Nhân sự để bảo vệ và thúc đẩy văn hóa dân tộc

Thứ hai - 05/07/2021 10:51

THƯ NGỎ GỬI BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Kính gửi đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ!

Lời đầu tiên, xin gửi đến đồng chí lời chào và lời chúc mừng nhân dịp đồng chí vừa được Quốc hội khóa XIV tín nhiệm bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, là nữ Bộ trưởng đầu tiên của một trong những Bộ quan trọng nhất, chuyên lo nhân sự cho toàn bộ hệ thống công quyền của nhà nước.

Qua thư này, chúng tôi, xin được lưu ý, gợi ý đồng chí về một số vấn đề liên quan đến chiến lược nhân sự trong ngành văn hóa, trong đó Văn học - Nghệ thuật, một trong những mặt trận đang được coi là yếu nhất trong tình hình hiện nay.

Tôi còn nhớ, trong vài dịp tiếp xúc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một nhà lãnh đạo rất quan tâm đến văn hóa, khi chúng tôi bày tỏ lo lắng về việc sau ngày kết thúc chiến tranh, nhiều cán bộ ít có thời gian tới các hiệu sách, nhà hát, các rạp chiếu phim, càng ít thời gian tự học, nâng cao trình độ tri thức, văn hóa, đồng chí Thủ tướng hài hước phê bình chúng tôi: Thế hệ chúng tôi, có số được giác ngộ cách mạng từ nhà trường, vào đời vẫn giữ được thói quen tự học, ngay cả khi trong nhà tù, nói chi lúc tự do. Đa số cán bộ bây giờ, xuất thân công nông, trưởng thành từ thực tiễn, không được chuẩn bị nếp quen tự học, tự đọc. Nên mình phải thông cảm. Nhưng cũng đừng coi đó là chuyện bình thường. Văn hóa và nếp sống có văn hóa giúp cho con người vượt qua nhiều tai họa, cám dỗ. Vì vậy, phải lưu ý cán bộ từ nền tảng giáo dục, sao cho ngoài chuyên môn, họ phải là người sống có Văn hóa.

Nhiều năm chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước, ngay cả trong những năm chiến tranh ác liệt, Đồng chí Phạm Văn Đồng luôn lưu ý các cấp, các ngành nhận thức cho đúng vai trò quan trọng và tác dụng to lớn của văn học- nghệ thuật trong đời sống và trong sự nghiệp cách mạng cũng như trong xây dựng đất nước tương lai. Đồng chí nhấn mạnh: Trên đời, chưa hề có một vũ khí tư tưởng nào sắc bén hơn văn học – nghệ thuật… Một tác phẩm hay, bất kể thuộc ngành nghệ thuật nào, bao giờ cũng có một tác dụng vô song, không những đối với một thời buổi, một thế hệ nào đó, mà tới muôn đời, không những đối với một nơi, mà đối với mọi nơi (Sách: Tổ quốc ta, Nhân dân ta, sự nghiệp ta và người Nghệ sĩ).

Ngày nay, sau gần nửa thế kỷ hòa bình, cán bộ viên chức được chọn lựa trên cơ sở bằng cấp, chứng chỉ. Nhưng vấn đề thực học, thực tài vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra với ngành Giáo dục. Nếu ngay từ thuở học phổ thông và đại học, người học không rèn được nếp quen đọc sách và tự học, thì không hy vọng gì, khi đã ra làm việc, quen với chức quyền, thiếu thốn thời gian, một số người trở lại vài lớp bồi dưỡng, “tráng men” bằng cấp. Học giả, bằng giả sẽ còn tiếp tục là hiện tượng tồn tại lâu dài.

Không có gì lạ khi mấy mươi năm nay, không có nhiều những “nhà văn hóa” có mặt trong hệ thống cán bộ Nhà nước cấp trung ương hoặc các tỉnh thành. Các địa phương đua chen xây dựng kinh tế và hạ tầng cơ sở, nhưng có nơi nào có ý thức đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nhân lực làm nên bản sắc văn hóa đại diện cho mỗi địa phương? Hơn nửa thế kỷ, nước ta mở rộng quan hệ ngoại giao với hàng trăm quốc gia, liệu có bao nhiêu nhà ngoại giao có mặt trong các hoạt động văn hóa ở trong và ngoài nước?

Trong thư này, chúng tôi muốn đồng chí lưu ý đến những giải pháp cụ thể để xây dựng nhân lực hoạt động trên mặt trận Văn hóa - Nghệ thuật.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét: Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp, tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên (Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam).

Trong sự xuống cấp của văn hóa có trách nhiệm chủ quan của công tác lãnh đạo và tổ chức.

Do sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, trong thời đại kỹ thuật số, thế giới phẳng, biên giới quốc gia về văn hóa gần như đã bị xóa mờ. Một thực tế là trong hơn 700 tờ báo, hàng trăm nhà xuất bản và công ty văn hóa, hơn 70 đài truyền hình Trung ương và địa phương, hơn 1.000  phòng chiếu phim (trong đó có quá nửa là của các công ty nước ngoài), gần như diện tích lớn nhất, chiếm thời lượng nhiều nhất là giới thiệu văn hóa phẩm nước ngoài. Hàng hóa tiêu dùng, phương tiện khoa học kỹ thuật, do ta còn lạc hậu nên việc nhập khẩu là bình thường, nhưng văn hóa lại không hoàn toàn như vậy. Toàn bộ cơ sở vật chất và nhân lực của văn hóa, đáng lý là một đội hình chủ động tấn công, thì trong thực tế, do không có hàng rào bảo vệ, để tồn tại, ta đang tự nguyện nhập siêu các sản phẩm văn hóa ngoại quốc, và phải mua với giá không hề  thấp.

Từ buổi đầu xây dựng chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi. Vì thế Người mới coi Văn hóa là một mặt trận. Nhìn từ phương diện ấy, thì trên mặt trận văn hóa hiện nay, văn hóa nội địa chiếm một thị phần rất nhỏ. Sự sa sút và suy thoái về đạo đức xã hội, nhạt nhòa bản sắc dân tộc có nguồn gốc từ sự yếu kém về đầu tư cho văn hóa. Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng văn hóa phát triển không tương xứng.

Từ ngày có Đổi mới, hiện tượng tràn ngập trên nhiều lĩnh vực các sản phẩm và văn hóa của Hàn Quốc rất đáng cho những người có trách nhiệm suy nghĩ. Với sự tiền trạm của các sản phẩm văn hóa (phim ảnh, ca hát, thời trang...), kinh tế Hàn Quốc mở rộng đầu tư, tiếp theo là cả một làn sóng văn hóa Hàn Quốc xâm nhập, chinh phục rộng rãi lớp trẻ. Với Hàn Quốc, văn hóa  không chỉ giúp xây dựng hình ảnh đất nước, mà còn là một mũi nhọn đầu tư có hiệu quả kinh tế cao. Trong khi, dù rất tự hào về lịch sử, văn hóa và phẩm chất con người Việt Nam, thì cho đến nay, những sản phẩm văn hóa Việt Nam vẫn chưa tương xứng với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà nước ta đang có.

Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi mong trong nhiệm kỳ mới này, đồng chí Bộ trưởng quan tâm đúng mức hơn cho việc chuẩn bị nhân sự và nhân lực cho mặt trận Văn hóa. Đây là lĩnh vực của tài năng thiên phú. Trong những năm cách mạng và kháng chiến, từ trong đội ngũ có mặt bằng văn hóa không cao, đã xuất hiện một số lượng khá lớn văn nghệ sĩ thuộc nhiều loại hình, tạo lập ra một nền văn học nghệ thuật phong phú, giàu sức cổ vũ sĩ khí chiến đấu cho cả dân tộc. Trong cuộc sống hôm nay, những tác phẩm đó vẫn có vị trí của những Giai điệu tự hào.

Ngày nay, mặt bằng văn hóa của toàn xã hội nâng cao, giao lưu quốc tế được rộng mở, lớp người có khả năng sáng tác và sáng tạo các loại hình văn học nghệ thuật đông hơn nhiều. Nhưng từ đó để trở thành những tác giả có những tác phẩm lớn, đáp ứng yêu cầu thưởng thức nghệ thuật trình độ ngày càng cao và càng đa dạng của công chúng là một chặng đường không phải ai cũng lựa chọn. Đây chính là công việc của các nhà tổ chức: phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đúng người, đúng việc.

Lớp trẻ hiện nay có nhiều lựa chọn. Từ sáng tác vài tác phẩm xuất phát từ cảm hứng tuổi thanh xuân, đến khi chọn một ngành văn học nghệ thuật làm nghiệp cả đời, là chọn một hành trình gian nan, vất vả mà thành công không phải bao giờ cũng được bảo đảm, nên không phải ai cũng đủ ý chí và nghị lực để theo đuổi.

Nhưng một nền văn học nghệ thuật dân tộc không thể thiếu những “cỗ máy cái” về sáng tác và sáng tạo. Đây chính là đội ngũ mà chúng ta chưa có một chiến lược khoa học và bền bỉ để phát hiện, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho họ sáng tạo. Trong lĩnh vực sáng tạo, đào tạo  để có bằng cấp, chứng chỉ không phải là phương thức duy nhất. Những tác phẩm hay không chỉ giúp giành lại công chúng trong nước, xây dựng hình ảnh một đất nước đang vươn lên, mà phải thành những sứ giả vươn ra thế giới, biến nền văn hóa Việt Nam hiện đại có sức thu phục, lan tỏa ra tầm quốc tế, như nhiều nước đã thành công.

Trong nền kinh tế thị trường, việc chọn ngành nghề nào, theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào lợi ích kinh tế rất nhiều. Đời sống khó khăn của phần lớn văn nghệ sĩ  phải được Nhà nước quan tâm, tìm chính sách phù hợp để cải thiện, nâng cao.

Đầu tư cho đội ngũ sáng tạo văn hóa, Văn học - Nghệ thuật không chỉ là tạo sức mạnh cho mặt trận văn hóa, mà còn là một mũi nhọn bền vững cho sự phát triển kinh tế nước nhà. Bảo tồn, nuôi dưỡng những nghệ sĩ đang là những Bảo tàng sống cho các loại hình nghệ thuật truyền thống của hơn 54 dân tộc cũng là vấn đề cấp thiết và quan trọng.

Chúng tôi mong trong nhiệm kỳ mới, trên cương vị công tác của mình, với thế mạnh của một người con của xứ sở có nền tảng văn hóa đặc sắc lâu đời, đồng chí Bộ trưởng sẽ có những quyết sách cụ thể về nhân sự để góp phần đưa nền văn hóa nước nhà, trong đó hạt nhân là Văn học - Nghệ thuật, tương xứng và đồng bộ với các mặt phát triển khác của đất nước trong thời kỳ mới.

Xin gửi tới đồng chí Bộ trưởng lời chúc mừng chân thành và niềm tin.


Tác giả: Nhà văn Ngô Thảo
Nguồn Văn nghệ số 27/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây