Dịp nghỉ cuối tuần, gia đình tôi chọn Đền Ghênh, một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia thuộc thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm làm điểm đến cho chuyến du xuân đầu năm. Lý do chọn Đền Ghênh là điểm đến bởi tại đây từ bao đời nay nhân dân thôn Ngọc Quỳnh và các vùng lân cận thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan (bà là vợ vua Lý Thánh Tông và là mẹ đẻ của vua Lý Nhân Tông), một nhân vật lịch sử tiêu biểu cho truyền thống đảm việc nhà, giỏi việc nước của người phụ nữ Việt Nam.
Nói về Ỷ Lan, dưới triều Lý, năm ấy vua Lý Thánh Tông khoảng 40 tuổi mà vẫn chưa có con trai để nối dõi tông đường. Vua đến các vùng, chùa chung quanh thành Thăng Long để thắp hương cầu tự và vãn xem phong cảnh. Vua đi đến đâu, con trai, con gái trong làng đổ ra xem, nghênh tiếp đông vui như trẩy hội. Hôm ấy, tại vùng đất Thổ Lỗi của xứ Kinh Bắc xưa, nay thuộc thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm), vua chợt thấy trong ngày hội đông vui mà trên nương vẫn có một người con gái vừa hái dâu, vừa cất lên giọng hát trong trẻo, không để ý, ngó ngàng đến đoàn tùy tùng, xe kiệu lộng lẫy của vua. Vua lại gần hỏi mới biết người con gái ấy tên là Lê Thị Khiết, nói năng hoạt bát, lại xinh đẹp. Cảm mến tài, sắc người con gái ấy, vua đưa nàng Khiết về triều, rồi phong làm nguyên phi, cho xây một cung riêng, đặt tên cung Ỷ Lan để nhớ sự tích cô gái tựa gốc cây lan buổi đầu gặp gỡ. Khác với các hậu, phi khác, Ỷ Lan không lấy việc trau truốt nhan sắc mong chiếm được tình cảm của vua mà quan tâm đến hết thảy mọi việc trong triều. Ỷ Lan khổ công học hỏi, miệt mài đọc sách khiến nhiều người nể phục trước hiểu biết uyên thâm về mọi mặt của bà. Không chỉ có công sinh hạ hoàng tử Lý Càn Đức, tức vua Lý Nhân Tông cho nhà vua, Ỷ Lan còn là một nhà chính trị xuất sắc. Năm 1069, Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành giao cho bà làm nhiếp chính, coi sóc việc nội trị của triều đình, quốc gia. Không may năm ấy nước Đại Việt bị lụt lội lớn, mùa màng thất bát, nhiều nơi sinh loạn. Nhờ có chính sách trị quốc đúng đắn, quyết đoán và táo bạo của bà, loạn lạc đã được dẹp yên, dân đói đã được cứu sống. Nhiều việc làm của bà được nhân dân ca ngợi như bà bỏ tiền trong nội phủ để chuộc con gái nhà nghèo phải đi ở đợ rồi gả cho những người chưa vợ. Lại nói về vua Lý Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, những ngày đầu vua đánh mãi mà không thắng được quân Chiêm Thành bèn cho binh sĩ rút quân, khi về đến châu Cư Liên (nay là Tiên Lữ Hưng Yên) vua hay tin ở hậu phương Ỷ Lan đã vững vàng đưa đất nước vượt qua muôn trùng khó khăn, giữ cảnh thái bình thịnh trị cho muôn dân, Vua liền tự trách mình và nói với các tướng lĩnh rằng: Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao? Nói xong vua vội vàng chỉnh quân, đốc thúc binh sĩ quay hướng trở lại Chiêm Thành, dốc sức tấn công và thu được thắng lợi, bắt sống vua Chiêm Thành là Chế Củ.
Năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, triều Lý không tránh khỏi rối ren, Ỷ Lan trở thành Hoàng hậu nhiếp chính, bà thi hành nhiều biện pháp dựng nước yên dân, dạy dân cách trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, cấm dân không được giết mổ trâu, bò bừa bãi để bảo vệ sức kéo phục vụ sản xuất... khiến cho thế nước và sức dân mạnh lên. Năm Đinh Tỵ (1077), Triều Tống phát động đại binh xâm lược nước ta. Để Lý Thường Kiệt rảnh tay lo việc trận mạc, Thái Hậu Ỷ Lan bỏ qua hiếm khích cũ, điều Lý Đạo Thành từ Nghệ An về triều trao chức Thái sư như cũ để cùng mình điều khiển triều đình, huy động sức người, sức của đánh giặc. Nhờ vậy nước Đại Việt đã chiến thắng hiển hách trước quân xâm lược phương Bắc.
Cuối đời, Ỷ Lan Hoàng Thái hậu về tĩnh già ở quê hương Ngọc Quỳnh, tại đây triều định nhà Lý xây cho bà Tòa Thủy lâu dài, có rào chắn xung quanh, việc đi lại, ra, vào tòa Thủy lâu đài đều qua cổng Xủi (hiện chỉ còn nền móng). Hoàng Thái hậu Ỷ Lan mất năm 1117. Nhớ tới công lao của bà, nhân dân thôn Ngọc Quỳnh lập đền, tạc tượng thờ bà tại khu Thủy lâu đài cũ, gọi là Đền Ghênh. Vào năm 1953, quân Pháp đóng đồn tại thôn Ngọc Quỳnh, Đền Ghênh bị chiến tranh tàn phá, nhân đân thôn Ngọc Quỳnh đã mang bức tượng Mẫu (tức tượng Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan) sang làng Dương Xá - Gia Lâm - Hà Nội gửi, nhờ nhân dân Dương Xá giữ hộ. Đến năm 1989, Đền Ghênh được tôn tạo khang trang, nhân dân hai làng Dương Xá và Ngọc Quỳnh long trọng rước tượng Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan về lại Đền Ghênh. Ngoài bức tượng Mẫu quý hiếm, Đền Ghênh ngày nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị như: Đài kính thiên để vua về làm lễ cầu cho quốc thái dân an, phiên đá sập sàng to rộng, bằng phẳng là nơi nghỉ chân của quan, quân trước khi vào yết kiến Hoàng Thái hậu Ỷ Lan.
Hàng năm, theo tập quán cổ truyền, nhân dân thôn Ngọc Quỳnh hai lần tổ chức lễ hội vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch để tưởng nhớ công lao của bà.
Công Đản