Huyện Văn Lâm: Giữ vững sản xuất, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch
Thứ năm - 10/06/2021 17:45
Dịch Covid 19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống: hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp phá sản, người lao động thất nghiệp… để lại những hậu quả lớn đến kinh tế.
Có vị trí địa lý “nhạy cảm” khi tiếp giáp: Thuận Thành (Bắc Ninh) và Hà Nội - hai nơi có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, huyện Văn Lâm đã nâng cao hơn một bậc trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt quan tâm tới nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn của huyện - nơi có đặc thù làm việc khép kín và đông công nhân. Vừa tiếp tục sản xuất hàng hóa đem về lợi nhuận, vừa phải siết chặt công tác phòng chống dịch là hai nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của các doanh nghiệp và chính quyền các cấp huyện Văn Lâm.
Công ty Cổ Phần NPG (Lạc Đạo - Văn Lâm) sản xuất gạch, có 290 công nhân làm việc. Công ty đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch. Công tác phòng chống dịch được thực hiện đầy đủ các khâu: thông điệp 5K, khai báo y tế khi đến công ty, lắp đặt hệ thống phun sương khử khuẩn Cloramin B loãng để chống nóng, chống dịch, lắp đặt tấm chắn tại nhà ăn, phân chia các tổ làm việc theo kíp, theo dõi lịch trình đi lại của công nhân… Anh Nguyễn Thái Hưng (trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Công ty NPG) chia sẻ: “Doanh nghiệp thì không thể dừng hoạt động được, mà dịch Covid thì vẫn tiếp diễn, chỉ một người bị là sẽ bị phong tỏa cả nhà máy sẽ để lại những thiệt hại lớn. Cán bộ, nhân viên đã quán triệt rõ ràng để thực hiện nghiêm chỉnh công tác phòng dịch”.
Công ty TNHH TM&SX Vạn Phúc với hơn 83 công nhân, thì nay mỗi ca làm chỉ 40 - 50 công nhân. Đặc biệt, công ty cũng có những công nhân tới từ vùng dịch (Thuận Thành - Bắc Ninh), ban chỉ đạo phòng chống dịch của công ty đã chuẩn bị kịch bản: công nhân bị mắc Covid, những người thuộc diện F1, F2 sẽ có khu cách ly riêng và vẫn có thể tham gia sản xuất. Ông Đỗ Quang Vinh (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TM&SX Vạn Phúc) chia sẻ: “Trong vòng ba ngày, thì công nhân lại phải lên bệnh viện Hồng Phúc để xét nghiệm, vừa tốn thời gian, vừa tốn chi phí. Mong muốn của tôi là các cơ sở y tế giảm chi phí cho công nhân”.
Huyện Văn Lâm có trên 1000 nhà máy sản xuất và có lượng lớn công nhân tới làm việc. Vừa qua, lãnh đạo huyện Văn Lâm đã ban hành Kế hoạch số 72 về thực hiện công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Một số địa phương có nhiều cơ sở sản xuất như xã Lạc Đạo đang cố gắng đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất tạo ra thu nhập cho người lao động. Ông Nguyễn Tiến Huân (PCT UBND xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm) chi sẻ: “UBND xã Lạc Đạo đã cử một nhân viên làm cán bộ cầu nối tới các doanh nghiệp để làm công tác tuyên truyền. Tại văn bản số 72 của huyện Văn Lâm, mục tiêu đề ra phản ứng nhanh, khoanh vùng dập dịch trong nhà máy, hạn chế tối đa ảnh hưởng về kinh tế tới doanh nghiệp nói riêng và địa phương nói chung”