Vụ nhà báo bị "khủng bố" bằng chất bẩn: Vá lỗ thủng trên chiếc áo giáp

Thứ hai - 07/12/2020 08:34
Nếu không truy tìm đến cùng, hoặc chỉ xử lý hành chính, các vụ việc ném chất bẩn tiếp tục tạo ra một tiền lệ xấu. Các đối tượng sẽ nhờn luật và khi cần đe dọa, dằn mặt một ai đó chúng lại giở trò “bổn cũ soạn lại”.
111
Đối tượng ném chất bẩn thường được những kẻ đứng đằng sau thuê và hành động vào ban đêm. Ảnh: TL

Chỉ trong vòng hơn 1 tuần từ 24/11 đến 2/12, những kẻ lạ mặt đã 4 lần ném chất bẩn vào nhà riêng của vợ chồng nhà báo Nguyễn Thanh Tuấn (Báo Người Lao động) và nhà báo Nguyễn Thị Thùy (Báo Dân trí) tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa. Đáng chú ý, ngay sau khi Công an địa bàn đến ghi nhận sự việc, lập biên bản hiện trường vừa rời đi, các đối tượng xấu lập tức quay trở lại tiếp tục ném chất bẩn vào nhà riêng ông Tuấn. Điều đó cho thấy, kẻ gian có dấu hiệu thách thức cả cơ quan bảo vệ pháp luật.

Sự việc đã gây hoang mang không chỉ cho gia đình nhà báo Nguyễn Thanh Tuấn mà còn khiến cho nhiều phóng viên, nhà báo đang tác nghiệp trên địa bàn cũng cảm thấy bất an. Thậm chí, hàng xóm của gia đình ông Tuấn cũng tỏ ra lo ngại bị ảnh hưởng.

Trước đây, từng có nhà báo bị hàng xóm “tẩy chay” vì bị ném chất bẩn vào nhà. Bởi kẻ xấu đã chơi “chiêu độc” bằng cách sau khi ném chất bẩn vào nhà riêng của nhà báo, số còn lại chúng ném luôn vào nhà hàng xóm kế bên. Sự việc khiến cả khu phố hoang mang và dấy lên nghi ngờ về các mối quan hệ phức tạp của những người làm báo và nghề báo.

Cá nhân ông Tuấn và cơ quan chủ quản Báo Người Lao động ngay sau đó đã có văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa và Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị có biện pháp bảo vệ người làm báo. Một ngày sau, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cũng có công văn gửi Công an tỉnh này vào cuộc điều tra làm rõ sự việc để đảm bảo an toàn cho gia đình nhà báo Nguyễn Thanh Tuấn nói riêng; đồng thời tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các phóng viên báo chí Trung ương đang hoạt động trên địa bàn. Trả lời báo chí, Công an Thành phố Thanh Hóa cho biết đang vào cuộc điều tra.

Nghĩa là, ngay sau khi sự việc xảy ra, cả cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn đã nhanh chóng vào cuộc để hỗ trợ, bảo vệ người làm báo bị kẻ xấu đe dọa.

Thế nhưng câu chuyện bị ném chất bẩn vào nhà của phóng viên Báo Người Lao động thường trú tại Thanh Hóa không phải là chuyện mới và hiếm. Ngay cả tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ông Tuấn không phải là nhà báo đầu tiên bị kẻ xấu giở trò bẩn này.

111
Công văn của Báo Người Lao Động gửi cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đề nghị hỗ trợ, bảo vệ ông Nguyễn Thanh Tuấn. Ảnh: QD

Và, không chỉ nhằm vào nhà báo, chiêu trò ném chất bẩn đã được các đối tượng xấu sử dụng khá phổ biến trong xã hội như một biện pháp đe dọa, uy hiếp tinh thần người khác. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ném chất bẩn vào nhà dân thường xuất phát từ việc vay nợ, đòi nợ, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê kiểu xã hội đen, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong sinh hoạt… Bên cạnh đó, thời gian qua, các đối tượng ném chất bẩn còn giở trò bẩn thỉu này đối với những người tham gia chống tiêu cực tại các địa phương, trong đó có các phóng viên, nhà báo…

Trên thực tế, những kẻ trực tiếp ném chất bẩn thường “ngụy trang” bằng cách đi xe không biển số, mặc trang phục trùm kín người, hoạt động vào ban đêm và thường được những kẻ chủ mưu đứng sau thuê. Thủ đoạn ném chất bẩn hầu hết đều được các đối tượng chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu lựa chọn vị trí, thời điểm, hoạt động bài bản, có tổ chức.

