Cần thiết công khai quy hoạch nhân sự TW dự kiến để toàn dân được biết
Thứ sáu - 15/05/2020 10:41
Chiều 14/5, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã họp phiên bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết và trách nhiệm cao. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của dư luận đó là những tiêu chuẩn đặt ra đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, trong đó có tiêu chuẩn được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm.
Cần thiết công khai quy hoạch nhân sự TW dự kiến để toàn dân được biết
Ông Vũ Trọng Kim - đại biểu Quốc hội khóa XIV (đoàn Hải Dương), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, sau khi có đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng thì việc thực hiện nhiệm vụ là do cán bộ. Trong quá trình đó, không chỉ có một mình cán bộ làm được mà phải có sự kết nối chặt chẽ với nhân dân. Bởi vì công việc của Đảng cũng là công việc của nhân dân. Và Đảng ta cũng không có lợi ích nào hơn lợi ích quốc gia, dân tộc. Cho nên dựa trên cơ sở đó, những người được nhân dân tín nhiệm thì cũng có nghĩa đội ngũ được Đảng lựa chọn là có cơ sở.
“Được nhân dân tín nhiệm có nghĩa cán bộ đó có đủ đức, đủ tài, hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị hay ở một cấp nào đó, được dân chúng tin yêu và gửi gắm niềm tin. Đây cũng là ý Đảng, lòng dân” – ông Vũ Trọng Kim cho biết.
Theo vị đại biểu Quốc hội, muốn đo được sự tín nhiệm của nhân dân thì phải có cơ chế, như việc cần thiết công khai quy hoạch nhân sự Trung ương dự kiến để toàn dân được biết và được đóng góp ý kiến. Việc lấy ý kiến thông qua nhiều kênh, nhiều chiều, nhiều hướng khác nhau, như lấy ý kiến người dân ở khu dân cư nơi cán bộ sinh sống, ở mặt trận đoàn thể hay thông qua báo chí.
Ông cho rằng, người dân sống cùng khu dân cư hay cùng sinh hoạt trong một đoàn thể với cán bộ nên họ biết rõ ai là người tốt, người xấu; biết rất rõ gia đình của cán bộ như thế nào, công việc, mối quan hệ với quần chúng nhân dân ở địa phương ra sao nên tiếng nói góp ý của người dân là rất quan trọng.
Cán bộ là công việc gốc của Đảng và việc lựa chọn cán bộ là một quá trình lâu dài. Quá trình Đảng ta đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua cũng đã giải quyết một bước cơ bản, cho quần chúng nhân dân thấy rõ người nào tích cực, hoàn thành nhiệm vụ, người nào bộc lộ rõ những yếu kém.
“Trong quá trình đổi mới, chỉnh đốn Đảng, chúng ta đã loại trừ những nhân tố không phù hợp để đưa những nhân tố tích cực, phù hợp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đã đề ra để đưa vào diện quy hoạch. Lựa chọn cán bộ thì phải dựa vào hoạt động thực tiễn của họ ở một ngành, lĩnh vực hay ở một địa phương cụ thể, chứ không phải đưa ra những tiêu chuẩn chung chung. Cán bộ nào tốt thì sẽ bộc lộ được những phẩm chất tốt, cũng như thể hiện bằng trình độ, năng lực thực tiễn trong giải quyết công việc, tác động tích cực đến đời sống nhân dân, đến lĩnh vực được phụ trách” – ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.
Đề cao trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự
Đại biểu Quốc hội đoàn Hải Dương cũng cho rằng, một trong những nội dung hết sức quan trọng trong việc lựa chọn cán bộ đó là phải đề cao trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự. Người giới thiệu có quá trình theo dõi thời gian công tác của cán bộ, đánh giá người đó có đạo đức, có phẩm chất, được nhân dân tín nhiệm hay không, đặc biệt quá trình tới đây anh phải theo dõi, giúp đỡ, nhắc nhở cán bộ.
Người giới thiệu phải hứa hẹn trước tổ chức Đảng rằng, mình phải là người chịu trách nhiệm trong quá trình phấn đấu, rèn luyện của đồng chí mà mình giới thiệu. Chứ không có chuyện giới thiệu cho xong, dựa vào tập thể và cuối cùng trách nhiệm chung chung, không biết cán bộ mà mình giới thiệu được dìu dắt, rèn luyện như thế nào.
Cùng chung ý kiến, ông Trần Giảng - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đồng Hới, Quảng Bình cho rằng, Hội nghị Trung ương 12 đặt ra yêu cầu, tiêu chuẩn trong lựa chọn cán bộ cấp chiến lược phải đảm bảo tính toàn diện, đòi hỏi cán bộ có đủ bản lĩnh, đạo đức, đủ sự tín nhiệm của nhân dân và có trách nhiệm với lợi ích của Đảng, của đất nước.
Ông Trần Giảng tin tưởng, nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 sẽ được lựa chọn kỹ càng, kiên quyết không để lọt những cán bộ có biểu hiện tiêu cực, tránh nhìn vẻ bề ngoài, che đậy cái sơ sài bên trong.
" Tôi tin tưởng rằng, Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 sẽ chuẩn bị tốt nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 đảm bảo để lãnh đạo đất nước ngày càng tiến lên. Công tác nhân sự lần này có cái hay ở chỗ, người giới thiệu và người được giới thiệu đều phải chịu trách nhiệm chứ không phải giới thiệu để xong rồi thôi. Người giới thiệu phải có lựa chọn, cân nhắc kỹ lưỡng, tránh bè phái, lợi ích nhóm” – nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đồng Hới nhấn mạnh.
Cán bộ phải có uy tín trong nhân dân
Là người có nhiều năm làm công tác tổ chức, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng (Ban Tổ chức Trung ương) cho biết, cán bộ ngoài có uy tín trong Đảng còn phải có uy tín trong nhân dân. Yêu cầu hiện nay đặt ra đối với cán bộ là phải chủ động, sáng tạo, không được bị động, trông chờ. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, cán bộ cần biết rõ mình phải làm gì, làm như thế nào. Quan trọng nhất là phải xuất phát từ mục đích, từ ý nguyện nhân dân thì khó khăn mấy cũng sẽ vượt qua được.
Đồng tình với phương pháp và quy trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, PGS.TS Lưu Văn An - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đề nghị phải kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội, vận động, cục bộ, phe cánh… Phải đặt lợi ich chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết.
Theo ông, để lựa chọn được những người thực sự có đức, có tài vào Trung ương thì phải làm thật kỹ khâu tuyển chọn, quy hoạch, trong đó phải dựa vào cơ sở, dựa vào tai mắt là quần chúng nhân dân. Muốn vậy thì phải khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi người, tính tích cực xã hội trong nhân dân. “Chỉ có nhân dân và nhất là tổ chức cơ sở đảng biết rõ nhất người đảng viên đó như thế nào thế? Đó là cách để chúng ta chắt lọc, chọn lọc, đánh giá đúng năng lực phẩm chất, trình độ của từng cán bộ, chỉ có như vậy thì mới thành công”- ông Lưu Văn Anh nhấn mạnh./.