Vua Minh Mạng không thích khen nịnh

Thứ ba - 28/06/2022 14:26
Minh Mạng là nhà vua thứ hai của triều Nguyễn, sau vua cha là Gia Long. Vua Minh Mạng sinh năm 1791, năm 30 tuổi (1820), ông lên ngôi vua. Năm 1830, sau 10 năm làm vua, ông và triều đình làm lễ mừng sinh nhật khi ông tròn 40 tuổi. Để chuẩn bị cho đại lễ, vào ngày mồng 1 Tết, vua Minh Mạng ban chiếu ân thưởng và xá tội cho muôn dân với 14 ân điển, bao gồm: giảm thuế thân, thưởng bạc và mời các quan ăn yến, tế lễ tại các đền miếu, người già được thưởng 1 đến 3 lạng bạc, các quan bị giáng chức do sai phạm nay được phục chức, các quan bị phạt bổng nay đều được tha, những tử tù bị kết án mà có tình đáng thương thì do bộ Hình xem xét để tâu lên cho giảm nhẹ, các trạm đều được thưởng tiền gạo trong 6 tháng, các địa phương có người tài đức ưu tú thì tâu lên để cất nhắc, các địa phương có hiếu tử, thuận tôn, nghĩa phu tiết phụ tâu lên để nêu thưởng, các phủ châu huyện chọn nhà nông chăm chỉ để cổ lệ, sở dưỡng tế các trấn thành phải chăm nuôi những người tàn tật cùng những người già cô đơn và trẻ em mồ côi, những tội phạm trên 70 mà yên phận giữ phép thì đều được tha cho về quê, những người phạm tội quân lưu nếu người phạm chính đã chết thì vợ con đều tha về. Chép gọn lại như vậy, âu cũng là mắc tội khi quân. Vì rằng 14 điều ân điển vua ban đều rất cụ thể rõ ràng để mọi nơi làm theo. Xin chép lại  vài  ân điển để đọc giả tham khảo:
1. Thuế thân các địa phương năm nay được giảm 5 phần mười.
2. Tết Nguyên đán năm nay, cho yến và thưởng bạc lạng có thứ bậc.
3. Miếu Lịch đại đế vương, Văn miếu, miếu Hội đồng cùng các thần kì trong tự điển ở các thành trấn, đều cho tế một đàn.
4. Người già trên 100 tuổi cho 3 lạng bạc, 90 tuổi 2 lạng, 80 tuổi 1 lạng bạc.
5. Các quan kinh ngoại vì làm việc công sai lầm bị giáng hay cách lưu từ năm Minh Mạng thứ 10 trở về trước, thì cho các nha kê danh sách tâu lên lượng cho khai phục...  (Đại Nam thực lục, tập 3 trang 5, trang 6, Viện Sử học tái bản lần 2)
Sau đó đến tháng 3 cùng năm, ngày Tân Tỵ, triều đình làm lễ đại khánh, vua Minh Mạng gia ơn thêm 20 điều để ban thưởng cho quan lại và dân binh, trong đó thưởng cho các quan tam phẩm và tứ phẩm, thưởng một tháng lương cho Giám sinh, thư lại hạng ưu cùng tinh binh, nhân dân vay thóc hoặc còn thiếu thuế sản vật đều được tha, Tri huyện, Huyện thừa thí thự đều cho thực thụ, đặt chức đốc học tại Quảng Yên, Thái Nguyên, Ninh Bình để dạy bảo học trò, các địa phương tiến người thao lược dũng cảm để bổ dùng, xem xét bổ dụng người đỗ tú tài từ 40 tuổi trở lên... 20 điều gia ơn của vua Minh Mạng ban cho thiên hạ thật nhân văn và sâu sắc. Xin chép lại vài điều cuối:

18. Các quan văn vũ ở kinh ngoại bị lỗi phải đi hiệu lực từ năm Minh Mạng thứ 10 trở về trước, Bộ Hình kê sách đợi chỉ, xét cho lục dụng.

19. Quan viên văn võ bị bãi từ cuối tháng 3 năm nay trở về trước, từ Tứ phẩm trở lên, và văn từ Ngũ phẩm đến Thất phẩm, nếu là cử nhân xuất thân, trừ phi tội tham tang cùng tuổi quá 70, thì đều do hai Bộ Lại, Binh phân biệt kê danh sách đợi chỉ, lượng cho lục dụng.

20. Các tù phạm quân lưu làm binh nô, do Bộ Hình kê bày tội danh và chỗ đi đày để đợi chỉ xét định. (Đại Nam thực lục, sách đã dẫn, trang 37, trang 38).

Tuy rộng rãi ban ân điển cho mọi hạng người nhân ngày sinh nhật, nhưng vua Minh Mạng lại khắt khe với chính bản thân mình khi không nhận những lời chúc tụng ngợi ca. Sách Đại Nam thực lực tập 3, trang 39 có ghi lại chuyện nhà vua mắng một vài vị quan đại thần đã làm thơ ca ngợi ông như sau: “Thị lang nội các là Phan Thanh Giản và Trương Đăng Quế dâng bài tụng đại khánh, thuật các công việc tự lúc vua lên ngôi đến nay, siêng lo chính trị làm gốc để được hưởng phúc thọ.

Vua phê:“Bọn ngươi không lo hết sức làm tốt chức phận, cứ ngày thêm lầm lỗi, nay lại làm bài văn vô dụng này đối với lầm lỗi có ích gì? Trẫm có thích nịnh ngoài mặt đâu? Vậy ném trả và truyền chỉ quở mắng”

Coi bài thơ ca ngợi mình là “vô dụng”, rồi “truyền ném trả và quở mắng” đại thần làm ra bài thơ, qua đó có thể thấy được cốt cách của nhà vua Minh Mạng trong trị quốc an dân là thích nghe lời can gián ngay thẳng, hoặc thích nghe những điều lợi cho quốc kế dân sinh, mà không thích những lời tán tụng lấy lòng. Nhờ đó ông đỡ phải nghe những lời xiểm nịnh vô bổ. Phong cách ấy của nhà vua thật đáng để người đời sau suy ngẫm làm theo.

 
Công Đán

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây