; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của người dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
111
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị
Nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng tốt, thể hiện bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội, kỹ năng nghề nghiệp của người làm báo, tạo được hiệu quả xã hội cao, sức lan tỏa rộng rãi trong nhân dân. Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác thông tin về chủ quyền biển, đảo; thông tin tuyên truyền về đối ngoại; thông tin về những thành tựu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình, thân thiện, hòa bình, hữu nghị đến với các nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Nhiều cơ quan báo chí còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, giúp đỡ những địa phương, những người có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Trong đại dịch viêm phổi cấp do chủng mới của Virut Corona (COVID-19) gây ra, khi mà cả thế giới phải đối mặt với tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, nhiều quốc gia lâm vào khủng hoảng thực sự, hệ thống y tế mất kiểm soát với hệ lụy là hàng triệu người mắc, hàng trăm nghìn người tử vong, thì Việt Nam nổi lên như một hình mẫu về việc chống dịch hiệu quả.

Qua đại dịch, chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò sứ mệnh của báo chí, cơ quan truyền thông. Các nhà báo đã ở tuyến đầu chống dịch, thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác giúp người dân nâng cao nhận thức, tin tưởng, đồng hành cùng Đảng, Chính phủ thực hiện các giải pháp phòng, “chống dịch như chống giặc”, góp phần tạo nên thành tích ngoạn mục, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao là quốc gia mà truyền thông được người dân tin cậy trên thế giới.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo nhấn mạnh, sau quá trình thẩm định trách nhiệm, các hồ sơ, báo cáo thành tích của các đại biểu, Ban Tổ chức Hội nghị đã quyết định lựa chọn 187 đại biểu tiêu biểu, bám sát các tiêu chí đề ra, đó là những người làm báo tiêu biểu, có thành tích nổi bật, đóng góp xuất sắc trong hoạt động báo chí, được cơ quan, đồng nghiệp tín nhiệm, đánh giá cao; có lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải; nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người; chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Cơ cấu đại biểu khá toàn diện: đại diện cho các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử; có đại diện lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên cơ quan báo chí…đến từ 63 tỉnh, thành phố; các cơ quan Trung ương; cơ quan của đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp... Trong số đó, có 17 đại biểu là người dân tộc thiểu số như Mông, Mường, Jrai, Ede, Kmer, Tày, Nùng... (chiếm gần 10%); có 85 đại biểu nữ (chiếm 45%); có 20 đại biểu trẻ dưới 35 tuổi (chiếm hơn 10%); đại biểu trẻ nhất là Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc, sinh năm 1993, đến từ Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp.

Hội nghị cũng đặc biệt  tôn vinh các nhà báo lão thành - những người cả cuộc đời đã gắn liền sự nghiệp báo chí cách mạng. Đó là Nhà báo Thái Duy, sinh năm 1926, người tham gia báo Cứu Quốc ngay sau cách mạng tháng 8 năm 1945, là phóng viên mặt trận, đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, tác giả của của tác phẩm truyện ký “Sống như Anh”- cuốn sách gối đầu giường của biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Là các nhà báo - chiến sỹ, nhà lãnh đạo, nhà lý luận sắc sảo - nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; nhà báo Hồ Tiến Nghị, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; nhà báo Hồng Vinh, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân; là nhà báo tài hoa, nhà văn hóa Phan Quang, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; là nhà báo Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam...

Tuổi đời, tuổi nghề và sự miệt mài lao động, sáng tạo, tận tụy cống hiến, phụng sự cách mạng, phục vụ tổ quốc và nhân dân của các nhà báo lão thành sẽ luôn là những tấm gương sáng, lan tỏa những giá trị và bài học tốt đẹp để các thế hệ nhà báo hôm nay học tập, noi theo.

Chúng ta trân trọng, tri ân các nhà báo lão thành, mong các bác, các anh chị có nhiều sức khỏe; tiếp tục quan tâm đóng góp cho sự nghiệp báo chí nước nhà.Và còn rất nhiều, rất nhiều những nhà báo đã không ngại khó khăn, thử thách, hăng hái đến những vùng biên giới, hải đảo xa xôi kịp thời tuyên truyền, cổ vũ, động viên nhân dân, bám rừng, bám biển bảo vệ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc...

Tại Hội nghị còn có những bài tham luận tâm huyết của các nhà báo được tôn vinh hôm nay và một chương trình tọa đàm hữu ích hướng đến kỉ niệm 95 năm ngày báo chí Cách mạng  Việt Nam. 
 
Lê Tâm
(Báo Nhà báo và Công luận)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây