Trong kho tàng Ca dao Việt Nam, chỉ cần trích dẫn ra một số câu nói về mảnh đất, con người Hưng Yên đã cho thấy từ xa xưa, nơi đây đã là vùng đất hào hoa, văn hiến với bề dày lịch sử đấu tranh xây dựng quê hương, đất nước của cha ông từ thời mở nước.
Có thể nói, đến với Hưng Yên là đến với câu ca “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, mảnh đất trù phú, thân thương nằm bên bờ sông Hồng . Nhờ tọa lạc ở nơi thuận lợi giao thương cả đường thủy lẫn đường bộ, cách đây hơn 300 năm, Phố Hiến đã từng là một thương cảng lớn ở Đàng ngoài. Từ thế kỷ thứ XV đến thế kỷ XVIII, tàu buôn của các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Ấn độ, Hà Lan, Nhật Bản... đã tấp lập cập cảng Phố Hiến để mua, bán, trao đổi các mặt hàng như gạo, hồ tiêu, đường, vây cá, vàng bạc, thuốc bắc, gương soi, bút lông, bát đĩa, ấm chén...Thời điểm hưng thịnh phố Hiến có tới 20 phố thị. Sự sầm uất của Phố Hiến ngày ấy chỉ đứng sau kinh kỳ Thăng Long, nên dân gian mới có câu “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Trải qua thăng trầm của lịch sử, ngày nay phố Hiến trở thành khu vực trung tâm của thành phố Hưng Yên năng động và phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa. Trong lòng Phố Hiến vẫn còn lưu giữ được các quần thể di tích lịch sử văn hóa có giá trị cao, với 128 di tích được bảo tồn, tiêu biểu như; Văn miếu Xích Đằng, Đền Trần, Đền Mẫu, Chùa Chuông, Đông Đô quảng hội. Năm 2014, khu di tích Phố Hiến đã được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Ở một lĩnh vực khác, ca dao ghi lại đầy vẻ tự hào về tên tuổi, công trạng, mảnh đất sinh ra Nguyễn Thiện Thuật, một thủ lĩnh tài ba lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chống lại thực dân Pháp xâm lược nước ta: “Ai vào mảnh đất Đường Hào, có cụ Tán Thuật đào hào đánh tây”. Cụ Tán Thuật tức Nguyễn Thiện Thuật, sinh ra tại làng Xuân Đào, xã Xuân Dục thị xã Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên. Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy do cụ lãnh đạo kéo dài từ năm 1883 đến năm 1892 là điểm sáng về tinh thần yêu nước, kế tục truyền thống đấu tranh bất khuất của cha ông, cổ vũ nhân dân tiếp tục đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Thiện Thuật từ năm 1885 đến cuối năm 1887 nghĩa quân Bãi Sậy đẩy lùi nhiều cuộc càn quét của Pháp vào các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ. Ngoài ra Nguyễn Thiện Thuật cùng với nghĩa quân Bãi Sậy còn đánh úp nhiều đồn trại của Pháp đóng ở Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội...khiến cho quân Pháp sợ hãi, kinh hoàng. Nguyễn Thiện Thuật mất ngày 25.5.2926 tại Trung Quốc. Năm 2005, di hài cụ được đưa về cải táng tại quê hương Xuân Dục. Ghi nhớ công lao của Nguyễn Thiện Thuật, UBND tỉnh Hưng Yên đã đầu tư kinh phí, xây dựng khu di tích Nguyễn Thiện Thuật ở làng xuân Đào, xã Xuân Dục thị xã Mỹ Hào.
Còn đây là những câu ca dao nói về một số lễ hội ở tỉnh ta: “...Một năm là mấy tháng xuân, đi chơi cho khắp hội gần hội xa. Nhất đông là hội Đa Hòa, nhất vui là hội Đùng Đà An Viên. Muốn xem các cụ múa quyền, thì lên đền Ủng một phen cho tường, muốn thăm những khách văn chương, đến đền Quan Trạng quê hương An Cầu...” Trước hết, ta về với lễ hội Đa Hòa. Hội đền Đa Hòa thuộc xã Bình Minh huyện Khoái Châu, nơi thờ Chử Đồng Tử- Tiên Dung- Hồng Vân công chúa. Cùng với Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương và Công chúa Liễu Hạnh, Chử Đồng Tử là một trong 4 vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt nam. Đền Đa Hòa được xây dựng từ lâu, công trình hiện nay được hưng công xây dựng từ năm 1884 đến năm, 1886 do Chu Mạnh Trinh người làng Phú Thị tổng Mễ Sở, quan Án sát tỉnh Hưng Yên đảm trách. Khu đền gồm 18 công trình lớn nhỏ như nhà bia, gác chuông, gác khánh, nhà tiền tế, tam cung...Các mái đình đều tạo dáng hình rồng cách điệu. Từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy các nóc đền tổ hợp lại trông giống như đoàn du thuyền của nàng Tiên Dung con gái Vua vua Hùng thứ 18 đang dập dìu du ngoạn trên sóng nước sông Hồng, đoạn ngang qua xã Bình Minh huyện Khoái Châu. Đền nhìn ra sông Hồng và bãi Tự Nhiên, tương truyền là nơi tác thành mối tình Chử Đồng Tử Tiên Dung. Hội đền Đa Hòa diễn ra trong 3 ngày từ 10-12 tháng 2 âm lịch, ngày chính hội đông vui được mở đầu bằng đám rước thần thành hoàng 8 làng thuộc tổng Mễ xưa về đền chính. Mỗi đám rước đều có cờ, chiêng , trống, bát cửa, phường bát âm, kiệu bát cống, múa sinh tiền, rồng, sư tử. Đám rước của 8 làng gặp nhau chiêng trống vang rền, rồng vàng uốn lượng từ đầu đến cuối đám rước, lễ hội thu hút đông đảo khách thập phương về dự.
Tiếp đến là lễ hội Đùng Đà An Viên diễn ra tại đền Đậu An xã An Viên huyện Tiên Lữ từ ngày 6-12.4 âm lịch, không biết từ khi nào nhân dân trong vùng đã lưu truyền câu nói như để nhắc nhở, khuyên nhủ nhau; “mồng 8 tháng 4, ai không xem hội thì hư mất đời”. Đền Đậu An là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ Ngọc Hoàng thượng đế, Ngũ lão tiên ông và các vị Thiên tiên, Địa Tiên. Đền Đậu An có niên đại hơn 2200 năm, là di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Trong cụm di tích này, trước cửa đền thượng có tháp cửu trùng bằng đất nung được xây dựng từ thời Lý Trần. Ngày 8.4 là ngày hội lớn nhất của hội Đậu An, khách thập phương nườm nượp đổ về trước cửa tổ hùm xóm Vô Đình để được xem sự tích đánh hổ rất vui nhộn.
Rời Đền Đậu An, ta về Đền Ủng nằm trên địa bàn xã Phù Ủng huyện Ân Thi, đền thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão, đây cũng chính là quê hương của ông. Một hôm Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có việc quân đi qua vùng đất Phù Ủng. Phạm Ngũ Lão đang ngồi đan sọt ngoài đường, mải nghĩ về cuốn Binh thư yếu lược nên không để ý đến việc quan, quân đi qua. Người lính dẹp đường quát tháo ầm ĩ mà người đan sọt vẫn cứ ngồi im, bực mình, người lính lấy cây giáo đâm thủng đùi kẻ cản đường, ấy vậy mà người đan sọt vẫn cứ ngồi im không nhúc nhích. Hưng Đạo Vương thấy vậy liền đến nói chuyện với người đan sọt, qua đối đáp với chàng trai, Hưng Đạo Vương thầm hiểu đây sẽ là một tướng giỏi của Triều đình, ông sai lính lấy thuốc trị vết thương ở đùi và mời Phạn Ngũ Lão về triều. Khi về triều Hưng Đạo Vương tiến cử Phạm Ngũ Lão lên triều đình với chức cai quản quân cấm vệ. Vệ sĩ trong triều không nể phục Phạm Ngũ Lão bèn thách đấu, đòi thử sức với ông. Phạm Ngũ Lão bằng lòng thách đấu nhưng xin về quê 3 tháng. Ở quê ngày nào Phạm Ngũ Lão cũng ra cái gò lớn nằm ở giữa cánh đồng luyện tập võ nghệ, khiến gò đất bị sạt mất một nửa. Hết hạn ông trở về cấm thành cùng các vệ sĩ so tài. Thấy Phạm Ngũ Lão tiến thoái như bay, tay đấm, chân đá thoăn thoắt, sức có thể địch cả vài chục người, từ đó đám vệ sĩ trong triều rất nể phục Phạm Ngũ Lão. Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2, Phạm Ngũ Lão được triều đình giao trọng trách cùng với Trần Quang Khải tiến đánh địch ở Chương Dương, Hàm Tử, đã đập tan đội binh thuyền khổng lồ của giặc. Sau đó Phạm Ngũ Lão được lệnh mang 3 vạn quân phục kích đánh địch ở Vạn Kiếp, chặn đường rút chạy của quân giặc lên biên giới phía bắc tiêu diệt được 2 tướng giặc là Lý Quán và lý Hằng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ 3, tháng 12 năm 1287 Phạm Ngũ Lão cùng các tướng nhà Trần bầy binh bố trận phục kích đường rút lui của địch trên sông Bạch Đằng. Trong trận này quân nhà Trần bắt sống được nhiều tướng giặc là Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi...Nhiều năm sau đó Phạm Ngũ Lão còn lập công khi đi trừng phạt sự quấy nhiễu, xâm lấn của quân Ai Lao và quân Chiêm Thành. Phạm Ngũ Lão được vua Trần thăng tới chức Điện Súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu. Tưởng nhớ công lao của Phạm Ngũ Lão, nhân dân lập đền thờ ông trên chính quê hương của ông ở làng Phù Ủng xã Phù Ủng Ân Thi. Lễ hội Đền Ủng được tổ chức vào đầu tháng giêng hằng năm. Trong phần hội có tiết mục múa quyền, mô phỏng lại cảnh luyện tập võ nghệ ngày xưa của Phạm Ngũ Lão.
Địa danh cuối cùng được nhắc đến trong câu ca dao trên là đền Quan Trạng quê hương An Cầu. Đây chính là đền thờ Tống Trân thuộc thôn An Cầu xã Tống Trân huyện Phù Cừ. Vào đời Tiền Lý, lên 5 tuổi Tống Trân đi học, học 1 biết 10, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Năm lên 7 tuổi Tống Trân lên kinh ứng thi đỗ thủ khoa, sau đó đỗ trạng Nguyên, được vua khen đại ý; danh sĩ, tướng tài trong nước chỉ có một mình Tống Trân, không ai sánh được. Rồi Tống Trân được vua sai đi sứ Trung Quốc. Vua Trung quốc muốn thử tài, bắt giam Tống Trân vào chùa Linh Long, trong chùa chỉ có tượng phật và nước lã. “Có nước uống ắt phải có cái ăn, nghĩ vậy nên Tống Trân bèn bẻ tay tượng, quả nhiên tượng được đắp bằng chè lam”. 4 tháng sau vua Tàu cho mở cửa chùa thì thấy Tống Trân vẫn sống bình thường khỏe mạnh, nhưng tượng phật không còn một pho. Qua nhiều lần thử tài văn chương, võ nghệ vua Tầu càng tỏ ra khâm phục, phong cho Tống Trân là lưỡng quốc Trạng Nguyên. Về nước Tống Trân làm quan giữ chức Phụ chính đại thần, ngoài 60 tuổi ông dâng biểu, xin nghỉ về quê mở lớp dạy học được 5 năm thì mất. Vua thương tiếc phong sắc cho Tống Trân “Thượng đẳng phúc thần”, sau lại gia phong “thượng đẳng tối linh phục quốc thượng tể đẩu nam song toàn Tống đại vương” và truyền cho dân làng lập đền thờ, ghi vào sử sách lưu truyền đến ngày nay.
Chỉ bấy nhiêu câu ca dao đó thôi đã toát lên niềm tự hào của người Hưng Yên. Đó là những địa chỉ đỏ, là nguồn mạch nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu, trí tuệ cho các thế hệ người Hưng Yên sống, học tập, công tác xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của quê hương Hưng Yên văn hiến và cách mạng.
CTV Nguyễn Công Đản