Hưng Yên: Bảo tồn, lưu giữ nét đẹp văn hóa
Thứ tư - 02/10/2024 14:35
Đến với Hưng Yên, du khách thập phương không chỉ được nếm những món ngon nổi tiếng, những sản vật để tiến vua như nhãn lồng, gà Đông Tảo, cá mòi, giò bì phố Xuôi… mà còn được chiêm ngưỡng, vãn cảnh nhiều di tích lịch sử có niên đại hàng nghìn năm. Đây là tỉnh đứng thứ 3 trong cả nước về số lượng di tích được xếp hạng Quốc gia. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.200 di tích lịch sử, trong đó có 153 di tích được xếp hạng Quốc gia. Các di tích được xếp hạng bao gồm nhiều loại hình như: đình, đến, chùa, văn miếu…
Văn miếu Xích Đằng
Văn miếu Xích Đằng nằm trong Quần thể Di tích Phố Hiến, thuộc phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên. Đây là nơi thờ Khổng Tử, người được mệnh danh là “Người thầy tiêu biêu của muôn đời" và Chu Văn An, thầy giáo mẫu mực của nước ta ở triều Trần. Đây là một trong 6 văn miếu còn tồn tại trong cả nước được khởi dựng từ thế kỷ 17 (thời hậu Lê). Đến năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), triều Nguyễn xây dựng lại trên nền của chùa Nguyệt Đường. Dấu tích còn lại đến ngày nay là 2 mộ tháp đá: Phương Trượng Tháp và Tịnh Mãn Tháp. Năm 1992, Văn miếu Xích Đằng được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Chùa Hiến
Chùa Hiến thuộc địa phận Phố Hiến Hạ, nay là đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, T.P Hưng Yên. Chùa được xây dựng cuối thời Lý, đầu thời Trần. Trước cửa chùa có cây nhãn tiến vua nổi tiếng lâu đời, gọi là cây nhãn tổ được trồng cách đây hơn ba trăm năm. Theo nhà bác học Lê Quý Đôn từng mô tả “ Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh ngọt trời cho”. Vào mỗi mùa nhãn, người dân trong vùng lại hái quả để dâng đức Phật cúng thành hoàng và để quan lại địa phương mang tiến vua chúa, từ đó, nhãn Hưng Yên trở thành thức quả, sản vật tiến vua.
Ngay cạnh chùa Hiến là đình Hiến (tên gọi khác là đình Hoa Dương). Ngôi đình được xây dựng vào thế kỷ XVII mang đậm phong cách nghệ thuật hậu Lê với kiểu kiến trúc chữ đinh, gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Đình tôn thờ vị thành hoàng làng Mậu Dương – quan thái giám họ Du nhà Tống. Ông là người từng phục vụ nhiều năm trong triều đình nhà Tống, có công tôn tạo đền Mẫu thờ bà Dương Quý Phi và ông đã có công lao hưỡng dẫn nhân dân trong làng làm nghề canh nông, trồng dâu nuôi tằm, buôn bán thủ công, đánh cá hiện di cốt được an táng sau đình.
Đình Hiến và chùa Hiến là các di tích lịch sử văn hóa của địa phương được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1992 nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Phố Hiến.
Đền Mẫu
Đền Mẫu là nơi thờ Dương Quý Phi- vợ vua Tống Đế Bính. Đền Mẫu được khởi dựng vào thời vua Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo nguyên niên (1279). Trải qua các triều đại, Đền được trùng tu và phong tặng nhiều lần. Đến năm Thành Thái thứ 8 (1896), Đền được trùng tu lớn và có quy mô kiến trúc như ngày nay. Năm 1990, Đền Mẫu đã được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật. Điều gây ấn tượng với du khách khi đến nơi đây là hình ảnh cây cổ thụ trên 700 năm tuổi, được kết hợp bởi 3 cây sanh, đa si, quấn lấy nhau vững chắc, rủ bóng um tùm, che chắn đền Mẫu.. Đây là một trong những cây cổ thụ lâu đời nhất ở Bắc Bộ. Từ ngày mùng 10 đến 15 Âm lịch, lễ hội đền Mẫu thu hút nhiều người đến xem với các hoạt động rước nước, múa lân, rước kiệu hay những hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc.
Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (tên thật là Nguyễn Văn Cúc), sinh ngày 1-7-1915, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Thấu hiểu cảnh đau khổ của đất nước lầm than, nô lệ do chế độ thực dân cai trị, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong phong trào học sinh từ năm 14 tuổi. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, muốn được cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, được tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dẫn đường, Ông đã tích cực, hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng trong học sinh, công nhân. Sau khi đất nước độc lập, ông giữ nhiều vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước. Tháng 12-1986, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngày 27-4-1998, ông qua đời khi hưởng thọ 83 tuổi. Để ghi nhớ công ơn của ông, tháng 4-2014, công trình tượng đài Nguyễn Văn Linh đã được khởi công xây dựng nằm trong khuôn viên Quảng trường Nguyễn Văn Linh, thành phố Hưng Yên.
PV