Trong đó có khá nhiều người đặc biệt, ưu tú, làm ở nhiều lãnh vực, hiện ở nhiều nước trên thế giới, có người là hậu duệ vua Lý Thái Tổ hiện ở Hàn Quốc, có người là cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, có người là Tham mưu trưởng Hải quân, cục Chính trị Hải quân, có người làm ở Bộ Công an, có người làm ở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, có người đương chức sở Ngoại vụ các tỉnh thành… Và có tất cả bảy mươi kiều bào trở về từ hai mươi bốn quốc gia như: Cộng Hòa Sec, Ba Lan, Hungary, Singapore, Canada, Pháp, Hàn, Thái Lan, Lào… Tất cả họ được trực tiếp viếng thăm những hòn đảo tiền tiêu, những vùng lãnh hải, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc như: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn, Cô Lin, Tốc Tan, Phan Vinh, Đa Đông, Trường Sa, Nhà giàn DK1/18… Họ đã tận mắt chứng kiến những thay đổi vượt bậc và cảm nhận được rõ ràng rằng Trường Sa không còn xa xôi nữa. Tuy gian nan vẫn còn đó nhưng Trường Sa ngày nay đã có chùa chiền, trường học, bệnh xá, nhiều đảo đã có điện, có sóng truyền hình, đài phát thanh, sóng điện thoại di động. Họ đã gặp mặt hỏi thăm, chia sẻ với từng người dân, với từng chiến sĩ. Họ đã cùng tham dự chào cờ, cùng sinh hoạt văn nghệ và được nghe những câu chuyện thú vị của các chiến sĩ đóng quân trên các đảo xa này. Sinh động hơn nữa, trong phần cuối cuốn sách, Hiệu Constant còn in 32 bức hình do mình chụp được trên các đảo, từ hình ảnh các cuộc duyệt binh, chào cờ trên đảo đến sinh hoạt bình thường của các công dân nhỏ tuổi trên các đảo.
Cuốn sách dày chưa tới 200 trang nhưng nó mang ý nghĩa lớn lao bởi sự chân thật, bởi nó truyền đến bạn đọc cả nước những tình cảm nóng hổi của đất đảo, của biển xa và của những con người chịu nhiều thiệt thòi về đời sống để bám giữ những vùng lãnh thổ xa xôi thiêng liêng của tổ quốc. Và nhất là quyển sách đã bày tỏ những tình cảm sâu sắc của những kiều bào yêu nước, luôn hướng về đất nước, luôn sẵn sàng sẻ chia khó khăn, sẵn sàng đóng góp cùng với nhân dân cả nước trong sự nghiệp giữ gìn biển đảo quê hương.
Nhà văn Hiệu Constant tên thật là Lê Thị Hiệu, quê Thường Tín, Hà Tây, hiện đang sinh sống và làm việc tại Paris, Pháp, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Tiếng Pháp, tốt nghiệp Đại học Paris IV (Sorbonne) chuyên ngành Văn học so sánh. Với gần 70 tác phẩm dịch Pháp - Việt, Việt- Pháp, nhà văn Hiệu Constant thực sự là chiếc cầu nối tích cực, hiệu quả trong mối quan hệ giữa hai đất nước, hai dân tộc, hai nền văn hóa Việt – Pháp. Trong tập truyện ký Kiều bào với Trường Sa này, Hiệu Constant trở thành người thư ký trung thực, tỉ mỉ, ghi lại cả những gì tận mắt thấy được và cả những cảm nhận, những tình cảm thiêng liêng sâu kín từ trong trái tim những người Việt xa quê dành cho quần đảo Trường Sa, những núm ruột đất nước mà cha ông ta và bao nhiêu các thế hệ con cháu đã hy sinh xương máu để gìn giữ. Theo như nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét thì Hiệu Contant viết quyển sách này chính là thêm một cột mốc đặc biệt “mà không kẻ thù nào hay sóng gió nào có thể phá nổi”.
Quả đúng là như vậy, tôi thật xúc động khi đọc những dòng chia sẻ suy nghĩ, tình cảm của bà Nga Nguyễn, một kiều bào đã ở Pháp 45 năm, một kiến trúc sư quy hoạch đô thị Pháp: “Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam và người Việt Nam ở bất kỳ đâu cũng phải bảo vệ vùng đất này”. Một cuốn sách chứa đựng những tình cảm như vậy chính là những cột mốc bất hoại của hải đảo, của biên cương tổ quốc.
Tác giả: Nguyễn Hiệp
Nguồn Văn nghệ số 23/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên