Nhà hát đóng cửa, nhưng nghệ sĩ vẫn phải lao động nghệ thuật
Thứ năm - 20/05/2021 16:04
Dịch Covid 19 vẫn dai dẳng hoành hành tác động đến mọi mặt của đời sống, trong đó có sân khấu. Nhiều nhà hát phải đóng cửa, nhiều vở diễn, nhiều cuộc thi sân khấu buộc phải hoãn lại vô thời hạn, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có những cách tiếp cận mới mẻ với công chúng.
Đời sống của người nghệ sĩ vẫn còn nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do mức thu nhập còn thấp, chưa tương xứng với công sức của họ. Trong thời buổi dịch Covid 19 vẫn tiếp diễn, nguồn thu nhập càng bị ảnh hưởng trầm trọng, thậm chí nhiều nghệ sĩ còn không có lương hàng tháng. NSND Triệu Trung Kiên (giám đốc nhà hát Cải Lương Việt Nam), đã trăn trở: “ Bản thân tôi khi nhận cương vị giám đốc của nhà hát, luôn phải tìm những phương thức mới để phát triển nhiều hoạt động của nhà hát, nhưng điều đó không hề dễ dàng. Chúng tôi vẫn hi vọng khi đi sâu vào trong xã hội tìm những cơ hội đem lại nguồn lực cho nhà hát. Cố gắng tối đa để tăng thu nhập và quan tâm đến đời sống cho anh em”.
Khán giả không mặn mà tới nhà hát, nhiều vở diễn không bán được vé, đây là thực trạng buồn của sân khấu. Dường như, sân khấu không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả. Và dịch bệnh càng tạo thêm cảm giác e ngại đến những nơi đông đúc như rạp hát. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới mức thu nhập của nghệ sĩ… Dù còn khá non trẻ, nhưng bằng sự tìm tòi, khám phá thể nghiệm mới, đoàn kịch Lucteam đã gây được tiếng vang lớn và là một trong những đơn vị sân khấu được khán giả yêu thích nhất hiện nay, NSƯT Trần Lực chia sẻ: “Sân khấu không bao giờ chết cả, quan trọng chúng ta có khiến khán giả cần phải tới sân khấu xem. Trong thời gian ở nhà, tôi có thời gian để đọc nhiều kịch bản và biên tập lại để hòa hợp với phong cách của Lucteam. Tôi dựng lại nhiều vở cũ, nhưng bằng phương pháp ngôn ngữ sân khấu ước lệ sẽ tạo ra những sự hấp dẫn mới. Điều đó để chứng tỏ rằng: Lucteam đang đi theo phong cách sân khấu riêng: sân khấu ước lệ, biểu diễn ước lệ, để hướng tới khán giả của thời hiện đại và tiếp cận nhanh nhất với khán giả”.
Sân khấu hay nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi người nghệ sĩ phải tìm ra những phương thức sáng tạo mới để tiếp cận gần hơn với khán giả. Ngành công nghệ số ngày càng phát triển, đã tạo ra nhiều loại hình giải trí hấp dẫn. Đặc biệt, trong thời buổi tình hình dịch bệnh, công nghệ số được sử dụng phổ biến. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để người nghệ sĩ vẫn tiếp tục sáng tạo… Từ lâu, công chúng biết tới nhóm Xẩm Hà Thành với tâm huyết phát huy và nâng tầm những giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, nhóm Xẩm Hà Thành đã trình diễn những tác phẩm mới phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả đương đại. “Tiêu diệt Corona” được sáng tác và đăng tải trên kênh Youtube của nhóm, nhằm góp thêm sức mạnh trong cuộc chiến chống dịch, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ: “Không đi diễn được, nhiều nghệ sĩ dùng livetream tiếp cận với công chúng. Tôi đã thực hiện hai kênh Xẩm Hà Thành và kênh Dân ca nhà và nhạc cổ truyền. Nghệ thuật truyền thống vẫn có những giá trị nhất định và luôn luôn phải truyền tải những hơi thở của thời đại, phải có tác phẩm mới”. Dường như, xu thế đăng tải những tác phẩm nghệ thuật lên những kênh truyền thông ngày càng được phổ biến. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Nghệ sĩ vẫn có thể biểu diễn trên các kênh mạng xã hội, diễn kịch nói qua đài phát thanh, phương thức đó giúp nghệ sĩ vẫn giữ được lửa đam mê với nghề vừa có thêm thu nhập. Nghệ sĩ trẻ Hồng Phúc (Nhà hát kịch Việt Nam) chia sẻ: “Tình hình vẫn còn khó khăn, nhưng cũng phải tìm xem có cơ hội nào không. Mình cùng một số diễn viên trẻ trong nhà hát đã thành lập một team để làm Youtube và chạy trên nền tảng số. Đấy là một cách anh em duy trì nghề nghiệp, và mình thấy rất hội nhập. Lợi thế là có rất nhiều diễn viên có nghề thì tại sao lại không thành lập một cái kênh? Không biết có thành công hay không, nhưng mình vẫn đang cố gắng hết sức”
Dịch bệnh đã tác động tiêu cực tới nhiều hoạt động biểu diễn của nghệ sĩ, nhưng không vì thế mà người nghệ sĩ ngừng sáng tạo, ngừng lao động nghệ thuật. Liệu những nền tảng số có thể là cầu nối giữa nghệ sĩ và khán giả? Điều đó vẫn còn là thách thức, NSUT Trần Lực trăn trở: “Tôi vẫn đang nghĩ tới phương án diễn kịch online để Lucteam có thể hoạt động trở lại. Nghệ sĩ vẫn phải giữ lửa với nghề và phải kiếm tiền để sống. Nhưng cái khó của sân khấu là tính tương tác giữa khán giả với nghệ sĩ, nếu chỉ quay rồi đăng lên thì chỉ như những tiểu phẩm thông thường. Sân khấu còn có tính ước lệ, những thứ mà chỉ đến rạp khán giả mới có thể cảm nhận được. Nếu khán giả xem qua online, khán giả không thể tưởng tượng, không thể hòa vào hơi thở, động tác, lời thoại và suy nghĩ của nhân vật trên sân khấu. Vậy làm thế nào để sân khấu online chạm tới trái tim khán giả? Tôi vẫn đang nghĩ tới điều này rất nhiều”. Nghệ sĩ tiếp cận khán giả qua nền tảng số ngày càng phổ biến, nhưng vấn đề an ninh mạng ở nước ta vẫn còn nhiều lỗ hổng. Ăn cắp ý tưởng, sao chép bản quyền tác phẩm vẫn tràn lan và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của nghệ sĩ. Đó là rào cản lớn khiến nhiều nghệ sĩ vần còn ngại ngần khi đăng tải những tác phẩm của mình lên các kênh mạng xã hội.
Bản chất cốt lõi của sân khấu là tính tương tác trực tiếp giữa khán giả và nghệ sĩ. Biểu diễn thông qua nên tảng số khó có thế thay thế được những buổi biểu diễn trên sân khấu. NSND Triệu Trung Kiên khẳng định vai trò của sân khấu: “Khi xuất hiện những kênh Youtube có thêm doanh thu, nhưng ít thấy nghệ sĩ có được thành công trong cách thức này. Đây có thể là giải pháp ứng biến tạm thời trong thời điểm dịch Covid, để nghệ sĩ có thêm thu nhập. Đối với nghệ thuật sân khấu thì sự làm nghề chính thống phải bắt buộc ở trên thành đường sân khấu, không thể qua những phương tiện gián khác được”.
Dù không còn trong thời kỳ hoàng kim, nhưng sân khấu hay nghệ thuật truyền thống vẫn giữ một vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù biểu diễn trên sân khấu hay biểu diễn qua những kênh mạng xã hội thì người nghệ sĩ vẫn phải miệt mài lao động vừa để có thêm thu nhập, vừa kéo gần khoảng cách giữa chính nghệ sĩ và khán giả.