Ngôi làng có người đỗ Hoàng Giáp trẻ nhất cả nước

Thứ sáu - 01/11/2024 16:27
Không chỉ là ngôi làng nổi tiếng khoa bảng với hàng chục tiến sĩ thời phong kiến, nơi đây còn được ví như “lò luyện thi” khi sĩ tử bốn phương luôn tìm đến để củng cố kiến thức. Làng Thổ Hoàng, nay là làng Thổ Hoàng Cả (TT.Ân Thi, H.Ân Thi, Hưng Yên) được gọi là làng tiến sĩ và là một trong 12 làng có truyền thống về khoa cử bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 10 tiến sĩ đỗ đại khoa.
tho hoang 1
Làng Thổ Hoàng Cả hôm nay
Thổ Hoàng tiếng Hán có nghĩa là "vùng đất vàng". Theo sử liệu, làng Thổ Hoàng được hình thành cách đây gần 2.000 năm. Ðây được coi là vùng đất lành, có thế đất “thất tinh quần tụ”, các xóm quây quần theo hình vòng tròn Người dân trong làng tự hào là đây nơi duy nhất ở xứ Nhãn có “đảo Cò” - đảo rộng một sào bắc bộ (1.000 m2) nằm giữa hồ nước, cây cối sum suê, cò đậu trắng xóa. Xung quanh đảo cứ sớm hay chiều tà là lại có những cánh cò trắng bay lượn tô điểm cho ngôi làng thêm phần thơ mộng. Các tài liệu mà Thổ Hoàng còn lưu giữ được cho biết, vào khoảng thế kỉ 6 làng đã định hình hương ấp với phương pháp tổ chức chặt chẽ. Theo điển tích “thất tinh quần tụ”, Thổ Hoàng do các xóm Dường, Đình, Dộc, Cạo, Đá, Chùa, Lươn, Mụ hợp thành.
bia van mieu
Bia tại Văn miếu Xích Đằng, nơi ghi danh các bậc đại khoa tỉnh Hưng Yên
(Với 12 tiến sĩ, Thổ Hoàng là 1 trong 12 làng khoa bảng có nhiều người đỗ đại khoa nhất )
Kể từ khi triều đình phong kiến mở khoa thi chọn người hiền tài ra giúp nước cho đến khoa thi cuối cùng, làng Thổ Hoàng đã có hàng trăm người đỗ cử nhân, tú tài ở các kỳ thi. Trong đó, 12 người đỗ đại khoa và là một trong 10 làng có truyền thống khoa cử bậc nhất trong lịch sử đất nước. Tiêu biểu nhất trong các nhà khoa bảng của Thổ Hoàng là Nguyễn Trung Ngạn - vị Hoàng giáp đầu tiên của nền khoa cử phong kiến Việt Nam. Năm 12 tuổi, ông đỗ Thái học sinh, năm 16 tuổi, đỗ Hoàng giáp (1304), là vị Hoàng giáp trẻ nhất cả nước và cũng là ông tổ khai khoa của làng Thổ Hoàng. Về sau, ông làm quan đến chức Nhập nội Đại Hành khiển (tức Tể tướng), tước Thân Quốc công, đứng đầu hàng ngũ quan lại trong triều đình. Làm quan dưới 5 triều vua nhà Trần, Nguyễn Trung Ngạn xuất sắc trên mọi phương diện chính trị, quân sự, ngoại giao, luật pháp, sử học... Ngày nay, trên quê hương Thổ Hoàng còn lưu giữ được mộ phần của Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn. Phần mộ đặt trên cồn Con Nhạn, bởi thế đất có hình giống con nhạn rộng hơn 70m2, chung quanh xây viền gạch, tọa lạc ở phía Tây Nam làng Thổ Hoàng.

Sau Nguyễn Trung Ngạn, Thổ Hoàng có Cáp Phùng (đỗ tiến sĩ năm 1463), Nguyễn Văn Bính (đỗ năm 1505), Nguyễn Chấn Chi (đỗ Hoàng giáp năm 1518), Vũ Đàn (đỗ năm 1526), Hoàng Tuân (đỗ Bảng nhãn năm 1553), Nguyễn Đức Trân (đỗ năm 1562), Hoàng Chân Nam (đỗ năm 1571), Hoàng Công Sân (đỗ năm 1670), Hoàng Công Bảo (đỗ năm 1710), Vũ Công Thắng (đỗ năm 1867), Vũ Trác Oánh (đỗ năm 1556), Hoàng Bình Chính (đỗ năm 1775).
111
Đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn
Theo tìm hiểu của các nhà nghiên cứu, làng Thổ Hoàng không chỉ có nhiều người đỗ đạt thành danh, mà còn đỗ đạt theo hệ thống dòng họ. Đặc biệt, có những dòng họ cha con, ông cháu đều đỗ đạt như họ Hoàng có 5 người đỗ đại khoa là: Hoàng Tuân - khai khoa cho dòng họ Hoàng, Hoàng Chân Nam (cháu của Hoàng Tuân). Cụ tổ khai sinh ra dòng họ Hoàng ở làng Thổ Hoàng là cụ Hoàng Chân Tính làm nghề dạy học ở xa. Khi mất, con cháu đưa cụ về làng bằng bè chuối để chôn cất. Đoàn người về đến đầu làng thì đêm đã khuya, con cháu đành quần tụ ở đó và đợi sáng hôm sau làm nghi lễ. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm mối đã đùn bao kín thi thể tạo thành một gò cao. Con cháu cho đó là điềm lành nên an táng cụ tại đó. Hai người con của cụ, người ở lại thì con cháu phát đường khoa cử, văn chương. Người di cư thì con cháu phát đường võ nghiệp. Điều đặc biệt, nhánh họ Hoàng ở Vân Nội chính là cội nguồn dòng họ ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay, nhà thờ họ Hoàng là một trong những di tích nho học và khoa bảng của Hưng Yên, phối thờ tổ tiên dòng họ Hoàng và các vị tiến sĩ trong dòng họ. Được xây dựng từ năm 1893, nhà thờ họ Hoàng từng trùng tu lại và lưu giữ được một tấm bia đá rất có giá trị, có niên đại từ thế kỷ 17 do tiến sĩ Trần Thế Vinh (Tri phủ Khoái Châu) phụng soạn.

Cảnh cũ, người xưa giờ đã đổi thay nhiều, nhưng truyền thống hiếu học ở làng Thổ Hoàng Cả vẫn như mạch nguồn chảy mãi. Làng Thổ Hoàng Cả ngày nay là sự kết hợp hài hòa giữa nét cổ kính, yên bình với sự khang trang, sôi động thời hiện đại. Những dịp tết đến xuân về, con cháu quây quần đông đủ lại là dịp để các cao niên cùng ngồi lại và đánh giá lại những thành tích học tập của dòng họ trong năm qua. Không chỉ quan tâm, thăm hỏi thường xuyên, những món quà động viên tinh thần dành cho những thế hệ tương lai của đất nước cũng đóng góp một phần không nhỏ khơi dậy niềm hăng say học tập của các em học sinh.

 
NLBHY
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây