Các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á dường như đã đạt được "sự đồng thuận" cho 5 vấn đề về Myanmar trong một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ở Jakarta vào thứ Bảy tuần trước, bao gồm "chấm dứt bạo lực ngay lập tức" sau khi tiếp quản quân sự vào ngày 1/2.
Khối ASEAN cũng cho biết sẽ cử một phái viên để hòa giải các cuộc đàm phán giữa “tất cả các bên” ở Myanmar.
Nhưng trong một thông cáo báo chí hôm thứ Hai (26/4), Hội đồng Quản lý Nhà nước của quân đội chỉ cho biết “những đề xuất” do các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra “sẽ được xem xét một cách tích cực” nếu chúng tạo điều kiện cho nền tảng riêng của quân đội và “phục vụ lợi ích của đất nước”.
"Myanmar thông báo với các bên rằng họ sẽ xem xét cẩn thận các đề xuất mang tính xây dựng của các nhà lãnh đạo ASEAN khi tình hình trong nước ổn định trở lại vì các ưu tiên ngay lúc này là duy trì luật pháp và trật tự cũng như khôi phục hòa bình và yên tĩnh của cộng đồng", thông báo viết, đồng thời được trình bày cho Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta.
Tuyên bố của Myanmar làm giảm kỳ vọng rằng quá trình đối thoại sẽ thúc đẩy quân đội trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo dân sự bị giam giữ khác. Kèm theo đó, có khả năng kế hoạch tổ chức một cuộc bầu cử mới vào đầu năm 2022 sẽ bị thay đổi sau một năm triển khai tình hình khẩn cấp.
Động thái bổ nhiệm đặc phái viên là bất thường đối với ASEAN, vốn theo truyền thống thường tránh can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp chính trị trong nước và đã nhận được sự hoan nghênh của phe đối lập tại Myanmar.
Hôm thứ Ba (27/4), một nhóm dân tộc có vũ trang ở Myanmar được gọi là Quân đội Giải phóng Quốc gia Karen đã chiếm một tiền đồn quân sự gần biên giới Thái Lan, dấu hiệu của việc leo thang bạo lực tại quốc gia này.
Liên minh Quốc gia Karen (KNU), nhóm vũ trang dân tộc lâu đời nhất ở Myanmar, đã tấn công một đồn biên phòng quân sự ở Thaw Le Hta gần thị trấn Mae Hong Song phía tây bắc Thái Lan, dẫn đến một số thương vong, ông Saw Taw Nee, người đứng đầu Bộ Ngoại giao của KNU, cho biết qua điện thoại hôm thứ Ba.
Kể từ khi lật đổ chính phủ dân sự, chính quyền quân sự đã tổ chức trấn áp dẫn dến hơn 750 người biểu tình thiệt mạng trên khắp đất nước và bắt giam gần 3.500 người khác, theo thông tin từ Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.
Theo Hoàng Nam/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên