Bạn có biết: Ngày giải phóng Thủ đô và bài hát Tiến về Hà Nội?

Thứ tư - 09/10/2024 16:40
Cách đây 70 năm về trước, ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội, trái tim yêu thương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được hoàn toàn giải phóng, thoát khỏi ách kìm kẹp, chiếm đóng, đô hộ của thực dân Pháp, mở ra trang sử mới cho thủ đô Hà Nội: Hòa bình và phát triển.
70 nam giai phong thu do
Để có ngày tiến về Hà Nội, giải phóng Thủ Đô, Quân đội ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu nêu cao tinh thần độc lập dân tộc, đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm trường kỳ kháng chiến, đánh bại thực dân Pháp xâm lược bằng trận đánh quyết định, lịch sử “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mở ra cơ hội tốt cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc ký kết Hiệp định Giơnevơ tháng 7//1954, buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia...

Theo Hiệp định Giơnevơ ký kết ngày 21/7/1954, một số khu vực miền Bắc nước ta trở thành vùng tập kết, chuyển quân của quân đội liên hiệp Pháp, trong đó có Hà Nội với thời gian là 80 ngày. Đồng nghĩa với việc trong 80 ngày đó Hà Nội và một số khu vực khác chưa có hòa bình. Vì vậy Trung ương Đảng chỉ rõ nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng nước ta là hình thức đấu tranh vũ trang đã chuyển đổi ra hình thức đấu tranh chính trị. Tiếp quản các thành thị lớn ở miền Bắc mới giải phóng là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là tiếp quản Hà Nội.

Đảng, Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu giao cho các đơn vị quân đội là lực lượng chủ yếu làm nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội. Để làm tốt công tác tư tưởng, chính trị, xác định tinh thần, quán triệt nhiệm vụ quan trọng và không ít khó khăn này, Bác Hồ đã có cuộc gặp mặt và chỉ thị cho bộ đội Đại đoàn 308 Quân tiên phong về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng (Phú Thọ), cán bộ chỉ huy các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 được Bác Hồ căn dặn “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người nêu rõ “Tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các cháu được Trung ương và Chính phủ giao cho tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn. Tiếp quản Thủ đô phải thận trọng, chu đáo, tổ chức, kỷ luật, trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh, giữ gìn trật tự, an ninh bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Chống mọi hành động phá hoại vì kẻ địch còn lẩn lút, dân ta còn có những việc làm vô ý...”. Theo đó từ ngày 2/10/1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phái nhiều đoàn công tác gồm các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính... vào thành phố trước để chuẩn bị tiếp quản. Ngày 8/10/1954 phía ta đã hoàn thành việc ký kết bàn giao các cơ quan, công sở, công trình lợi ích công cộng ở nội thành với phía Pháp. Chiều ngày 8/10/1954, quân Pháp làm lễ cuốn cờ tại thành Hà Nội. Sáng ngày 9/10/1954, ta tổ chức tiếp thu các khu vực quân sự như: Quần ngựa, Bạch Mai, Đồn Thủy... 16 giờ chiều cùng ngày những tên lính Pháp cuối cùng đã rút hết sang phía đông cầu Long Biên để rời khỏi Hà Nội.

Đúng 16 giờ 30 phút ngày 9/10/1954 quân ta đã hoàn toàn kiểm soát, tiếp quản thành phố Hà Nội gọn gàng và trật tự.

Sáng ngày 10/10/1954, dưới nắng vàng của trời thu Hà Nội, Ủy ban Quân chính thành phố do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh trưởng Sư đoàn quân tiên Phong 308 là chủ tịch và các đơn vị quân đội nhân dân bao gồm cả bộ binh, pháo binh, cơ giới... chia làm nhiều cánh quân lớn mở cuộc hành quân lịch sử  tiến vào giải phóng Thủ đô dưới sự hân hoan, chào đón của hàng vạn đồng bào Thủ đô.

Đúng 15 giờ chiều ngày 10/10/1954, còi trên nóc nhà thành phố vang lên một hồi dài, hàng nghìn người dân thủ đô Hà Nội dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức tại sân vận động Cột cờ. Sau lễ chào cờ Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng. Sau đó là những tiếng hô vang trời, dậy đất: “Chủ Tịch Hồ Chí Minh muôn năm” càng làm cho không khí của ngày hội thêm tưng bừng, phấn khởi.

Trở lại với bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao. Bài hát này được Văn Cao sáng tác vào đầu năm 1949 khi cuộc kháng chiến chống thực dân pháp của nhân dân ta đang trong giai đoạn “cầm cự” với quân Pháp. Sau khi ra đời, năm 1950, bài hát được dàn dựng phục vụ bộ đội, nhân dân khu vực Thái Bình.

Điều đặc biệt là giữa bài hát “Tiến về Hà nội” và ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 có mối liên hệ, trùng khớp lạ kỳ, từ khí thế hào hùng của ngày giải phóng đến sự tươi vui trở về của những đoàn quân tiến về  mặc dù hai sự kiện ra đời cách nhau 5 năm. Năm 1949 Văn Cao viết; “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về. Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng. Cờ ngày nào tung bay trên phố...Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về. Cả cuộc đời tươi vui về đây. Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về. Như đài hoa đón mừng nở 5 cánh đào...” . 5 năm sau ngày 10/10/1954, bộ đội ta chia làm nhiều cánh quân lớn hành quân qua 5 cửa ô là; Quan Chưởng, Cầu Giấy, Cầu Dền, Đống Mác, Chợ Dừa hùng dũng tiến vào giải phóng thủ đô Hà Nội trong sự đón chào nồng nhiệt của hàng vạn đồng bào Thủ đô.  

Đúng là chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về để có thủ đô Hà Nội có một sức sống mới như ngày hôm nay; Ngày hội văn hóa vì hòa bình.

 
                                                                                         
Nguyễn Công Đản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây