Trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, thực dân Pháp cho rằng Việt Minh sẽ không thể nào khắc phục được vấn đề tiếp tế hậu cần cho một chiến dịch lớn và xa hậu phương như thế. Theo tính toán từ phía đối phương: "Các Đại đoàn của ta để sống được cần có gạo, mà dân công phải khuân vác vất vả. Họ vừa đi vừa ăn trên đường thì đến nơi gần như hết sạch, hoàn toàn uổng công". Việt Minh không có xe tải, không có phương tiện vận chuyển vũ khí, lương thực và các đồ dùng khác để chiến đấu ở xa hậu phương đến như vậy.
Thực ra tính toán của Pháp hoàn toàn có cơ sở. Điện Biên Phủ cách rất xa hậu phương của chúng ta. Với cung đường vận chuyển từ 400 - 500km, trên địa hình rừng núi bao la hiểm trở, đường vận tải cơ giới hư hỏng và không có đường thủy, thời tiết khí hậu mưa nắng thất thường, phương thức vận chuyển thô sơ. Nếu vận chuyển hoàn toàn bằng sức người gánh bộ từ Thanh Hóa ra đến Việt Bắc rồi Tây Bắc thì cứ 1kg gạo đi đến đích phải có 24kg gạo ăn dọc đường. Nếu vậy phải huy động hơn 600 nghìn tấn gạo và một lực lượng dân công khổng lồ. Đây là một vấn đề khó có thể thực hiện được trên thực tế khiến cho hậu cần trở thành một trong những vấn đề khó khăn nhất khi ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhưng lịch sử Việt Nam đã chứng minh, càng trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh con người Việt Nam lại được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ quân và dân ta đã có những cách làm sáng tạo khắc phục mọi khó khăn như: Động viên nhân dân Tây Bắc ra sức tiết kiệm đóng góp tại chỗ, đẩy mạnh làm đường, sử dụng tối đa số ô tô vận tải hiện có, huy động tối đa các phương tiện vận chuyển thô sơ như xe ngựa, voi, xe thồ... Trong tất cả các phương tiện vận chuyển, xe đạp thồ đã chứng minh được tính ưu việt của mình, là phương tiện vận chuyển vô cùng hiệu quả chỉ sau xe cơ giới.
Xe đạp thồ là một phương tiện linh hoạt nó có thể khắc phục được nhiều nhược điểm của các phương tiện khác. Nó nhỏ gọn, cơ động hơn ô tô nên có thể di chuyển trên mọi địa hình đồi núi dù là khó khăn nhất, lại không phải tiếp nhiên liệu, dễ ngụy trang, có thể đi trong mọi địa hình thời tiết. Sử dụng xe đạp thồ vận chuyển cũng năng suất hơn nhiều so với gánh bộ. Mỗi chiếc xe thồ có sức chở trung bình từ 50kg đến 100kg tương đương với sức mang của 5 người. Khi được gia cố thêm, xe đạp thồ có thể mang từ 200kg đến 300kg gạo và có thể mang được những vật tư cồng kềnh, chất lỏng.
Trên thực tế đã có nhiều dân công với phương tiện xe đạp thồ đã chở được khối lượng hàng hóa vượt mức trung bình hơn rất nhiều. Tiêu biểu như ông Bùi Tín (dân công tỉnh Thanh Hóa) vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đạt trọng tải từ 80kg đến 213kg; "Kiện tướng xe thồ" Cao Văn Tỵ (dân công tỉnh Thanh Hóa) với nhiều sáng kiến đã chở được 320kg/chuyến. Đặc biệt là ông Ma Văn Thắng (dân công tỉnh Phú Thọ), chiếc xe đạp thồ do ông gia cố đã lập kỷ lục vận chuyển trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trung bình mỗi chuyến ông chở được 370kg.
Với năng suất vận chuyển cao như vậy, những chiếc xe đạp thồ tưởng chừng thô sơ vô hại lại trở thành "vũ khí đặc biệt" góp phần vào thắng lợi của chiến dịch. Chưa bao giờ công tác hậu cần lại đảm bảo được một khối lượng vật chất lớn đến như thế: 20.125 tấn, trong đó gạo là 14.950 tấn, vũ khí đạn và dầu 3.000 tấn, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 565 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác. Lần đầu tiên ta bảo đảm cho một lực lượng lớn tham gia chiến dịch bao gồm cả bộ đội chủ lực 53.800 người, thanh niên xung phong và dân công phục vụ chiến dịch là 33. 300 người.
Thành tích này của Việt Nam đã làm cho giới chỉ huy Pháp phải kinh ngạc. Đại tá Giuyn-Roa của Pháp đã phải thốt lên: "Không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Nava mà đó là những chiếc xe đạp "Pơgiô" chở 200 - 300kg hàng do những dân công ăn không đủ no, ngủ trên những tấm ni lông trải ngay trên mặt đất".
Với gần 21.000 chiếc xe đạp thồ được huy động tham gia chiến dịch, Việt Nam đã làm nên được một điều kì diệu mang tên Điện Biên Phủ.
Người Pháp không thể ngờ rằng những chiếc xe đạp do họ mang sang Việt Nam lại trở thành những phương tiện hữu hiệu giúp đối phương đánh bại họ trong trận đụng đầu lịch sử. Cả thế giới còn bất ngờ hơn với một dân tộc nhỏ bé, lạc hậu với những chiếc xe đạp thồ thô sơ lại đánh thắng được thực dân Pháp, một thực dân hùng mạnh bậc nhất trên thế giới.
Thắng lợi này càng có ý nghĩa với những dân tộc còn chịu ách thống trị của thực dân, đế quốc trên thế giới. Họ nhìn Việt Nam như một tấm gương làm động lực đứng lên đấu tranh giành độc lập cho dân tộc mình.
Theo Dân việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên