An toàn khu Bãi Sậy - một căn cứ cách mạng chống Nhật ở giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ
Thứ hai - 28/10/2024 21:58
Nằm trên địa bàn có vị trí chiến lược, được Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ và Ban Cán sự Đảng tỉnh quan tâm chọn làm khu an toàn, An toàn khu Bãi Sậy được thành lập (năm 1944). Phát huy vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở cách mạng, lực lượng chính trị và tổ chức của Đảng, đồng thời tích cực xây dựng đội tự vệ làm lực lượng nòng cốt, mạnh dạn đưa quần chúng ra đấu tranh tập dượt từ thấp đến cao, An toàn khu Bãi Sậy đã trở thành một căn cứ cách mạng chống Nhật ở giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Cuộc khủng bố lớn kéo dài từ cuối năm 1941 đến giữa năm 1942 đã gây cho Đảng bộ tỉnh cũng như phong trào cách mạng ở Hưng Yên những tổn thất nặng nề và gặp nhiều khó khăn. Đến cuối năm 1942, đầu năm 1943, tình hình trong nước đã có những thuận lợi cho phong trào cách mạng. Đầu năm 1944, được sự giúp đỡ của các đồng chí Xứ ủy Bắc Kỳ, An toàn khu Bãi Sậy được hình thành, bao gồm vùng giáp giới của 3 huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào, lấy Bần Yên Nhân làm trung tâm, do đồng chí Bang (Lê Liêm) trực tiếp chỉ đạo.
Với vị trí địa lý nằm ở phía bắc tỉnh, dễ dàng cho việc tiếp nhận chỉ đạo của Xứ uỷ từ Hà Nội và Bắc Ninh, An toàn khu Bãi Sậy còn là cơ sở liên lạc với khu nam Hưng Yên và các tỉnh Thái Bình, Bắc Ninh. Nguyên tắc của An toàn khu là chú trọng gây dựng, phát triển cơ sở là chính, không đấu tranh công khai. Ủy ban vận động Việt Minh khu Bãi Sậy được thành lập và chỉ đạo việc xây dựng, phát triển cơ sở khu. An toàn khu Bãi Sậy thành lập một chi bộ ghép gồm 3 đảng viên, do đồng chí Huỳnh (Lê Trần Trừ) làm Bí thư.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ và Ban Cán sự tỉnh Hưng Yên, Ban Cán sự khu chăm lo xây dựng phát triển lực lượng và mở rộng cơ sở. Các đồng chí đảng viên trong Chi bộ đã phân công nhau đi phát triển cơ sở cách mạng ở Hoàng Nha, Thanh Đặng, Thái Lạc, Nhạc Miếu (huyện Văn Lâm), Bần Yên Nhân, Phạm Xá (huyện Yên Mỹ) và bắt liên lạc với Bình Tân, Văn Nhuế, Yên Tập (huyện Mỹ Hào, nay là thị xã Mỹ Hào), mở rộng cơ sở ở Liêu Xá (huyện Yên Mỹ) vốn đã có từ trước. Do vậy, cơ sở hoạt động lan rộng ra một số nơi, phong trào phát triển tương đối nhanh chóng. Kết quả, từ những mối lẻ tẻ trước kia nay đã thống nhất được tổ chức và xây dựng thêm được những cơ sở quần chúng tương đối khá. Từ phố Bần, anh em đã gây dựng được cơ sở trong thôn xóm, khu phố; đặc biệt, Việt Minh Bãi Sậy đã quan tâm gây dựng được nhân mối trong binh lính địch ở đồn Bần. Được quần chúng nhân dân giúp đỡ, che chở, nhờ vậy mà ngay sát địch, các hoạt động của khu an toàn Bãi Sậy cơ bản vẫn giữ được an toàn.
Đầu năm 1944, cơ quan ấn loát của Xứ ủy Bắc Kỳ được chuyển từ huyện Văn Lâm về xã Giai Phạm (huyện Yên Mỹ), lấy tên là Nhà in Minh Khai, do đồng chí Xuân Trường phụ trách. Vì đây là nơi hội họp, đông người đi lại, nên cơ sở phải chuyển nhiều địa điểm khác nhau. Không chỉ in truyền đơn tài liệu cho An toàn khu Bãi Sậy, cơ quan ấn loát này còn in tài liệu cung cấp cho cả tỉnh Thái Bình.
Sự phát triển của phong trào ở An toàn khu Bãi Sậy đòi hỏi phải có sự tăng cường chỉ đạo một cách sâu sát, cụ thể để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chung. Trước tình hình đó, Xứ ủy Bắc Kỳ và Ban Cán sự Đảng tỉnh chủ trương tăng cường đào tạo, huấn luyện cán bộ địa phương, tiến tới thành lập chi bộ Đảng trực tiếp chỉ đạo phong trào. Khoảng giữa năm 1944, một chi bộ ghép nữa tiếp tục được thành lập, đáp ứng nhu cầu thống nhất chỉ đạo hoạt động của An toàn khu Bãi Sậy trong giai đoạn vận động cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Thời gian này, các hình thức tổ chức bí mật, bất hợp pháp được kết hợp với công khai, hợp pháp (như Hội đá bóng, Hội hát trống quân) để giáo dục, thu hút quần chúng vào các đoàn thể Việt Minh. Các cuộc đấu tranh đã khá hơn trước cả về quy mô lẫn hình thức. Các cơ sở được xây dựng tương đối đều khắp, ở cả nông thôn, thị tứ và tỉnh lỵ, tranh thủ được quần chúng một cách công khai, rộng rãi hơn. Điển hình và mạnh mẽ nhất là cuộc đấu tranh không nộp thóc tạ, chống thuế của nhân dân làng Yên Tập, xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào giữa năm 1944; cuộc mít tinh đêm 07/11/1944 tại cánh đồng xã Minh Hải (huyện Văn Lâm) nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga... Tinh thần giác ngộ cách mạng của nhân dân từng bước được nâng lên, các tổ chức quần chúng càng phát triển, nhân dân ngày càng hưởng ứng và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh.
Một bước tiến quan trọng của An toàn khu Bãi Sậy là thành lập đội tự vệ, đồng chí Nguyễn Phương Thảo (sau này là Trung tướng Nguyễn Bình) tham gia cán bộ chỉ huy. Đến tháng 3/1945, phần lớn các thôn trong An toàn khu Bãi Sậy đã có tiểu tổ Việt Minh gồm hàng chục hội viên cứu quốc. Toàn An toàn khu bước vào cao trào cách mạng, tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám.
Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tại Hưng Yên, cao trào kháng Nhật, cứu nước diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ ở các địa phương trong tỉnh. Hoạt động mở đầu thắng lợi, đánh dấu thời kỳ hoạt động mới của An toàn khu Bãi Sậy là trận đánh đồn Bần diễn ra vào đêm ngày 12/3/1945 . Theo đúng giờ đã hẹn với nhân mối, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Bình, đội quân Việt Minh đóng giả Nhật và lính Đại Việt ngang nhiên tiến vào đồn. Từ tên quản người Pháp đến binh lính trong đồn đều bỏ chạy tán loạn, kẻ trốn, người hàng. Súng đã được bó sẵn, ta thu được 26 khẩu súng các loại cùng một hòm đạn 6.000 viên. Trận đánh kết thúc nhanh chóng, ta rút khỏi đồn an toàn, lực lượng vừa rút khỏi cũng là lúc bọn Nhật ập đến, quân lính trong đồn mới biết bị Việt Minh đánh lừa. Thắng lợi quân sự đầu tiên này có ảnh hưởng rất lớn trên nhiều mặt, làm cho quần chúng nhân dân tin tưởng vào lực lượng Việt Minh, tin vào cách mạng, hăng hái tham gia chống Nhật, cứu nước. Đồng thời, được tiến hành bằng lực lượng vũ trang, tận dụng được thời cơ, không bị thương vong, không tốn một viên đạn, trận đánh thắng đồn Bần lần thứ nhất có ý nghĩa quan trọng cả về quân sự, chính trị, tư tưởng và sự ảnh hưởng trong cả một vùng rộng lớn. Do vậy, sau này trận đánh đồn Bần đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá rất cao, coi là “trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng”.
Nạn đói đang đe dọa, nhân dân cần thóc gạo để sống, trong khi đó các kho thóc của Nhật đầy ắp. An toàn khu Bãi Sậy chủ trương phá kho thóc liên đoàn của Nhật, hạ uy thế của chúng, chống đói cho dân. Từ tháng 3 tới tháng 6/1945, lực lượng ta liên tiếp lãnh đạo nhân dân phá kho thóc chia cho dân nghèo, thuyết phục binh lính đồng tình, đòi lại được người bị bắt và binh lính phải rút. Hơn 1.000 tấn thóc đã được chia cho dân nghèo trong An toàn khu gồm. Uy thế của cách mạng, sức mạnh của quần chúng tăng nhanh...
Cùng với đó, lực lượng Việt Minh các địa phương tổ chức các cuộc diễn thuyết xung phong, tuần hành và mít tinh lớn ở nhiều nơi, nhằm biểu dương lực lượng quần chúng cách mạng và tạo thanh thế cho Việt Minh. Sang tháng 6/1945, hoạt động của lực lượng vũ trang được đẩy lên một bước để chống lại hành động khủng bố, tước vũ khí địch trang bị cho mình. Từ trung tuần tháng 6/1945, những hoạt động vũ trang trong tỉnh được diễn ra thường xuyên, dồn dập hơn. Đi đôi với hoạt động vũ trang, lực lượng Việt Minh đẩy mạnh công tác trừ gian, kịp thời chặn chân địch.
Hoạt động sôi nổi, kiên quyết, nhịp nhàng trên các mặt của lực lượng cứu quốc An toàn khu Bãi Sậy, cùng các huyện trong tỉnh thời gian này đã tác động thúc đẩy lẫn nhau, tạo thành cao trào cách mạng mạnh mẽ, đòi hỏi sự lãnh đạo phải gấp rút, tăng cường và thống nhất. Tháng 5/1945, tại Hội nghị ở Thượng Bùi (xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ), tỉnh đã kịp thời thống nhất lực lượng của An toàn khu Bãi Sậy với phong trào toàn tỉnh, Ủy ban Việt Minh tỉnh được thành lập lấy tên là Ủy ban Việt Minh tỉnh Tán Thuật, đồng chí Lương Hiền là Chủ tịch. Với danh nghĩa công khai đó, Ban Cán sự Đảng tỉnh thực hiện sự lãnh đạo và chỉ đạo thống nhất đối với toàn bộ cao trào cách mạng. Một số cán bộ của An toàn khu Bãi Sậy được điều động đi tăng cường cho một số địa phương khác trong tỉnh nên kinh nghiệm hoạt động ở các nơi được kịp thời trao đổi cho nhau. Việc thống nhất lực lượng trên có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường chỉ đạo, thúc đẩy phong trào ở các địa phương trong tỉnh; đánh dấu bước phát triển về chất của cao trào kháng Nhật cứu nước ở Hưng Yên, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám.
Từ ngày 16 - 22/8/1945, toàn An toàn khu Bãi Sậy sục sôi khí thế khởi nghĩa giành chính quyền tại địa phương, phối hợp với Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và nhanh chóng đưa lực lượng về tham gia khởi nghĩa tại tỉnh lỵ Hưng Yên... Đỉnh cao của cao trào cách mạng trong An toàn khu Bãi Sậy là đã nắm bắt đúng thời cơ, kịp thời phối hợp và bằng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang quần chúng của chính mình, từng huyện trong An toàn khu nhanh chóng giành chính quyền về tay nhân dân, tự giải phóng mình. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, An toàn khu Bãi Sậy cử các đội công tác xuống giúp các huyện, các xã tiếp tục thu hồi bằng, triện, sổ sách của chính quyền cũ; thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, xây dựng các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh và củng cố lực lượng vũ trang, xây dựng cuộc sống mới.
Có thể nói, được thành lập và tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, song An toàn khu Bãi Sậy đã thể hiện rõ vai trò không chỉ là chỗ dựa vững chắc, là an toàn khu của cán bộ, cơ quan Xứ ủy, có đóng góp cho Xứ ủy để lãnh đạo phong trào cách mạng các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình và Hải Phòng. Sự thành lập và các hoạt động đấu tranh tiêu biểu của An toàn khu Bãi Sậy đồng thời góp phần nuôi dưỡng, bảo vệ phong trào cách mạng của địa phương trong khu và của tỉnh, chuẩn bị mọi điều kiện tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.