Hưng Yên: top 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn năm 2024
Thứ năm - 09/01/2025 23:23
Nhờ vị trí chiến lược, hạ tầng đồng bộ, chính sách thu hút đầu tư linh hoạt và cải cách hành chính hiệu quả, tỉnh Hưng Yên đã khẳng định những lợi thế cạnh tranh rõ rệt, sẵn sàng đón nhận “làn sóng” đầu tư FDI mạnh mẽ. Những yếu tố này không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn làm tăng sức hấp dẫn của địa phương đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên, năm 2024 tỉnh Hưng Yên thu hút được 180 dự án đầu tư (109 dự án trong nước và 71 dự án nước ngoài), với tổng vốn đầu tư hơn 61 nghìn tỷ đồng và hơn 1,5 tỷ USD, tăng 135% so với năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên đánh giá, năm 2024 là năm tỉnh Hưng Yên thu hút vốn đầu tư đạt kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay; nhất là vốn đầu tư FDI.
Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có 17 khu công nghiệp đã được quy hoạch, với tổng diện tích khoảng 4.395 ha; trong đó, có 10 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp đã cho thuê khoảng 2.596 ha đất để triển khai các dự án đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào trong KCN từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong số đó, Nhật Bản là quốc gia đầu tư lớn nhất với 147 dự án, tổng vốn đăng ký 3.639 triệu USD, chiếm 43% về số lượng dự án và 54% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kế đến là Trung Quốc và các vùng lãnh thổ đứng thứ 2 với 74 dự án, tổng vốn đăng ký 986 triệu USD; Hàn Quốc đứng thứ 3 với 65 dự án, tổng vốn đăng ký 676 triệu USD; các quốc gia còn lại như (Anh, Mỹ, Ý, Hà Lan, Thái Lan…). Trong đó, một số dự án có hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao, vốn đầu tư đăng ký từ 100-300 triệu USD, như: Dự án của Tập đoàn Toto, Kyocera, Mektec Manufacturing, Hoya Glassdisk Panasonic, Canon, Daikin, Néstle, Hyundai, … Ước tính, các dự án khi đi vào hoạt động sẽ sử dụng khoảng 84.000 lao động, đóng góp ngân sách bình quân hàng năm trên 3.300 tỷ đồng.
Với kết quả này, Hưng Yên tiếp tục duy trì vị trí top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về hấp dẫn doanh nghiệp lớn năm 2024.
Bên cạnh đó, Hưng Yên cũng đạt nhiều kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư trong nước (DDI). Đến nay, tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh 2.371 dự án, trong đó có 1.755 dự án trong nước và 616 dự án nước ngoài với số vốn đầu tư đăng ký là hơn 370 nghìn tỷ đồng và hơn 8,5 tỷ USD. Trong năm 2024, có 1.860 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với 32.934,7 tỷ đồng vốn đăng ký mới, tăng cao so với những năm trước (năm 2021: thành lập mới 1323; số vốn 12.153 tỷ đồng; năm 2022 thành lập mới 1.354; số vốn 29.583 tỷ đồng; năm 2023 thành lập mới 1607; số vốn 28.361 tỷ đồng).
Chỉ tính riêng tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư diễn ra ngày 7/7/2024, tỉnh Hưng Yên đã đón nhận 24 dự án lớn trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng. Một số dự án nổi bật, như: Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thổ Hoàng với tổng mức đầu tư 3.095 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Công viên trung tâm và khu đô thị mới Đông Khoái Châu với tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng; Dự án sản xuất cáp, đầu nối và ăng ten với tổng mức đầu tư 16,5 triệu USD; Dự án sản xuất đầu nối và các linh kiện điện tử (10 triệu USD); Trung tâm thương mại GO Hưng Yên (18,2 triệu USD)…
Những con số ấn tượng trên là minh chứng rõ nét cho môi trường đầu tư hấp dẫn và niềm tin về cơ hội đầu tư hiệu quả mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước dành cho tỉnh Hưng Yên.
Để đạt được những thành công kể trên, trong thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường thu thập thông tin, nghiên cứu, đánh giá, phân tích thị trường và đối tác đầu tư tiềm năng để xác định xu hướng đầu tư, nhu cầu đầu tư, xây dựng kế hoạch tiếp cận, kêu gọi nhà đầu tư phù hợp, hiệu quả. Một mặt, Hưng Yên chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, gắn thu hút đầu tư với bảo đảm quốc phòng - an ninh; bảo vệ tài nguyên và môi trường; gia tăng số lượng dự án FDI có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và gắn kết với đầu tư trong nước nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, tỉnh Hưng Yên đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý; tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông và đô thị; chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin đón dòng vốn quốc tế dịch chuyển vào Việt Nam… Trong năm, lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn công tác của các cơ quan ngoại giao; cho phép hàng trăm đoàn các tập đoàn, tổ chức quốc tế đến làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh; tổ chức các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại nước ngoài. Thông qua đó, Hưng Yên đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh, các khu phức hợp đô thị, thương mại, dịch vụ…
Cùng với quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với phương châm "Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp". UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thành lập đoàn công tác đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; qua đó nắm bắt những thuận lợi, khó khăn cần tháo gỡ và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên duy trì lịch tiếp xúc định kỳ với doanh nghiệp để trực tiếp nghe phản ánh, kiến nghị và xem xét giải quyết, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời cung cấp, trao đổi thông tin, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với nguyên tắc, quan điểm nhất quán, xuyên suốt là giải quyết nhanh, rõ, đúng pháp luật, góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp…
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, góp phần nâng cao vị thế, tầm vóc và uy tín của tỉnh Hưng Yên đối với bạn bè trong nước và quốc tế, thời gian tới, Hưng Yên tiếp tục chủ trương chủ động, linh hoạt, đổi mới, bám sát các chính sách ngoại giao kinh tế, thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, năng lượng tái tạo; đồng thời đẩy mạnh phát triển dịch vụ, logistics, thương mại biên giới, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, hướng đến sự phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.. Tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới và sáng tạo trong tư duy xây dựng và triển khai các chiến lược thu hút đầu tư kết hợp tận dụng hiệu quả những lợi thế. Cùng với hệ thống hạ tầng phát triển, môi trường đầu tư minh bạch và sự đồng hành thực chất của chính quyền tỉnh, Hưng Yên hứa hẹn tiếp tục là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn và sinh lợi.