Vấn đề là tại sao, những vụ việc như thế cứ lặp đi lặp lại, bất chấp sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, sự phản ứng dữ dội của dư luận?

Không phải ngẫu nhiên mà kẻ xấu lại chọn cách ném chất bẩn vào nhà riêng.

“Chất bẩn” ở đây có thể là mắm tôm, sơn, dầu nhờn, trứng thối, thậm chí là phân. Điều đáng nói là dù có là chất bẩn đến mấy đi nữa thì nếu việc ném chất bẩn nếu không gây hủy hoại tài sản, không gây thương tích… đối với đối tượng bị ném, thực tế rất khó để xử lý hình sự.

111
Chất bẩn được kẻ xấu sử dụng phổ biến thường là hỗn hợp dầu luyn và mắm tôm

Năm 2019, trả lời trên Báo Tuổi trẻ, Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết với hành vi tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà người khác thì tùy tính chất, mức độ của hành vi có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Cụ thể, nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội… đã quy định: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với các hành vi: ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác (điểm d, khoản 2, điều 5 nghị định 163).

Ném chất bẩn vào nhà người khác có thể bị xử lý hình sự nhưng là đối với trường hợp hành vi đó gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội thì có thể bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, để xử lý hình sự về hành vi này rất khó bởi phải chứng minh được các tình tiết như tổ chức chặt chẽ, tạt nhiều chất bẩn…

Nghĩa là về lý thuyết, pháp luật đã có quy định cho phép xử lý về mặt hình sự đối với loại tội phạm ném chất bẩn nhưng quá trình thực thi lại tồn tại những khe hở để những đối tượng xấu lợi dụng. Nó tựa như chiếc áo giáp bảo vệ, dù được che chắn rất kỹ nhưng vẫn có những lỗ thủng cần phải tìm cách đắp vá.

Vấn đề xử lý hành vi ném chất bẩn vào nhà người khác cũng đã từng được thảo luận trên diễn đàn Quốc hội. Một số đại biểu cho rằng, cần phải xử lý nghiêm thì mới có tính răn đe đối với hành vi này.

Theo các chuyên gia pháp luật, nếu đối tượng tạt sơn, chất bẩn vào nhà người khác với mục đích đe dọa để đòi nợ hoặc chiếm đoạt tài sản thì người vi phạm có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Nếu vì mâu thuẫn cá nhân mà cố tình ném chất bẩn vào nhà gây thiệt hại tài sản của người khác thì có thể bị xử lý về tội hủy hoại tài sản. Nếu việc ném chất bẩn vào nhà nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ, hoang mang trong cộng đồng thì có dấu hiệu của tội khủng bố.

Mặc dù vậy, hầu hết các vụ ném chất bẩn, trong đó có cả các vụ việc ném chất bẩn vào nhà riêng của các phóng viên, nhà báo, kẻ xấu dường như đã biết “ngưỡng” quy định của pháp luật nên hành động rất tinh vi, không gây hủy hoại tài sản (quy đổi thành giá trị vật chất). Việc cơ quan chức năng xác định có hay không tình trạng hoảng  loạn, hoang mang tâm lý trong cộng đồng để khép vào tội khủng bố là việc làm không dễ. Trong thực tế, các hành vi ném chất bẩn dưới nhiều hình thức mới có dấu hiệu mà chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên rất khó xử lý trên thực tế.

Trở lại trường hợp nhà riêng của nhà báo Nguyễn Thanh Tuấn, báo Người Lao động bị ném chất bẩn có thể thấy, đối tượng đã ném chất bẩn nhiều lần, tỏ thái độ thách thức cơ quan bảo vệ pháp luật. Đây là căn cứ quan trọng để cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ và có cơ sở để xử lý hình sự.

Bởi lẽ, nếu không tìm ra đối tượng, hoặc chỉ xử lý hành chính, vụ việc tiếp tục tạo ra một tiền lệ xấu. Các đối tượng sẽ nhờn luật và khi cần đe dọa, dằn mặt một ai đó chúng lại lựa chọn “bổn cũ”.
 

Theo Quang Duy/NB&CL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây