Bệnh bạch hầu và biện pháp phòng bệnh
Thứ ba - 09/07/2024 16:47
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm B, thường gặp ở trẻ nhỏ và người lớn chưa có miễn dịch. Ở nước ta, bệnh bạch hầu vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn dù đã có vắc-xin phòng ngừa bệnh bạch hầu.
Nguồn ô nhiễm
- Ổ chứa: Người bệnh và người lành mang trùng vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh, trong đó người lành mang trùng đóng vai trò duy trì nguồn truyền nhiễm ở cộng đồng. Bệnh Bạch hầu có thể đột nhiên xảy ra ở những nơi mà trước đó không thấy có ca bệnh xuất hiện. Thời gian ủ bệnh: Từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn.
- Thời kỳ lây truyền: Thời kỳ lây truyền thường bắt đầu từ khi khởi phát và kéo dài khoảng 2 tuần, đôi khi lên tới 4 tuần. Người bệnh đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, có thể ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần.
Phương thức lây truyền
- Bệnh Bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn Bạch hầu.
- Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn Bạch hầu.
Triệu chứng của bệnh Bạch hầu
- Viêm họng, mũi, thanh quản.
- Họng đỏ, nuốt đau.
- Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.
- Khám thấy có giả mạc. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc mầu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Cho giả mạc vào cốc nước dù có khuấy mạnh cũng không tan.
Các biện pháp phòng bệnh Bạch hầu
* Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh Bạch hầu:
- Cần phải đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Bệnh bạch hầu có tốc độ lây lan rất nhanh, biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là tỷ lệ tử vong cao. Do đó, dù là trẻ em hay người lớn cũng cần tiêm vắc xin đủ liều, đúng lịch, đồng thời đến bệnh viện điều trị ngay nếu phát hiện những triệu chứng bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm và hệ lụy đáng tiếc về sau.
* Vệ sinh phòng bệnh:
- Đối với các trường học ,nhà ở phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Tại nơi có ổ dịch Bạch hầu cũ cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Nếu có điều kiện thì ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn Bạch hầu.
- Phải sát trùng tẩy uế đồng thời và sát trùng tẩy uế lần cuối tất cả các đồ vật có liên quan tới bệnh nhân Bạch hầu. Tẩy uế và diệt khuẩn phòng bệnh nhân hàng ngày bằng cresyl, chloramin B; bát đĩa, đũa, chăn màn, quần áo… phải được luộc sôi; sách, vở, đồ chơi v.v… phải được phơi nắng.
Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh cũng như các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.
PV