Vừa đảm bảo năng suất và sản lượng lúa, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các hóa chất nông nghiệp, giữ gìn cảnh quan, sinh vật đồng ruộng là những ưu tiên hàng đầu của người nông dân. Tại xã Tiền Phong - huyện Ân Thi, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM đã được áp dụng phổ biến trên nhiều ruộng lúa và đạt được những hiệu quả nhất định…
Diện tích trồng lúa của toàn xã Tiền Phong - huyện Ân Thi là 289 ha. Nếu như trước đây, những cánh đồng sặc mùi thuốc trừ sâu, mùi thuốc hóa chất để bảo vệ cây lúa khỏi dịch hại, những bao bì, túi nilon vất vương vãi thì nay đã cơ bản không còn. Môi trường đồng ruộng của xã Tiền Phong đang dần được sạch sẽ, tôm cá, cua đồng đã xuất hiện trở lại. Ông Phan Văn Đàm, chủ tịch hội Nông dân xã Tiền Phong, huyện Ân Thi cho biết: “Trước đây bà con nông dân hay lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phun nhiều, phun bừa bãi. Nhưng sau khi áp dụng mô hình IPM này, thường xuyên kiểm tra thăm đồng, đến ngưỡng mới được phun, đem lại hiệu quả rất lớn. Hiện nay, trên nhiều đồng ruộng của xã Tiền Phong hệ sinh thái đang dần trở nên phong phú”.
Ruộng của bà Dương Thị Khuyết đã được áp dụng mô hình IPM, trong đó tổng hợp các biện pháp canh tác: chọn giống sạch sâu bệnh, bón phân canh tác, bảo vệ thiên địch đã giúp cho cây lúa chống được sâu bệnh, phát triển tốt. Đặc biệt, giảm thiểu hợp lý thuốc phun hóa học, thuốc bảo vệ thực vật phân bón, bảo vệ môi trường cảnh quan đồng ruộng, tiết kiệm chi phí. Bà Dương Thị Khuyết chia sẻ về hiệu quả khi áp dụng mô hình IPM: “Nếu như các vụ trước tôi phải phun thuốc đến 3,4 vụ thì nay chỉ phun có 2 vụ. Chi phí phân bón đã giảm tới 60% so với các vụ trước, ngày công cũng giảm, nhưng cây lúa được bảo vệ không bị sâu lá và năng suất vẫn rất tốt”.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hưng Yên đã triển khai áp dụng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây lúa tại xã Tiền Phong, huyện Ân Thi với diện tích 2 ha thuộc dự án: “Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch tổng hợp (IPM) gắn với sản xuất nông sản hữu cơ trên cây trồng tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018 - 2021”. Bà con được tập huấn và hướng dẫn cách áp dụng mô hình IPM ngay trên đồng ruộng của mình với những thí nghiệm nhỏ. Giúp bà con có thể áp dụng những tiến bộ kỹ thuật một cách hiểu quả nhất, và hiểu rõ tác hại của việc lạm rụng thuốc hóa học, thuốc trừ sâu đến chất lượng cây lúa, cảnh quan đồng ruộng và đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: “Mô hình IPM tạo sự chủ động cho người nông dân trên nguyên tắc một trăm cây khỏe. Người nông dân trở thành những chuyên gia trên đồng ruộng, họ biết rõ được bản chất của sâu bệnh để phun thuốc gì và cho năng suất lúa hiệu quả nhất”.
Hiện quả từ việc áp dụng mô hình tổng hợp dịch hại IPM tại xã Tiền Phong, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Hưng Yên đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và sẽ nhân rộng mô hình IPM trên nhiều đồng ruộng trong địa bàn của tỉnh Hưng Yên. Với mục đích: Người nông dân là chuyên gia trên cánh đồng của mình.