Tình yêu và sự gắn bó của Thừa Thiên Cao hoàng hậu trong buổi đầu gian nan dựng nghiệp đã chạm tới tấm chân tình của bậc đế vương.
Vua Gia Long thường được biết đến trong vai một võ tướng, một vị vua sáng lập triều Nguyễn mà ít ai biết được sau tấm áo giáp, chiếc long bào là một người chồng bình dị, thủy chung.
Cách Kinh thành Huế gần 20 km về hướng Tây, ở làng Định Môn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế là khu lăng tẩm của vua Gia Long - vị vua sáng lập triều Nguyễn. Lăng mang vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên. Đặc biệt, hình ảnh đầy ý nghĩa của ngôi mộ song táng trong lăng như đang kể lại câu chuyện về tình yêu son sắt, thủy chung của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu.
Hình ảnh ngôi mộ song táng như ghi vàng tạc đá mối tình thủy chung, hạnh phúc của vua Gia Long và người vợ đã cùng mình vào sinh ra tử. Chính sử Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện đều ca ngợi đức hạnh của Thừa Thiên Cao hoàng hậu Tống Thị Lan. Bà là con gái của Ngoại tả Chưởng dinh Tống Phước Khuông. Năm 18 tuổi, bà được vua Gia Long đến hỏi cưới và lập làm nguyên phi. Từ đó, bà đồng cam cộng khổ, giúp vua Gia Long dựng lại nghiệp lớn.
Trong những năm vua Gia Long bôn tẩu, bà thay vua tỏ lòng hiếu thuận, chăm sóc mẫu thân, phụng bề trên, chăm kẻ dưới, tự tay dệt vải cho quân lính. Chính sử chép, năm 1783 khi Tây Sơn đánh Gia Định. Trong tình thế cô lập, vua Gia Long đã giao Hoàng tử Cảnh cho Giáo sĩ Bá Đa Lộc làm con tin, đưa thân quyến ra đảo Côn Lôn lánh nạn.
Khi chia tay, vua đã chặt đôi nén vàng đưa bà một nửa và nói: “Phi hãy phụng dưỡng Quốc mẫu, chưa biết sau này gặp ở nơi nào và ngày nào, hãy giữ một nửa thoi vàng này làm tin”. Từ đó bà luôn mang tín vật đó bên mình. Sau khi thống nhất giang sơn, vua mang chuyện thoi vàng ra hỏi. Bà đưa thoi vàng ra, vua vui mừng bảo: "Vàng này còn giữ được, đó thật là ân trời đã giúp trong lúc nguy nan, chẳng nên quên lãng. Vậy phải để dành về sau cho con cháu biết".
Năm 1788, vua Gia Long lấy lại được Gia Định, cho người ra Côn Lôn đón bà và gia quyến. Từ đó, bà luôn theo vua. Thậm chí, trong một trận giao chiến với quân Tây Sơn ở trấn Biên Hòa (lúc đó vua Gia Long đang giải vây ở Quy Nhơn), khi thấy quân binh nao núng bà liền đánh trống thúc quân khiến binh sĩ hăng hái tiến lên mà giành thắng lợi.
Hơn 20 năm kết duyên, bà đã cùng vua vào sinh ra tử, gian nan hoạn nạn cùng nhau. Cảm động trước tình cảm đó, trong sách phong lập bà làm Hoàng hậu, vua Gia Long viết: “Ngày trước bôn ba, trẫm khó nhọc ở ngoài, hậu siêng năng ở trong, giúp nhau trong lúc gian nan, trải qua chỗ bằng chỗ hiểm. Cầu cúng hết kính, ngon ngọt thảo hiền, ơn cho con cháu, trạch đến quân nhung”.
Khi đặt thụy hiệu cho bà, nhà vua khắc ghi tình nghĩa vợ chồng trong buổi gian nan, nhắc lại mối tình “Duyên trời kết hợp, cùng trẫm tu tề. Trong khi mây sấm tối tăm, gặp gió bụi hết lòng chống đỡ; giữa buổi biển trời khó nhọc, đã vì ta ra sức lo toan. Đất khách lạnh lùng, lòng vui hầu mẹ; ngày đêm không ngại, cố sức giúp ta”.
Tình yêu và sự gắn bó của bà trong buổi đầu gian nan dựng nghiệp đã chạm tới tấm chân tình của bậc đế vương. Vì vậy, sau nhiều năm bôn ba nơi đất khách, lúc sống trên yên ngựa, khi đằm mình nơi chiến trận, đến khi có được cả giang san nhưng vua Gia Long vẫn muốn trọn đời, muôn kiếp ở bên người vợ thảo hiền. Khi Thừa Thiên Cao hoàng hậu băng, vua Gia Long mô phỏng theo lễ hợp lăng của người xưa mà xây dựng lăng phần: “Mặt trước rộng 150 trượng, 3 mặt tả hữu hậu đều rộng 100 trượng. Bốn mặt thành chính đều dài hơn 10 trượng. Chỗ chính huyệt đặt 2 cái quách đá”.
Ngôi mộ song táng như một lời khẳng định về tình yêu vĩnh cửu “sinh đồng sàng đồng kỉ, thác đồng quan đồng quách”. Ngôi mộ dựng bằng đá vô cùng giản dị nhưng kiên cố như chính tình yêu mộc mạc, chân thành nhưng thủy chung, hạnh phúc của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu.
Di sản Châu bản triều Nguyễn cho biết ngôi mộ song táng này được xây bằng đá Thanh kiên cố. Tuy nhiên, sự vô tình của thời gian khiến cho ngôi mộ có nhiều vết rạn nứt. Năm 1868, vua Tự Đức cho tu bổ các vết nứt trên mộ đá, Bảo thành cùng các bậc thềm trước lăng. Trong những Châu bản liên quan đến việc tu bổ ngôi mộ song táng này đều có ngự phê của vua Tự Đức. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt, sự trân trọng của vua Tự Đức đối với ngôi mộ song táng, đối với tình yêu vĩnh cửu, tình nghĩa thủy chung của tiền nhân.
Đến với lăng Thiên Thọ, trong không gian u tịch, nơi bậc đế vương khát khao giấc mộng thiên thu của đôi uyên ương hồ điệp, bên cạnh câu chuyện anh hùng và thời thế người ta còn được cảm nhận sâu sắc về một tình yêu thủy chung, hạnh phúc trước ngôi mộ càn khôn hiệp đức này.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên