Cựu binh Mặt trận Vị Xuyên đề đạt 5 nguyện vọng với Chủ tịch nước

Thứ tư - 20/07/2022 04:31

 

Những kiến nghị của đó được Chủ tịch nước lắng nghe, coi đó là những kiến nghị xác đáng, nhất là việc làm sạch môi trường và tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.

Ngày 13/7 vừa qua, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh, liệt sỹ, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt thân mật với các đại biểu Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh toàn quốc Mặt trận Vị Xuyên – Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang). Đoàn đại biểu dự cuộc gặp mặt lần này rất đông đủ với khoảng 70 người, trong đó có hàng chục tướng lĩnh, sỹ quan, đại diện cho khoảng 22.000 hội viên cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên trên toàn quốc.

111
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các đại biểu Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh toàn quốc Mặt trận Vị Xuyên

Phát biểu tại cuộc gặp này, Chủ tịch nước nhấn mạnh, chiến tranh biên giới trên Mặt trận Vị Xuyên luôn là một phần quan trọng của lịch sử chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn trân trọng, ghi nhớ những hy sinh, cống hiến của các sỹ quan, chiến sỹ và nhân dân cả nước trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, bảo vệ nền độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; trong đó có các cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (cũ) nay là tỉnh Hà Giang.

111
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm – nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Trưởng Ban liên lạc Mặt trận Vị Xuyên cho biết, đây là  một cuộc gặp có nhiều ý nghĩa. Đại diện Ban liên lạc đã đề đạt 5 vấn đề lớn với Chủ tịch nước.

PV: Thưa ông, cuộc gặp giữa cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chắc hẳn để lại nhiều ấn tượng?

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Cuộc gặp này quá ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sỹ quan và cựu quân nhân đã từng chiến đấu ở Mặt trận Vị Xuyên năm xưa. Cuộc gặp mặt này để lại những ấn tượng tốt đẹp, kể cả những người không trực tiếp được tham dự. Anh em bày tỏ sự xúc động rất lớn vì lần đầu tiên được một đồng chí lãnh đạo cấp cao, thay mặt Đảng và Nhà nước gặp mặt các cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên.

PV: Tại cuộc gặp này, đại diện cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên đã đề đạt những nguyện vọng gì, thưa Trung tướng?

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Tại cuộc gặp này, chúng tôi đề nghị 5 vấn đề. Thứ nhất, nên thống  nhất công tác tuyên truyền về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, trong đó có Mặt trận Vị Xuyên vì đó là những vấn đề lịch sử chứ không để tuyên truyền tự phát, có thể có những thông tin chưa chính xác.

Thứ hai, chúng tôi đề nghị đẩy nhanh quá trình rà phá bom mìn, làm sạch môi trường ở mặt trận Vị Xuyên cũng như các địa phương khác sau 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc nước ta (từ năm 1979- 1989)

Thứ ba, đẩy nhanh việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ ở chiến trường bởi vì số lượng cán bộ, chiến sỹ mặt trận Vị Xuyên hiện chưa tìm thấy hài cốt là hơn 1500 người dù chiến tranh đã kết thúc 33 năm. Hiện nay, trong Nghĩa trang Vị Xuyên có khoảng 1800 phần mộ liệt sỹ. Bên cạnh đó, hơn 600 hài cốt liệt sỹ đã được gia đình, đồng đội tự tìm kiếm, đưa về các nghĩa trang địa phương.

Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nghĩa trang đã được xây dựng, tu bổ khá khang trang, đẹp đẽ, xứng tầm với một nghĩa trang Quốc gia. Tuy nhiên, trong quy hoạch các hạng mục công trình, nên xây dựng một nhà bia ghi tên tuổi hơn 4000 liệt sỹ đã hy sinh ở Mặt trận Vị Xuyên. Nhà bia này rất quan trọng bởi nếu chỉ có phần mộ thôi là chưa đủ bởi hơn 1/3 số mộ chưa xác định được danh tính. Việc ghi tên họ vào tấm bia chung như vậy có ý nghĩa rất lớn.

Nội dung thứ tư là những di tích chiến tranh cần phải được bảo tồn, không để san lấp hoặc mất dấu tích bởi Mặt trận Vị Xuyên kéo dài 10 năm trời, hàng trăm trận đánh ở đó và có những chiến công rất lớn. Những di tích đó cần được giữ gìn để nay mai con cháu chúng ta hiểu được lớp cha anh đã chiến đấu, hy sinh như thế nào. Đồng thời, đó cũng là nguyện vọng của các cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên và thân nhân của họ.  

Nội dung cuối cùng là công tác khen thưởng cũng sớm được triển khai cụ thể hơn bởi một số đơn vị năm xưa đã giải thể, một số anh em chưa được giải quyết quyền lợi. Do đó, nên có các chủ trương, chính sách kịp thời bởi vì nhiều người đã cao tuổi, một số người đã mất.

111
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm đứng thứ hai từ bên phải sang. 

PV: Thưa ông, những kiến nghị đó được Chủ tịch nước lắng nghe và chia sẻ thế nào?

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Những kiến nghị của chúng tôi được Chủ tịch nước lắng nghe, coi đó là những kiến nghị xác đáng, nhất là việc làm sạch môi trường và tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.

Chủ tịch nước cũng đề nghị tỉnh Hà Giang và các bộ, ngành tiếp tục đầu tư tu bổ, tôn tạo Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên và một số nghĩa trang trên địa bàn Hà Giang; Tích cực hỗ trợ Hội Cựu chiến binh toàn quốc Mặt trận Vị Xuyên đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục lịch sử; bảo tồn di tích chiến tranh; tăng cường các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục rà soát, trình các cấp xét tặng các hình thức khen thưởng kịp thời cho các tập thể và cá nhân có thành tích, tăng cường khắc phục, giải quyết những vấn đề còn tồn đọng sau chiến tranh ở vùng biên giới phía bắc, đặc biệt chú trọng tìm kiếm, quy tập liệt sỹ còn sót lại ở Mặt trận Vị Xuyên

Theo quan sát của tôi, những năm gần đây, công tác tuyên truyền, thăm viếng Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên hơn. Cuối năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên. Gần đây là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhiều lần lên thăm Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên.
 

PV: Cá nhân ông thì ông quan tâm và mong muốn vấn đề nào được ưu tiên giải quyết?

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm: Tất nhiên, tôi cũng rất mong mỏi công tác làm sạch môi trường và tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Tuy nhiên, là người từng trực tiếp tham gia Mặt trận Vị Xuyên (Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 316), tôi mong nhất là vấn đề thống nhất tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả các công trình nghiên cứu về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, trong đó có Mặt trận Vị Xuyên. Cần tổ chức hội thảo cấp quốc gia về vấn đề này bởi nhiều nhân chứng lịch sử, nhất là những tướng lĩnh chỉ huy tuổi đã cao, nhiều người trong số họ đã mất.

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn Trung tướng

 

Theo Quốc Phong/VOV.VN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây